Sau khi đàm phán thành công, ấn vàng của vua Minh Mạng hiện vẫn ở Pháp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết cơ quan chức năng đang hoàn thiện thủ tục để đưa ấn về nước theo đúng quy định pháp luật của hai nước.

Trước đó, Bộ đã phối hợp Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan lên kế hoạch hồi hương ấn thông qua con đường ngoại giao văn hóa.

Đại diện Bộ Ngoại giao chiều 17/11 cho biết phái đoàn Việt Nam đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với cố vấn đối ngoại của tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, lãnh đạo UNESCO và các bộ phận chuyên ngành liên quan, đề nghị can thiệp, ngừng việc đấu giá.

Đoàn công tác liên ngành đã đến Pháp đàm phán trực tiếp với nhà đấu giá Millon, khoảng đầu tháng 11. Kết quả, hai bên thống nhất việc chuyển giao ấn "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp". Cụ thể quá trình đàm phán hiện vẫn chưa được tiết lộ.

an-vua-minh-mang1-7907-1668671018.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zB-xE1-z21kkRMLQm_ulxw

Ấn Hoàng đế chi bảo. Ảnh: Millon

Đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết chưa từng có tiền lệ hồi hương cổ vật theo con đường ngoại giao văn hóa. Trước đó, Cục ghi nhận năm lần cổ vật có nguồn gốc Việt Nam hồi hương, theo ba hình thức.

Thứ nhất, cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua cổ vật và hiến tặng về nước, trong trường hợp chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978.

Thứ hai, cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước như: Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh đưa về Huế năm 2015, mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình hồi tháng 4.

Thứ ba, chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép: 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi tháng 8. Theo Cục, sau khi Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 1970 về chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa vào năm 2005, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam.

"Còn các sưu tập tư nhân được mua về và không qua kênh nhập khẩu cổ vật, hoặc không áp mã hồ sơ cổ vật thì chúng tôi không nắm được thông tin", đại diện Cục Di sản Văn hóa nói.

4-1668654172-2918-1668655002-7686-1668671018.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9n_36EOAa1UOa2TM8M6R2A

Các cổ vật do phía Mỹ trao trả Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng chính sách hồi hương cổ vật. Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - cho biết hiện chưa có điều luật, văn bản quy định và hướng dẫn về việc đưa cổ vật Việt về nước. Vì vậy, hình thức hồi hương phổ biến là các doanh nghiệp đấu giá ở nước ngoài rồi đưa về tặng lại cho bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng chưa từng tham gia một phiên đấu giá cổ vật quốc tế vì không đủ điều kiện.

"Cần có quy định pháp luật, thể chế hóa việc hồi hương cổ vật. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa, chính sách để bảo tàng mua lại hiện vật đưa về nước hoặc văn bản hướng dẫn tổ chức, cá nhân đấu giá cổ vật ở nước ngoài và đưa về Việt Nam...", bà nói.

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cho rằng tài chính là một trong những khó khăn lớn. Chi phí đấu giá hoặc mua trực tiếp, thuế, vận chuyển, bảo quản... rất lớn, không thể dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Ông dẫn chứng việc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thất bại khi đấu giá bức tranh Déclin du jour (Chiều tà) của vua Hàm Nghi, hồi năm 2010. Tranh được đưa ra bán tại Millon ở Pháp với mức giá khởi điểm 800-1.200 euro (20,5-30,8 triệu đồng), sau đó thuộc về một người giấu tên với mức 8.800 euro (226 triệu đồng).

Theo ông Anh Sơn, ngoài ngân sách nhà nước, cần có thêm hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những người có nguồn lực và tâm huyết với văn hóa nước nhà, khối tư nhân và các tổ chức xã hội. Trước đó, ngoài quyền thương lượng mua trực tiếp ấn vàng, Cục Di sản Văn hóa cũng đề xuất phương án các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, đấu giá, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng.

Ông Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, cho rằng nên ưu tiên hỗ trợ thuế, có chính sách ưu đãi phù hợp quy định pháp luật cho tổ chức, cá nhân đấu giá cổ vật nước ngoài về trao tặng lại đất nước.

hai-co-vat-trieu-nguyen-ve-den-hue-1649776432.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GGydsByJbjYuFohSLsK4ow
Mũ quan triều Nguyễn được chuyên gia thẩm định

Các chuyên gia xem xét mũ quan triều Nguyễn. Video: Chíp Trần

Theo các chuyên gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên thành lập các tổ công tác gồm những nhà sử học, nghiên cứu cổ vật, chuyên gia bảo tàng... nhằm xây dựng kế hoạch và có hướng sưu tầm, hồi hương theo từng giai đoạn.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định không phải cổ vật nào cũng cần hồi hương. Với những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao, đại diện cho từng thời kỳ, cần tìm mọi cách đưa về Việt Nam. Còn lại, có thể để người nước ngoài sưu tầm hoặc trưng bày tại các bảo tàng vì đó cũng là cách quảng bá văn hóa Việt. "Đặc biệt, khi đã đưa về nước, chúng ta nên trưng bày để nhân dân được chiêm ngưỡng thay vì cất giữ, bảo quản trong kho", ông nói.

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022