1972 - 2012. Gạch nối giữa 2 con số ấy là 40 năm sống của nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. Chỉ một buổi sáng thôi, giữa tháng 7/1972, 8 cuộn phim đen trắng bấm vội và bức ảnh Nụ cười thành cổ đã vĩnh viễn đưa ông trở thành một phần trong huyền thoại chung về chiến dịch lịch sử này. Bây giờ, ở tuổi 70, với ông, từ khoảnh khắc không quên ấy là một chuỗi ngày dài… thành một phần trong huyền thoại chung về chiến dịch lịch sử này. Bây giờ, ở tuổi 70, với ông, từ khoảnh khắc không quên ấy là một chuỗi ngày dài…

 

1328088054_Doan-Cong-Tinh-H1.jpg

1.Tôi xin về hưu ở tuổi 45, anh ạ. Lúc đó, tôi xuất ngũ được gần chục năm và đang làm việc tại phòng văn hóa của một quận phía Nam. Có thể, nếu ở lại, mọi chuyện cũng sẽ khác đi - khi đất nước dần tới mốc Đổi mới, còn tay trưởng phòng ấy vì tham nhũng nên nhận án kỷ luật. Nhưng thôi, hình như tất cả những người lính bước ra khỏi chiến tranh ở tuổi 30 như tôi đều mang một tâm trạng chung: trong sáng tới mức bồng bột, ngây thơ tới mức hồn nhiên, để rồi nhạy cảm và phẫn uất khi nhìn những gì vô lý, bất công trong 10 năm đầu tiên của cuộc sống thời bình?

Biết tôi nghỉ việc, một người bạn tròn mắt: mày định bảo vệ danh dự theo cách ấy thật à? Tôi lặng im. Giữa những gì đang diễn ra thời bao cấp, biết nói sao để cậu ấy hiểu rằng: chỉ với một ngày, trong Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tôi đã tự hứa sẽ đặt hết niềm tin vào những gì tốt đẹp nhất mà con người có thể mang tới…

Anh tin không, có những thứ nói ra chỉ mất vài giây, nhưng để hiểu được nó, đôi khi người ta phải sống trọn một đời. Một ngày hôm ấy, tôi đã may mắn làm được điều mà mỗi nhà báo đều mơ ước: có mặt tại điểm nóng nhất của thời đại, chứng kiến, cảm nhận và kể lại tất cả bằng nghề nghiệp của mình. Nhưng xa hơn thế, xa hơn cả những tấm huy chương, tôi hiểu được thế nào là niềm tin của những người lính trẻ. Trẻ lắm, đều đôi mươi, tươi như hoa và trong veo đến không ngờ.

2. Bắt đầu từ Xuân 1972 nhé. Một cái Tết bình thường như mọi cái Tết khác. Thông tin về Chiến dịch Xuân Hè 1972 được bảo mật tối đa. Tôi không hề biết chỉ vài tháng nữa, mình sẽ bước sang cái ngày đáng nhớ nhất trong đời cầm máy. Vợ tôi sắp có con gái đầu, cháu sinh ra đúng thời gian tôi vào Quảng Trị. Vui vậy mà tôi lại đang hoang mang…

Một năm trước đó, tôi may mắn là phóng viên đầu tiên có mặt tại Chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Những loạt phóng sự ảnh đăng tải trên báo Quân Đội Nhân Dân gây tiếng vang lớn. Có lẽ, cái tên Đoàn Công Tính ít nhiều được mọi người biết tới từ dịp này. Anh em rỉ tai: “Nghe nói mày sắp được Huân chương Chiến công”. Đang lâng lâng, tôi nhận được điện thoại từ Tổng cục Chính trị. Chuyện động trời: tôi có chụp một chiếc xe tăng Mỹ bị bắn cháy, nằm lật ngửa trước những đôi dép râu đang xung phong. Mang tới trưng bày ở cuộc hội đàm Paris, phía Việt Nam Cộng hòa phân tích hệ thống truyền lực và phát hiện ra: đó là xác một chiếc tăng lội nước được…. Liên Xô viện trợ cho quân dân miền Bắc.

Sai lầm nhỏ trở thành tai hại. Tôi dự kiểm điểm với nỗi lo âm ỉ về nguy cơ bị “cắt suất” quay lại chiến trường trong những năm sau. Rất may, cuối cùng thì mọi chuyện qua đi. Tháng ba, tôi vẫn nhận lệnh theo binh chủng thiết giáp ra mặt trận. Khi đó, chủ trương của ta là giải phóng Huế. Giá như, ống kính của tôi thu được cảnh các chiến sĩ giải phóng tràn ngập Phu Văn Lâu…

3. Trước lúc trở lại chiến trường, tôi chụp một bức ảnh kỷ niệm cùng vợ và bố mẹ. Rất thú vị, sau này một triển lãm ảnh tại Hàn Quốc nằng nặc xin sử dụng bức ảnh cá nhân ấy. Họ nói: phía Việt Nam Cộng hòa luôn tuyên truyền rằng “người Bắc” sống khắc nghiệt, máy móc, không biết đến tình cảm gia đình. Có ảnh này, người ta sẽ không tin những lời nhảm nhí ấy.

Tôi có mặt rất sớm ở Quảng Trị, ngay khi thị xã vừa giải phóng. Biết tin việc tấn công Huế khó xảy ra, tôi ngược về Hà Nội để giao loạt ảnh của mình. Trong số này có bức Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu. Phim được tráng kiểu dã chiến trong hầm tối. Không có đồ chuyên dụng, thuốc tráng được đổ tạm vào giày. Tôi vượt quãng đường về Hà Nội với kỷ lục hơn 2 ngày trời, đi nhờ từng chặng trên những chiếc xe quân sự. Tới Vinh, bí quá, tôi liều dùng khẩu AR15 khoác theo để chặn chuyến xe khách duy nhất trong ngày… 

Ảnh giao xong, tôi trở lại Quảng Trị. Lúc này, mấy nhà báo khác cũng kẹt lại ở bờ Bắc sông Thạch Hãn. Nằm chờ dưới lưới lửa hơn chục ngày, rồi tôi cũng thuyết phục được ban chỉ huy cho phép vượt sông vào thành cổ. Mãi sau, tôi mới biết: số phận ưu ái để tôi là nhà báo duy nhất có mặt tại “núi lửa” trong những ngày ấy. Một tay máy cừ khôi của phía bên kia là Nick Út (đoạt giải Pulitzer với bức ảnh chụp bé Kim Phúc) dù được trực thăng đưa tới nhưng cũng không thể tiến vào…

doan-cong-tinh-1.jpg

Nụ cười thành cổ, tác phẩm chụp ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Tất cả chỉ vỏn vẹn trong chưa đầy 24 giờ. Đêm, tôi cùng 2 cô giao liên bơi qua sông Thạch Hãn trong tiếng pháo rít. Trên trời, dưới đất mù mịt lửa và lấp loáng mảnh bom. Ngã sấp ngã ngửa, tôi tới được hầm chỉ huy. Một đêm ấy, tôi không ngủ, cố thu sâu vào óc tất cả những gì được chứng kiến. Góc tường ngổn ngang những thương binh. Chốc chốc, tiếng bom bị át đi vì tiếng thét của những ca đại phẫu không có thuốc tê.

6h sáng, chỉ huy cho một chiến sĩ thông tin dẫn tôi đi vào. Cậu ấy chính là Lê Xuân Chinh, nhân vật chính của bức ảnh Nụ cười thành cổ. Khi chụp, tôi bảo Chinh bỏ AK và cầm khẩu B40 rồi ngồi ngoài cùng. Cả buổi sáng, 8 cuộn phim được bấm hết ở nhiều góc thành, vào khoảng lặng giữa những loạt bom…

4. Anh hỏi tôi làm gì sau khi về hưu? Tôi đào ao nuôi cá rô phi rồi nuôi chim cút. Không thành công, tiền vốn hết cả, tôi lại vác máy đi chụp dạo ở Thảo Cầm Viên. Rồi lễ Tết thì vác máy đi kiếm cơm ở mấy nơi lễ hội, chùa chiền. Chẳng có ai biết người đang chèo kéo họ chụp hình là Đoàn Công Tính đâu (cười). Mà nếu biết, tôi cũng không xấu hổ. Nhớ về những người lính trẻ ở Quảng Trị, tôi tự hiểu mình nên sống thế nào.

Rồi theo thời gian, mọi thứ cũng tốt dần lên. Năm 1994, tôi có triển lãm ảnh đầu tiên cùng 3 tác giả khác với cái tên Bước ra từ lửa khói. Năm 2000, Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ mua của tôi 40 bức ảnh với tổng số tiền 1.000USD. Cứ vậy, tôi là một nhà nhiếp ảnh tự do, đến tận bây giờ.

Giữa câu chuyện với TT&VH, nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhiều lần rưng rưng. Ông kể: Đêm vượt sông Thạch Hãn năm ấy có rất đông tân binh của Đại đội 312. Mùa mưa, nước xiết, số chiến sĩ kiệt sức bị nước cuốn trôi khá nhiều. Một cậu lính trẻ bị tuột mất phao, kêu cứu ngay bên cạnh. Tôi lúng túng: nếu buông phao để quay sang, toàn bộ phim, máy và đồ nghề lập tức sẽ trôi băng đi. Một tích tắc ấy thôi là đủ để cậu ấy chìm sâu xuống dòng Thạch Hãn. Chẳng ai trách được, nhưng 40 năm nay, tôi vẫn day dứt: nếu ngược lại thời gian, mình có dám vứt bỏ công việc của một phóng viên để quay sang với hy vọng mong manh là giúp người lính ấy?

Dưới đây là một số bức ảnh nụ cười của những người lính trẻ trong chiến tranh của NSNA Đoàn Công Tính:

doan-cong-tinh-3.jpg

Nụ cười của các chiến sĩ trong "Khí phách người cửa sông" (cha con ông già ngư dân Quảng Trị không quản nguy hiểm ngày đêm đưa bộ đội vào thành cổ chiến đấu)

doan-cong-tinh-4.jpg

Niềm vui của những người lính trẻ trong bức ảnh "Qua sông Cam Lộ" (được chụp tại Quảng Trị, năm 1972)

doan-cong-tinh-5.jpg

Nụ cười của các o du kích trong bức ảnh "Tuổi trẻ Quảng Trị trong chiến đấu" (Ảnh chụp đội du kích xã Trung Giang - đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang. Họ đã biến vỏ thép của xe thiết giáp M113 của Mỹ thành ụ đề kháng ngay trên bãi cát ven biển quê hương)

doan-cong-tinh-6.jpg

Vất vả, mệt nhọc nhưng nụ cười luôn ở trên môi những người lính trẻ trong bức ảnh "Thanh niên xung phong với niềm tin thắng lợi"

doan-cong-tinh-7.jpg

Các nữ chiến sĩ thông tin cơ động trong bức ảnh "Vui đời binh nghiệp"

doan-cong-tinh-8.jpg

Nụ cười của các chiến sĩ trẻ khi "Chống càn thắng lợi" (Du kích Do Linh, Quảng Trị, năm 1970)

doan-cong-tinh-9.jpg

Niềm vui khi nhận được thư từ hậu phương trong bức ảnh "Niềm vui từ quê nhà"

doan-cong-tinh-10.jpg

Người lính trẻ và o du kích "Trên đường hành quân"

doan-cong-tinh-11.jpg

Nụ cười của "Những người chiến thắng" trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn. (Người ngồi ngoài cùng bên phải đã hy sinh sau khi bức ảnh được chụp ít ngày)

doan-cong-tinh-12.jpg

Dù nhiều gian khó, nhưng trên môi các chiến sĩ trẻ luôn phơi phới nụ cười tin vào chiến thắng ở ngày mai của trong bức ảnh "Tuổi trẻ ở Trường Sơn".       

Theo vapa

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022