“Ú òa” - câu quen thuộc trong trò chơi trốn tìm của trẻ nhỏ trở nên "viral" trong giới trẻ kể từ màn trình diễn ca khúc "Waiting For You" của ca sĩ Mono tại đêm chung kết Miss Grand Vietnam 2022. Với động tác che mặt, sau đó mở ra và nói "ú òa", biểu cảm của em trai Sơn Tùng được nhiều diễn đàn mạng chia sẻ lại còn các bạn trẻ bắt chước theo. Cụm từ "ú òa" từ đó cũng được sử dụng rộng rãi để chỉ hành vi gây bất ngờ, ngạc nhiên cho người khác.
"Hay ra dẻ quá à" là cách nói chệch đi của cụm từ "hay ra vẻ quá à", mang phương ngữ miền Nam. Đây là khẩu ngữ quen thuộc trong đời sống thường ngày, mang hàm ý các hành vi cư xử, thể hiện những thứ bản thân không có. "Sao hay ra dẻ quá" được Gen Z sử dụng với nghĩa "chê" ai đó "làm màu" nhưng với thái độ giễu cợt nhẹ nhàng, vui nhộn.
Tháng 9, cụm từ "Mai đẹt ti ni" được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội và trong hội thoại thông thường của giới trẻ sau khi xuất hiện trong bộ phim Thái Lan "Ngược Dòng Thời Gian Để Yêu Anh" (Love Destiny: The Movie). Với từ gốc là "my destiny" nhưng phát âm theo ngữ điệu của người Thái, đây trở thành cách những người còn độc thân bày tỏ mong muốn tìm thấy tình yêu, một nửa phù hợp với mình.
Cuối năm, "báo" dần thông dụng trong ngôn ngữ Gen Z. "Báo nhà" hay "báo quá trời báo" được dùng trong trường hợp ở mức độ nhẹ nói về những người không làm được gì có ích, còn nghĩa phê phán nặng hơn chỉ những gây ra hậu quả và khiến người khác phải gánh chịu, giải quyết hộ. Ví dụ, "báo nhà" thường chỉ những thanh niên quậy phá, ăn chơi, thậm chí gây sự cố, nợ nần và chỉ tìm về cha mẹ để xin giúp đỡ.
"Gét gô" thực chất là cách phát âm của cụm "Let's go" trong tiếng Anh. Đầu tháng 4, cụm từ này bắt đầu phổ biến trong Gen Z sau clip ghi lại một người đàn ông tuyên bố sẽ thực hiện thử thách 6 ngày 6 đêm dưới bãi sình. Trước khi bắt đầu, người này thường hô thêm khẩu hiệu "Gét gô". Từ đó, cụm từ này nhanh chóng biến thành câu cửa miệng của giới trẻ mỗi khi rủ đối phương cùng thực hiện điều gì đó hoặc để bày tỏ sự quyết tâm.
Giống với "gét gô", "Ét o ét" cũng là một biến tấu của giới trẻ Việt từ một từ tiếng Anh quen thuộc, ở đây là "SOS" - một tín hiệu quốc tế dùng để cứu trợ. Vẫn mang hàm ý "cứu với", "trợ giúp", "ét o ét" được Gen Z dùng trong những tình huống khó đỡ, hoặc thu hút sự chú ý của mọi người vào vấn đề. Lý do "ét o ét" phổ biến bởi cụm từ này dễ dùng, dễ nhớ và hài hước. Ngoài ra, cách phát âm và biểu cảm khi nói cũng dễ gây hài.
"Ô dề" hay "làm quá nó ô dề" xuất phát từ video ghi lại cảnh một phụ nữ trung niên ăn mặc lòe loẹt, trang điểm đậm nhưng vẫn khẳng định: "Làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá nó ô dề". Ban đầu, nhiều người nhầm lần từ này sang từ "Oh yeah" trong tiếng Anh. Tuy nhiên, "ô dề" được dùng với nghĩa chỉ những thứ bị làm quá lên, không giống ai.
"Tuyệt vời lắm chị", "Hay quá chị yêu" hay "Dùng tốt lắm shop" là những bình luận tự động thường được gợi ý cho người dùng trên các bức ảnh trên mạng xã hội. Dù nghe khách sáo và thậm chí còn không liên quan đến bài đăng, chúng vẫn được người dùng sử dụng rộng rãi mỗi lần muốn comment ảnh ai đó, với hàm ý đùa vui nhẹ nhàng xen lẫn khen ngợi.
Theo Zing