Xuất hiện tại buổi ra mắt cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con của Phạm Hồng Tuyến còn có biết bao thế hệ đã hát những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Dẫu tóc đã bạc, giọng đã yếu, nhưng họ vẫn ngân nga những ca khúc thiếu nhi đã đồng hành suốt tuổi thơ của mình với những ký ức không bao giờ quên.
Hôm ra mắt sách, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đến chúc mừng con gái của mình trong vòng tay ấm áp, chân tình của thiếu nhi nhiều thế hệ đã hát những ca khúc của ông. Tác giả Phạm Hồng Tuyến tiết lộ, chị đã "đòi" bằng được bố Phạm Tuyên đến tham dự, hệt như 50 năm trước, lúc chị gây "áp lực" khiến bố phải sáng tác cho mình bài Trường cháu là trường mầm non.
Hát nuôi phần hồn
TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, người đã rưng rưng nước mắt khi nghe lại ca khúc Tiễn thầy giáo đi bộ đội. Chị xúc động chia sẻ: "Tôi nhớ có một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy rằng: "Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn". Nhưng khi về Bắc Ninh, tôi lại được nghe người dân ở đó nói như một câu tục ngữ rằng: "Cơm nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn". Chúng tôi, nhất là những đứa trẻ lớn lên sau chiến tranh và sống vào thời kỳ bao cấp là thời kỳ mà "cơm" không đủ để nuôi thân xác, nhưng mà "hát" thì đầy ắp để nuôi phần hồn".
Phạm Tuyên đệm đàn cho con gái Hồng Tuyến hát bài “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” trong đêm nhạc “Phạm Tuyên - Nhớ và quên” tháng 1/2017. Ảnh: NVCC
"Phần hát đó, với những bài hát viết cho thiếu nhi, đặc biệt của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nuôi tôi lớn. Và tôi không thể tưởng tượng được nếu thời kỳ đó cơm không đủ mà không có những bài hát đó thì chúng tôi sẽ lớn như thế nào?" - chị nói thêm.
Nguyễn Thụy Anh nhấn mạnh: "Tôi muốn gọi Phạm Tuyên không chỉ là nhạc sĩ mà còn là nhà thơ. Bởi vì tất cả những ca từ của ông quá tuyệt diệu. Nó đúng là những bài thơ như lời ông nói về "những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ". Và chính nhạc và thơ làm lên tuổi thơ vang lên trong mỗi đứa trẻ".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (cầm hoa) trong buổi ra mắt sách của con gái (bên phải ông)
Trong khi đó, nhà nghiên cứu - nhà giáo ưu tú Thế Khôi lại nhớ về những ca khúc thiếu sinh quân một thời của Phạm Tuyên. Ông đã hát vang khắp khán phòng của buổi ra mắt sách ca khúc Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa và cho biết: "Đó là những câu hát đã vang lên cách đây 73 năm. Tôi đã hát bài này lúc 12 tuổi vào năm 1950. Đó là nhạc của thầy Phạm Tuyên - Đại đội trưởng của tôi".
Vũ Thế Khôi kể: "Hồi ấy, tôi thuộc lứa bé nhất vào thiếu sinh quân, một mình khoác ba-lô, băng rừng mười cây số, gia nhập thiếu sinh quân và vào ngay đại đội do thầy Phạm Tuyên phụ trách. Và suốt cuộc đời của chúng tôi trong gian khổ ấy, đúng là tiếng hát nuôi chúng tôi. Tiếng hát giúp chúng tôi vượt qua mọi gian khổ".
Nhà báo Tạ Bích Loan (trái) và tác giả Phạm Hồng Tuyến tại buổi ra mắt sách
Cũng theo ông Khôi: "Nếu cứ theo những bài hát của thiếu sinh quân mà thầy Phạm Tuyên sáng tác có thể thấy được thiếu sinh quân đã sống thế nào, lao động ra làm sao, rèn luyện và học tập thế nào. Ví dụ, khi vác gạo, có ngay bài Em vào thiếu sinh quân: "Chợt tiếng nô đùa vọng đến/ Đoàn thiếu sinh đi vác gạo/ Dưới trời nóng nực/ Họ vẫn nô đùa hát cười...". Khi học trong rừng, thiếu sinh quân thời ấy không dám học ở các lớp trong nhà, phải ra rừng học, không máy bay Pháp "cù". Sau có bài Lớp học rừng: "Máy bay ta không cần/ Cứ bình tĩnh ta nghe bài…". Tất cả cuộc sống của chúng tôi đều được thể hiện trong các ca khúc của thầy Phạm Tuyên".
"Lúc đó, thầy Phạm Tuyên của chúng tôi mới có 20 tuổi, vừa mới tốt nghiệp Lục quân Trần Quốc Tuấn, được về phụ trách một đại đội thiếu sinh quân. Thầy bẩm sinh có năng khiếu âm nhạc, cho nên, dù chẳng qua một chữ nhạc nào, thầy đã sáng tác tất cả các bài hát của thiếu sinh quân" - nhà giáo Vũ Thế Khôi cho biết thêm.
Viết nhạc cho truyện tranh
Tương tự, nhà văn Lê Phương Liên cũng có nhiều kỷ niệm với Phạm Tuyên và những ca khúc thiếu nhi của ông.
"Tôi thuộc thế hệ đầu tiên học sinh ở Hà Nội hát bài Chiếc đèn ông sao. Sau đó, tôi còn có một may mắn được công tác ở NXB Kim Đồng và được hai lần làm biên tập cuốn Cánh én tuổi thơ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, lần đầu tiên vào năm 1998" - bà Liên kể - "Một trong những kỷ niệm rất tuyệt vời của chúng tôi với Phạm Tuyên chính là thời kỳ làm việc với đoàn Nhật Bản về tranh truyện Kamishibai. Thời điểm này, bài Ai cũng thích Kamishibai của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời. Đây chính là bài hát phục vụ khi chúng tôi (NXB Kim Đồng) đang có kết nối với các họa sĩ Nhật Bản. Khi ấy, các họa sĩ vẽ Kamishibai đã vô cùng thích bài hát này. Sau đó, bài hát Ai cũng thích Kamishibai còn được dịch ra tiếng Nhật và phổ biến ở các hội Kamishibai tại Nhật Bản".
Một số băng đĩa của Phạm Tuyên và chương trình truyền hình về ông
Trong khi đó, với tác giả Phạm Hồng Tuyến, phần thưởng vô giá với chị là những khúc ca được bố Phạm Tuyên tặng từ thuở chập chững tuổi mẫu giáo, qua năm tháng học trò, rồi lên tới đại học. Đặc biệt, sau này chính những bài hát của bố cũng đã định hướng nghề nghiệp cho chị, là hành trang không thể thiếu trong công việc gắn bó với trẻ em của chị ở thời điểm hiện tại. Để rồi khi viết cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con, chị đã xem đó chính là "hồi ức tuổi thơ, những mảnh ghép quý giá trong quá khứ đã theo suốt cuộc đời tôi".
Dẫu sức khỏe đã yếu, nhưng người bố ấy vẫn gắng sức chia sẻ cảm xúc của mình. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói: "Được thấy những đóng góp của tôi có ích cho đời sống và được các em nhỏ truyền đạt lại, đó là phần thưởng lớn nhất đối với một người như tôi".
Về tác giả Phạm Hồng Tuyến
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Voronezh (Liên bang Nga). Nhiều năm là biên tập viên, nhà sản xuất các chương trình dành cho thiếu nhi của Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện là giám đốc Công ty KidMedia Vietnam.