• Những danh cầm mắt tối, sáng tâm hồn
  • Tọa đàm về tác giả Vĩnh Điền và danh cầm Năm Vĩnh
  • 8-9-chot-1441291015425.jpg

    Những danh cầm mắt tối, sáng tâm hồn

  • 8-9-cai-luong.jpg

    Tọa đàm về tác giả Vĩnh Điền và danh cầm Năm Vĩnh

  • 8-9-chot-1441291015425.jpg

    Những danh cầm mắt tối, sáng tâm hồn

  • Tọa đàm về tác giả Vĩnh Điền và danh cầm Năm Vĩnh

Cả đời gắn với sàn diễn, sống với ban cổ nhạc ở các đoàn hát. Cuộc đời ăn quán ngủ đình, rày đây mai đó, lênh đênh phận bạc, đến khi về chiều, họ lâm vào bệnh tật, ốm đau, không còn đủ sức gắn với tiếng đàn, lời ca, gia cảnh khánh kiệt vì bệnh tật cứ đeo đẳng. Đó là nhạc sĩ đàn tranh Kim Son, Lâm Nghĩa và nhạc sĩ đàn guitar phím lõm Hoàng Hoa.

Còn đâu "Tiếng đàn tranh nức lòng quân tử"

Nhắc đến nữ danh cầm đàn tranh Kim Son, "Khôi nguyên vọng cổ" - NSƯT Minh Vương - nói: "Chị là ngón đàn tuyệt vời. Thời tôi đi hát ở đoàn Kim Chung, chị là người đã tập cho nhiều nghệ sĩ ca mỗi buổi trưa khi đoàn tan buổi tập tuồng. Tận tụy với nghề và luôn niềm nở trong cuộc sống, chị là người nhạc sĩ có tâm với sự nghiệp sân khấu cải lương".

13-chot-1-1511274063587.jpg

Danh cầm Hoàng Hoa trên giường bệnh

NSƯT Diệu Hiền kể: "Nghệ sĩ Kim Son được cậu Mười Út Trà Ôn đặt biệt danh "Tiếng đàn tranh nức lòng quân tử", nên vở tuồng nào ông dàn dựng cũng đều phải có tiếng đàn tranh của Kim Son khẩy lên ở hồi xung đột, trước khi ông vào vọng cổ kết thúc một chuyện tình hoặc một tấn bi kịch đau xót của nhân vật. Bà sống điềm đạm, chan hòa".

13-chot-2-1511274063588.jpg

Nhạc sĩ Ngân Tâm - con trai của danh cầm Kim Son - chăm sóc mẹ bên giường bệnh

Hơn 60 năm gắn bó với ngón đàn tranh, những năm sau này danh cầm Kim Son cộng tác với đoàn cải lương Hương Mùa Thu, Thanh Nga, Dạ Lý Hương… Khi gia cảnh lâm nghèo túng, bà còn đi dạy đàn tranh cho một số trẻ nhỏ thích học nhạc cụ này tại quận 4, quận Thủ Đức. Nhưng rồi khi sức khỏe không cho phép, các ngón tay không còn nhấn phím, bà rời xa tiếng đàn tranh trong nỗi nhớ thương da diết. Bà có người con trai theo nghề nhưng chơi đàn guitar, cũng rày đây mai đó với các đoàn hát, đến khi sàn diễn héo hắt, anh về tá túc bên mẹ, gia cảnh túng thiếu trăm bề, phải đi làm nhiều nghề để kiếm tiền nuôi mẹ. "Đến hôm nay, bệnh tai biến và tim của mẹ tôi đã kéo dài hơn 5 năm, bà bị liệt nằm bất động. Gia cảnh nghèo túng không đủ tiền viện phí để tiếp tục điều trị cho bà. Tuần qua, các bác sĩ đã cho bà xuất viện về nhà" - con trai nghệ sĩ Kim Son tâm sự.

Tiếng đàn phận người

Nếu nữ danh cầm Kim Son chất chứa trong tiếng đàn tranh nhiều nỗi niềm sầu bi bởi cuộc đời bà quá nhiều nước mắt thì với 2 danh cầm Lâm Nghĩa (đàn tranh) và Hoàng Hoa (đàn guitar) đã rót vào tiếng đàn nỗi đau về thân phận con người trước những nghịch cảnh trái ngang nhưng giàu nghị lực vươn lên, lạc quan trong cuộc sống.

"Nhạc sĩ Lâm Nghĩa sống hiền lành, nhân hậu. Ông thủy chung với ngón đàn tranh nên nhiều học trò theo học và thành danh. Trong số những nghệ sĩ là học trò của ông có Ngọc Huyền. Ông đàn cho nhiều đoàn hát lớn như: Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Sài Gòn 1, Minh Tơ, Văn Công TP… Những năm sau này khi còn khỏe, cứ đến chương trình "Đêm rằm ca hát" là anh lại mang cây đàn tranh đến đệm cho nghệ sĩ lão thành ca. Biết gia cảnh anh nghèo khó, thời đó, chúng tôi san sẻ chút gạo, chút quà của mạnh thường quân biếu, anh nhất quyết không nhận" - NSƯT Ngọc Hương xúc động kể.

Cũng mang bệnh tai biến như danh cầm Kim Son, danh cầm Lâm Nghĩa ra vào bệnh viện liên tục. Ông có người con trai làm nghề châm cứu trị liệu nhưng cũng vất vả mưu sinh. Vợ ông tuổi cao sức yếu, mất sức lao động nhiều năm nên gia cảnh hiện nay chỉ trông chờ vào số tiền lương ít ỏi của người con trai. Đã vậy, ông không có nhà, vẫn phải ở thuê trong căn phòng trọ nhỏ ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Tiền thuốc thang và tiền ăn mỗi ngày đã khiến gia cảnh ông thêm kiệt quệ.

Nhạc sĩ Hoàng Hoa bệnh suy thận, vừa trải qua ca phẫu thuật bàng quang. Cả đời sống với tiếng đàn guitar phím lõm độc đáo bằng những ngón nhấn tạo nên thanh âm huyền diệu. "Ông đàn bài vọng cổ nghe "thần sầu", bi thảm lắm. Tiếng đàn quyện vào lời ca, nâng tiếng hát của người nghệ sĩ thăng hoa" - NSND Ngọc Giàu nhận xét.

Những năm sau này khi rời các gánh hát, ông về xã Trung Lập, huyện Củ Chi, TP HCM gầy dựng phong trào đờn ca tài tử ở đây. Phong trào lớn mạnh với nhiều nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca trẻ tuổi, tài năng thì ông lâm trọng bệnh. "Hoàn cảnh khó khăn trăm bề, mỗi tuần ông được người cháu dìu lên xe buýt, đến bệnh viện kiểm tra vết mổ nhưng có khi không đủ tiền mua thuốc, cơn đau cứ hành hạ khiến ông thao thức cả đêm" - đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Trưởng Đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho hay... 

Không có bảo hiểm y tế

Do hoàn cảnh sống thiếu thốn, không định cư ổn định nên cả ba đều không có BHYT. Tiền viện phí không có để điều trị bệnh nên với họ, mỗi ngày trôi qua là nỗi lo mất đi mạng sống. MC Quốc Bình đã đứng ra tổ chức suất hát gây quỹ giúp đỡ 3 danh cầm này. Đạo diễn Phan Quốc Kiệt cũng chuẩn bị thực hiện suất hát giúp những bậc thầy của sân khấu cải lương đang trong cơn khốn khó. Thế nhưng, việc tổ chức biểu diễn và bán vé để gây quỹ, hiện nay không khác gì chuyện cầu may trước những chi chí tổ chức tốn kém, dù nghệ sĩ, ca sĩ có lòng giúp đỡ song khán giả không còn thói quen đến rạp nên số tiền quyên góp từ việc bán vé đang là thử thách lớn đối với những nghệ sĩ có tấm lòng cứu giúp đồng nghiệp trong cơn hoạn nạn bằng doanh thu các đêm diễn.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022