Phó Giám đốc Ngô Thị Bích Hiền của Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (gọi tắt là BHD) là một phụ nữ năng động, góp sức khá nhiều cho sự phát triển của phim ảnh và nghệ thuật - giải trí của Việt Nam. Chị được giới truyền thông biết đến với nhiều mặt khác nhau, nhưng ít ai biết chị từng là gương mặt thơ triển vọng một thời.
Ngô Thị Bích Hiền làm nhiều thơ thiếu nhi từ nhỏ, tuy nhiên chị đã không bước tiếp với thơ văn. Bài thơ Ông mặt trời của chị đã được đưa vào sách Tiếng Việt 4, tập 2, bộ Cánh diều, với tựa mới là Ông mặt trời óng ánh.
Bài thơ đẹp của tuổi ấu thơ
* Trong phần giới thiệu tác giả ở sách giáo khoa, đã cho biết rằng bài thơ được ra đời khi chị đang còn học lớp mẫu giáo. Vậy có đúng không?
- Bài thơ được tôi "viết" lúc còn bé xíu, chắc chỉ 5 hoặc 6 tuổi, nên ký ức cũng mơ hồ lắm. Hồi đó, ba tôi đang ở chiến trường, chỉ có hai mẹ con lủi thủi ở Hà Nội. Mẹ tôi kể, vào một ngày nắng đẹp, đường sá rất vắng, mẹ dắt tôi đi bộ từ phố Hàng Khay đến phố Tràng Tiền, tức đoạn đường từ nhà đến công ty mẹ làm việc. Trên đường, tôi ngước nhìn mặt trời rực rỡ, rồi tự nhiên… tuôn ra mấy câu thơ! Mẹ ngạc nhiên lắm, vội ngồi xuống ghi lại ngay.
Tôi chẳng nhớ lúc đó cảm xúc gì mà "bật" ra thơ như thế. Chắc là thấy nắng lung linh, ông mặt trời đẹp, cũng như yêu mẹ nhiều quá, nên thơ cứ thế mà tìm đến thôi.
Tác giả Ngô Thị Bích Hiền
* Sau khi bài thơ được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, có lẽ đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
- Ôi, kỷ niệm thì nhiều lắm, như một cuốn album tuổi thơ. Mẹ và dì Phương Thúy (bạn thân của gia đình tôi) thường kể rằng hồi nhỏ tôi thích ngồi ê a mấy câu vần điệu, rồi mẹ hoặc dì sẽ ghi lại vào một cuốn sổ thơ bé xinh để làm kỷ niệm và gửi thư vào chiến trường cho ba tôi đọc. Một ngày đẹp trời, dì Thúy gửi mấy "bài thơ" ấy đến báo Nhi đồng và được đăng.
Sau đó, tôi không rõ ai đã gửi các bài thơ của tôi tham gia các cuộc thi thơ thiếu nhi, nhưng "rinh" được kha khá giải thưởng. Lớn lên chút nữa thì… giải ít dần, chắc tại "mầm non thơ" bị "thui chột" mất rồi (cười).
Riêng bài Ông mặt trời, tôi may mắn được giải nhất cuộc thi thơ thiếu nhi của báo Nhi đồng, rồi được Hội Nhà văn Việt Nam gửi đi dự cuộc thi thơ quốc tế ở Ấn Độ, cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa và được giải chính thức. Anh Khoa được tặng một chiếc đĩa bạc, còn tôi nhận một chiếc cốc bạc, có chữ ký của bà Indira Gandhi - khi ấy là Thủ tướng Ấn Độ.
Nhưng có câu chuyện hơi buồn về chiếc cốc bạc của tôi. Nhà tôi hồi đó khó khăn, ba đi bộ đội, mẹ một mình nuôi con. Có lần tôi ốm, mẹ phải bán chiếc cốc kỷ niệm ấy để lo thuốc men. Còn ít tiền, mẹ mua cho tôi một quả đào, nhưng cắt ra thì… ôi, sâu! Mẹ kể lúc đó tôi khóc ghê lắm, chắc không phải vì cốc bạc, mà vì quả đào hỏng nhỉ (cười lớn). Sau này, gia đình tôi cố tìm lại chiếc cốc bạc ấy, nhưng không được, đến giờ tôi vẫn thấy tiếc, như mất một mảnh ký ức tuyệt đẹp vậy.

Bài thơ “Ông mặt trời óng ánh” trong sách “Tiếng Việt 4”, tập 2, bộ Cánh diều
* Chị có nhớ bài thơ này đã được phổ nhạc như thế nào không?
- Thật tình là tôi cũng… mù tịt về chuyện này. Hồi đó chưa có Internet, nên tôi không biết bài thơ đã được phổ nhạc, khi lớn lên mới nghe loáng thoáng rằng nó đã thành bài hát, mà hình như có đến 2 phiên bản khác nhau. Đến giờ, tôi vẫn chưa biết nhạc sĩ nào đã làm nên giai điệu ấy, vì tìm trên mạng không thấy ghi tên nhạc sĩ, chỉ thấy Xuân Mai hát. Tôi mong được gặp nhạc sĩ ấy một lần.
"Thơ văn giúp tôi rất nhiều…"
* Chị thường được biết đến là một người phụ nữ năng động, nhạy bén với thị trường truyền thông. Nếu không nghe chị kể về tuổi nhỏ, sẽ thật bất ngờ khi biết chị từng sáng tác nhiều thơ?
- Tôi cũng thấy bất ngờ về chính mình luôn. Đùa vui thôi, thật ra với tôi, thơ văn giống như một phần máu thịt, từ nhỏ đã ngấm vào người rồi. Sau này, tôi làm thơ ít đi, thích viết tản mạn hơn. Thơ với tôi là những ngày tháng tuổi thơ ngọt ngào, là những buổi gặp gỡ các nhà văn, các bạn làm thơ cùng thời, là chuyến đi đáng nhớ khi được chọn vào Top 10 tài năng trẻ Việt Nam tham dự Trại Hè quốc tế Ngọn cờ hòa bình ở Bulgaria và gặp bao bạn bè quốc tế, là những cơ hội được gặp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời ấy.
Và bạn biết không, thơ văn giúp tôi rất nhiều trong công việc truyền thông. Viết lách, cảm xúc, sự nhạy bén, tất cả đều bắt nguồn từ những ngày tháng làm thơ, đọc sách.

Ngô Thị Bích Hiền lúc nhỏ với bài thơ “Ông mặt trời” nổi tiếng được giải tại cuộc thi thơ quốc tế ở Ấn Độ
* Chị là con gái của nhà văn Ngô Thảo, tình yêu văn chương của chị có phải bắt nguồn và được dẫn dắt từ cha mình không?
- Chắc là nằm trong gen của cả ba và mẹ (cười). Khi tôi được sinh ra, ba đã đi bộ đội. Tôi lớn lên bên mẹ và đã làm thơ trước khi ba trở về. Rồi khi ba về, ông "giao bài tập" ngay: Đọc sách mỗi ngày! Nhà tôi hồi đó như một thư viện nhỏ, sách chất đầy. Ba mẹ cho bao nhiêu tiền, tôi cũng chạy ù ra tiệm sách Tràng Tiền "đốt" hết.
Hơn nữa, nhà tôi ở phố Hàng Bông, khi ấy là "điểm hẹn" của giới văn nghệ sĩ Hà Nội. Căn nhà nhỏ xíu ấy lúc nào cũng rộn ràng tiếng thơ, nhạc và những câu chuyện văn chương. Tôi đi ngủ trong tiếng thơ, tiếng hát, tiếng guitar mỗi đêm của bạn bè của ba. Với tôi, văn chương không chỉ là sở thích, mà như là những bữa cơm tinh thần, nuôi lớn tâm hồn mình từ bé và điều ấy không chỉ được truyền từ ba, mà cả từ mẹ tôi.
Mẹ học khóa đầu tiên của Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương (sau này tách thành Đại học Ngoại giao và Đại học Ngoại thương), nhưng trong sâu thẳm mẹ yêu thích văn học và hội họa.
Trong gia đình tôi, người làm truyền thông đầu tiên là mẹ, vì từ hồi mới ra trường, bà làm ở phòng tuyên truyền và quảng cáo của một tổng công ty xuất nhập khẩu lớn của Bộ Ngoại thương. Chị em tôi may mắn được ba mẹ truyền cho cả văn thơ và dòng máu kinh doanh, nên mới có cơ hội làm nghề này đến bây giờ.

Bản dịch tiếng Anh bài thơ “Ông mặt trời” từng được giải tại cuộc thi thơ quốc tế ở Ấn Độ
* Chị có bao giờ thấy tiếc hoặc bỏ lỡ điều gì với văn chương khi chọn đi theo ngành truyền thông không?
- Hồi trẻ, tôi đủ điều kiện vào Trường Viết văn Nguyễn Du, vì đã có một tập sách, nhưng năm tôi tốt nghiệp lớp 12, trường lại không tuyển sinh, vì 2 năm mới mở một khóa. Vì vậy, tôi thi vào khoa tiếng Nga, vì mê văn học Nga đến mức "phát cuồng", đã đọc đi đọc lại Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Tuổi 17…, đọc thơ của Pushkin, Olga Berggolts…
Thật ra, tôi không học truyền thông từ đầu, mà mọi thứ cứ tự nhiên dẫn mình đến đây. Mình nghĩ, thơ văn, ngoại ngữ, văn học Nga và cả văn hóa gia đình mà ba mẹ truyền lại đã giúp mình rất nhiều trong công việc bây giờ. Cho nên, tôi không thấy tiếc gì, chỉ thấy may mắn vì mọi thứ đều được kết nối như một bức tranh hoàn chỉnh.
Những dự án điện ảnh lớn
* Thỉnh thoảng chị có viết gì cho riêng mình không?
- Công việc bận rộn quá nên tôi ít có thời gian viết cho riêng mình. Nhưng thật ra, văn chương vẫn len lỏi trong công việc hàng ngày, vì truyền thông cần viết lách và cảm nhận nghệ thuật rất nhiều. Ước mơ lớn của tôi bây giờ là viết một kịch bản điện ảnh. Tôi muốn những câu chuyện, cảm xúc của mình được kể qua hình ảnh, âm nhạc, để chạm đến trái tim mọi người, thay vì chỉ là câu chữ.

Ba chị em và cha mẹ
* Cuộc sống bận rộn và khá nổi tiếng mang lại và lấy đi của chị điều gì không?
- Cuộc đời đã quá ưu ái: có một gia đình lớn tuyệt vời, gia đình nhỏ hạnh phúc, bạn bè thân thiết luôn bên cạnh, những đồng nghiệp đồng lòng, sát cánh cả trong lúc khó khăn. Tôi thấy mình chỉ nhận được thôi chứ không mất gì cả. Tôi luôn thầm cảm ơn cuộc đời vì đã được sống trong một hành trình đầy thú vị, cảm xúc, yêu thương và ý nghĩa như thế.
* Hiện chị có những ấp ủ lớn nào cho cá nhân cũng như công việc hiện tại?
- Ngoài công việc hàng ngày, tôi đang ấp ủ 3 dự án điện ảnh lớn: Phim huyền sử Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh do em rể Nguyễn Phan Quang Bình viết kịch bản và đạo diễn, dự kiến quay vào tháng 11 năm nay và phát hành quý 2/2026; phim về điệp viên Phạm Xuân Ẩn, dựa trên tiểu thuyết của Larry Berman, do anh Charlie Nguyễn đạo diễn; phim truyền thuyết lịch sử Hộ quốc vệ thần do em Ngô Vĩnh Hoàng viết kịch bản và đạo diễn.
Ngoài ra, tôi muốn dành thời gian viết một kịch bản điện ảnh để tặng con trai. Và dĩ nhiên, tôi muốn có thêm thời gian để dành cho gia đình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Vài nét về Ngô Thị Bích Hiền
Sinh tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Hiện sống và làm việc tại TP.HCM.
Phó giám đốc Công ty BHD, thành lập từ năm 1996.
Đã xuất bản tập tản văn Gọi mùa Thu bay đi (cùng tác giả với Ngô Thị Bích Hạnh, em gái ruột).