Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng được đổi tên thành Lê Văn Duyệt

Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thuộc P.1 và P.3 của Q.Bình Thạnh đã được thay bằng Lê Văn Duyệt. Đoạn đường này dài 947m với điểm đầu là cầu Bông phía đường Trường Sa đến đường Phan Đăng Lưu. Việc đặt lại tên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt đã được đưa ra thảo luận trong nhiều hội thảo khoa học. Trước năm 1975, đoạn đường này đã từng mang tên Lê Văn Duyệt.
Lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu thành Lê Văn Duyệt diễn ra vào sáng 16.9 ngay sau lễ giỗ lần thứ 188 của Đức Tả quân tại khuôn viên di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (hay còn gọi lăng Ông - Bà Chiểu) và nghi thức cắt băng khánh thành đoạn đường mới diễn ra ngay vị trí góc đường Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng cũ, nay trở thành Phan Đăng Lưu – Lê Văn Duyệt. Ông Hoàng Song Hà - Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q. Bình Thạnh, cho biết: “Việc đổi tên đường Lê Văn Duyệt trên địa bàn Q,Bình Thạnh có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Qua buổi lễ công bố hôm nay, Q.Bình Thạnh sẽ có hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân thay đổi, bổ sung hồ sơ quyền sở hữu nhà và đất ở, giấy tờ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân... để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của mình".
Việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Cầu Bông đến Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt được Sở VH-TT TP.HCM lấy ý kiến và được sự thống nhất của Hội Khoa học lịch sử thành phố và Hội Di sản Văn hóa Thành phố. Ngày 8.7.2020, UBND TP.HCM có tờ trình trình HĐND TP và 11.7.2020, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 26 về việc bổ sung Quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu trên địa bàn Q.Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt.
Bạn đọc Trang đưa ý kiến: “Là người dân đất Bình Thạnh - Gia Định thành, tôi rất tự hào và cảm kích việc trả lại tên đường cho Ông trong kỵ giỗ của Ông năm nay thật có nhiều ý nghĩa. Cần tuyên truyền công đức của Ông cho thế hệ trẻ được học hỏi, ghi ơn”.

Gắn lại trái châu gần 100 tuổi ở lăng Ông - Bà Chiểu

Trước khi diễn ra lễ giỗ Đức Tả quân, Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (lăng Ông-Bà Chiểu) đã cho tiến hành gắn lại trái châu gần 100 tuổi bị mất trộm sau khi được Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bàn giao lại.
2_iybz.jpg

Gắn lại trái châu gần 100 tuổi được thu hồi ở di tích Lăng Ông-Bà Chiểu

ẢNH: BQL LĂNG ÔNG-BÀ CHIỂU CUNG CẤP

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt, cho biết: “Chiều ngày 2.9, sau khi Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt phát hiện bị mất cắp trái châu gần 100 tuổi, chúng tôi đã nhanh chóng báo cho cơ quan công an. Do vị trí nhà văn bia ở ngay trước mộ Đức Tả quân, là vị trí có camera giám sát do vậy, nên khi mới phát hiện trái châu bị mất, Ban quản lý Lăng Ông - Bà Chiểu đã trích xuất camera để tìm kiếm thông tin thủ phạm vào thời điểm trái châu bị đánh cắp. Trái châu này là sản phẩm gốm thuộc dòng gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa, có niên đại từ năm 1922, lắp trên nóc nhà văn bia giữa đôi rồng trong đồ án “lưỡng long tranh châu”, nằm ở vị trí trang trọng của lăng”.
Ngay sau đó, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bằng nghiệp vụ đã tiến hành truy tìm bắt được đối tượng. Vào ngày 8.9, Ban quản lý di tích được cơ quan công an báo là đã lấy lại được hiện vật. Tới ngày 11.9 thì cơ quan công an bàn giao lại trái châu gần 100 tuổi cho lăng để ngày 12.9 tiến hành gắn trở lại trên nhà văn bia - nơi được xây dựng theo tài liệu là có từ năm 1920.

Bình Định tưởng niệm 228 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung

Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Định cùng người dân địa phương vừa tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) nhân dịp 228 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792 - 2020). Cụ thể vào sáng 16.9, nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh này đã dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (thuộc Bảo tàng Quang Trung, ở H.Tây Sơn, Bình Định). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo sự tôn nghiêm, thành kính.
binhdinh_bfqw.jpg

Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Định dâng hương trước Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt

Ảnh: Hoàng Trọng

Cụ Nguyễn Thị Hường (89 tuổi, ở TT.Phù Phong, H.Tây Sơn) cho biết vào các ngày tết, ngày rằm, mùng một hằng tháng, ngày sinh hay ngày mất của Hoàng đế Quang Trung đều được người dân địa phương ghi nhớ, cùng nhau đến Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt dâng hương và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình bình yên…
“Phong tục từ xưa để lại, đến ngày mất của Hoàng đế Quang Trung, người dân chúng tôi đều mang bánh ít, trái cây, các sản vật do gia đình mình làm ra… đến Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để cúng ngài. Còn tại nhà thì đơm bánh, trái cây lên bàn thờ như cúng gia tiên. Chúng tôi tin rằng vùng đất Tây Sơn luôn được sự che chở, phù hộ của ngài”, cụ Hường nói.

Vì sao nhà của tỉ phú Đông Dương xưa treo biển 'nguy hiểm không đến gần'?

Vài ngày gần đây, du khách đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (số 97A Phó Đức Chính, Q.1) và người dân xung quanh rất bất ngờ khi thấy treo biển in dòng chữ to tướng: “Cảnh báo khu vực nguy hiểm, xin vui lòng không đến gần”. Đây là tòa nhà từng của tỉ phú Đông Dương, hiện đang là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, với ba mặt tiếp giáp đường Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thái Bình.
3_eqid.jpg

Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM liên tiếp xuất hiện nhiều vết nứt, cả trong các khối nhà chính, hàng rào, cũng như trên nền sân

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Qua tìm hiểu, được biết thời gian gần đây, ngôi nhà có lối kiến trúc đẹp, từng thể hiện cho quyền uy và sự giàu có tỉ phú Đông Dương ở Sài Gòn liên tiếp xuất hiện nhiều vết nứt, cả trong các khối nhà chính, hàng rào, cũng như trên nền sân. Một số phù điêu ở phía trước tòa nhà cũng bị nứt cùng với những vết rạn của tường ngày càng rộng, kéo dài từ nền lên trần nhà.
Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: “Do tuổi đời của tòa nhà đã quá cao, lại trải qua mưa nắng, bào mòn của thời gian, kết hợp khí hậu ẩm thấp nên tòa nhà trước đây đã bị xuống cấp, thì giờ tiếp tục bị tác động của việc thi công cao ốc ngay khu tứ giác Bến Thành (của chủ đầu tư SDMC), nên càng… hư hỏng nhiều hơn”.
Trong báo cáo gửi Sở VH-TT TP.HCM, Phòng Quản lý di sản, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lịch sử, văn hóa TP.HCM, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật nêu rõ hiện trạng thực tế đang xảy ra tình trạng lún nứt mặt sân khuôn viên, mặt sàn, tường của cả ba khối nhà. Theo đó, tòa nhà 1 bị ảnh hưởng nặng nhất, nhà bảo vệ ở cổng số 1 đường Lê Thị Hồng Gấm nứt lớn, trần nhà bị bong tróc rơi xuống. Nghiêm trọng hơn, từng xảy ra tình trạng phù điêu “cá hóa long” ở đầu mỗi ống thoát nước từ tầng mái xuống bị nứt, rơi xuống.
Ông Trần Thanh Bình cho biết: “Ngay sau xảy ra các hiện tượng nêu trên, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã có báo cáo với cấp trên, đồng thời chủ động phối hợp sửa chữa, khắc phục sự cố rớt phù điêu, gia cố lại nhà bảo vệ. Tuy nhiên khi công trình tiếp tục thi công các tầng cao của cao ốc đã khiến kết cầu tòa nhà ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn”.
Ngày 17.9, đoàn công tác của Sở Xây dựng TP.HCM đã đến khảo sát toàn bộ công trình và làm việc với lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để tìm giải pháp khắc phục, bảo vệ tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật, một công trình để đời của chú Hỏa - một tỉ phú Đông Dương cho Sài Gòn - TP.HCM.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời

Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông đã qua đời vào trưa nay, 19.9, sau thời gian chiến đấu với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi.
Trong nhóm Bộ tứ sông Hồng (gồm các nhạc sĩ: Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến và Nguyễn Cường), Phó Đức Phương là người nổi tiếng sớm nhất. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Chảy đi sông ơi, Con sông tuổi thơ, Dòng sông ký ức, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Không thể và có thể, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân… Âm nhạc của Phó Đức Phương dung dị mà hào sảng, gần gụi mà triết lý. Ông là một trong những nhạc sĩ lớn đã tạo nên dòng chảy âm nhạc dân gian đương đại tại Việt Nam, được nhiều thế hệ nhạc sĩ sau này tiếp nối.
6_kdxc.jpg

Nhạc sĩ Phó Đức Phương lúc sinh thời

ẢNH: T.L

Ông cũng là người sáng lập và giữ vị trí giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) từ năm 2002. Đến năm 2018, khi rời vị trí giám đốc VCPMC, ông tập trung cho sáng tác.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện mắc ung thư tụy đầu năm 2020. Vào tháng 7 vừa qua, đêm nhạc Khúc hát phiêu ly đã diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) như một món quà tiếp thêm sức mạnh để nhạc sĩ vượt qua cơn bạo bệnh, cũng như tôn vinh những giá trị âm nhạc của một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đương đại Việt Nam. 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022