Phượng khấu đã phát 5 tập, những gì cần “trưng trổ” cũng đã được “bày biện” và thể hiện; song xem nửa chặng đường của phần 1, bộ phim được hứa hẹn mở đường cho dòng phim cung đấu của VN này chưa thật sự “đã” như mong đợi.

Đẹp mà chưa đẹp

Trong lần ra mắt dự án Phượng khấu giữa năm 2019, ê kíp làm phim (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh; kịch bản: Nguyễn Thúy Hằng, Đỗ Ngọc Trí; với sự cố vấn lịch sử của GS sử học Lê Văn Lan) cho biết tính chất cung đấu được đề cao trong câu chuyện phim tập trung khai thác 7 năm cuộc đời của Nghi Thiên Chương hoàng hậu (hay được biết đến rộng rãi hơn với tôn hiệu Từ Dụ hoàng thái hậu) khi là phi tần của hoàng đế Thiệu Trị đến lúc bà đưa con trai mình là hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi hoàng đế; cũng như xoáy vào chốn hậu cung với cuộc tranh quyền đoạt vị của những người phụ nữ đã tham gia quản lý, tác động đến triều chính ra sao. Không chỉ vậy, theo ê kíp làm phim, Phượng khấu cũng sẽ tái hiện các lễ nghi, điển chế, trò chơi cung đình, ẩm thực cung đình... của triều đại nhà Nguyễn nhằm tạo nên một bức tranh lộng lẫy, sống động và đầy thăng trầm của triều đại Thiệu Trị.
Nhưng trên phim, những gì trông thấy chỉ dừng lại ở dấu ấn hình thức: trang phục (Ỷ Vân Hiên đảm nhận), mũ mão (nghệ nhân Vũ Kim Lộc), âm nhạc (6 ca khúc viết riêng cho nỗi niềm của các nhân vật). Với các diễn viên gạo cội: nghệ sĩ Hồng Đào (vai nguyên cơ Hiệu Nguyệt - Nghi Thiên Chương hoàng hậu), NSND Hồng Vân (trắc cơ Phương Nhậm), NSƯT Tuyết Thu (thị cơ Đoàn Viên), NSƯT Ngọc Hiệp (Tịnh Xuyên)..., tuy bề dày kinh nghiệm trong diễn xuất của họ là không thể bàn cãi, nhưng sự háo hức của khán giả khi xem một phim cung đấu (một phần còn để ngắm nhìn các cung tần mỹ nữ sắc nước hương trời đấu trí với nhau) đã vơi đi ít nhiều, cũng bởi... bề dày tên tuổi ấy. Chưa kể, dù là âm mưu từ cuộc độc thoại nội tâm hay đấu trí giữa các bà hoặc đã thành hành động như phóng hỏa, giết người (như cảnh hoàng cung bị hỏa hoạn dẫn đến cái chết của hoàng tử Hồng Thụ) phần lớn chỉ được diễn đạt qua thoại phim lẫn âm thanh nhằm tăng kịch tính (nhưng lắm khi hơi... lố). Thêm nữa, do phần lớn bối cảnh dựng lại trong vài gian phòng ở làng cổ Phước Lộc Thọ, gần như thiếu đại cảnh, khiến người xem có cảm giác khá tù túng, nghe “kể” phim hơn là xem phim.
12thanhloc_qcom.jpg

NSƯT Thành Lộc vào vai hoàng đế Thiệu Trị

Và điều mấu chốt tạo nên sự lôi cuốn của bất kỳ bộ phim nào, là kịch bản, là cách xây dựng nhân vật, thì Phượng khấu chưa thuyết phục người xem. 5 tập phim trôi qua khá rời rạc khi mỗi tập dường như “nhấn” vào một nhân vật để giới thiệu lẫn dự báo tính cách mỗi người, kèm theo đó là mưu đồ tranh đoạt nhưng lại chưa tới nơi tới chốn. Một hiền phi - đệ nhất sủng phi của Minh Mạng (NSƯT Minh Trang) tham vọng ngôi vị, dám xông vào nơi vua Thiệu Trị đang ngự triều để đòi tấn phong hoàng thái phi chỉ với bộ phượng bào “làm chứng” trong khi chẳng có di chiếu tiên đế. Một Hiệu Nguyệt đường đường là nguyên cơ (hiệu được phong cho vợ lớn của hoàng tử) và cũng là nhân vật chính của phim, bị lấn lướt bởi trắc cơ Phương Nhậm, “mờ mờ nhân ảnh” giữa các cuộc đối đầu lẫn... khẩu chiến. Còn trắc cơ Phương Nhậm - người luôn tìm cách lật đổ Hiệu Nguyệt nhưng mưu mô lại thiếu thâm sâu và cái ác cũng lộ ra quá sớm...

Sẽ khắc phục ở các phần sau

Trên một số trang mạng xã hội có đề cập tới Phượng khấu, cũng như kênh YouTube của phim, không ít khán giả “cảm thấy hụt hẫng” và bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn khi theo dõi.
Về điều này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Khán giả là người quyết định thành bại của phim, nhất là với loại phim trực tuyến. Ê kíp luôn lắng nghe và sửa chữa, càng làm càng cải thiện, vì phim đang được làm hậu kỳ cuốn chiếu”.

Chê để xây dựng chứ đừng chà đạp

3-anhchoboxhongvanvaiphuongnham_gnta.jpg

Hồng Vân vai trắc cơ Phương Nhậm

“Phượng khấu do ê kíp tư nhân tự bỏ tiền, tìm đầu tư để làm. Đó là một nhóm trẻ từ biên tập, đạo diễn... với tinh thần, tâm huyết muốn lan tỏa tình yêu lịch sử VN đến giới trẻ, để thu hút giới trẻ VN tìm hiểu lịch sử dân tộc, chứ không phải vì điều gì to tát. Và đây có thể xem là phim cung đấu đầu tiên của ta. Nếu xem và so sánh với cung đấu của Trung Quốc thì quá khập khiễng. Xem, cảm nhận, khen chê là quyền khán giả, nhưng nếu người chê (những ai hiểu được thực tế của dòng phim cổ trang) mang tính xây dựng để làm tốt hơn thì chúng tôi sẵn sàng đón nhận. Còn chê để chà đạp hay mang tính ganh đua cá nhân thì lại khác; mà chê chà đạp thì còn ai dám làm phim cổ trang, lịch sử nữa, rồi thế hệ tiếp theo lại tiếp tục xem cung đấu của nước khác...”.
NSND Hồng Vân
Về việc không khí bộ phim bị cho là “kịch”, tuy không biện hộ nhưng theo đạo diễn, “vì điều kiện khách quan lớn nhất là mình không có thời gian - quay những ngày cận tết và để xếp lịch, tập hợp các anh chị trong cùng ngày quay là không hề dễ dàng; cộng thêm phần hình ảnh không được phong phú, ví dụ cũng một phân đoạn 7 - 8 câu thoại nhưng nếu ở phim cung đấu nước ngoài họ sử dụng nhiều góc máy, cú máy, cỡ cảnh thay đổi liên tục xem rất xi nê, còn mình chủ yếu bám theo thoại, lỗi này hoàn toàn do đạo diễn”.
Anh cũng nói thêm, từ phần 2 phim đi vào giai đoạn các vị hoàng tử, công chúa lớn lên, tranh giành việc lập ai làm thái tử... nên sẽ toàn là gương mặt trẻ, sẽ hài hòa hơn. “Việc không được tươi mát trong khâu diễn viên ai cũng thấy, chính chúng tôi khi nhận vai cũng đắn đo về lứa tuổi. Nhưng hiểu được mong ước của ê kíp làm phim - làm điều gì đó để giới trẻ VN quan tâm, tìm hiểu lịch sử VN - nên chúng tôi đã cố gắng...”, NSND Hồng Vân bày tỏ.
22hongdao_jpeb.jpg

Nhân vật Hiệu Nguyệt (Hồng Đào) xây dựng chưa xứng tầm vai chính

“Hướng khắc phục đã được đặt ra một cách nghiêm túc từ lúc này để chuẩn bị cho tháng 8 tới tiến hành bấm máy phần 2, 3. Điều chúng tôi băn khoăn nhiều nhất hiện giờ là khâu kỹ xảo, khi cùng nhóm kỹ xảo quyết liệt giải quyết các vấn đề trên”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ. Theo anh, đến nay các anh chị diễn viên “cảm thấy thở phào” vì hiện tại lượng view tăng đều 20 - 30% so với tập trước; sau 5 tuần lượt truy cập của tập 1 hơn 2 triệu (con số kỳ tích đối với phim 45 phút); và đặc biệt, gần 73.000 người theo dõi trên fanpage Phượng khấu với nhiều ý kiến trái chiều, bàn luận sôi nổi, dấy lên phong trào tìm hiểu về lịch sử - nhất là thời nhà Nguyễn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022