- Sân khấu tử tế: Không thể xây nhà từ nóc
- Sân khấu tử tế khi hướng đến khán giả tử tế
- Làm sân khấu "tử tế": Cần “bàn tay” nâng đỡ
- Làm sân khấu “tử tế” như đi trên dây
-
Sân khấu tử tế: Không thể xây nhà từ nóc
-
Sân khấu tử tế khi hướng đến khán giả tử tế
-
Sân khấu tử tế: Không thể xây nhà từ nóc
-
Sân khấu tử tế khi hướng đến khán giả tử tế
-
Làm sân khấu "tử tế": Cần “bàn tay” nâng đỡ
-
Làm sân khấu “tử tế” như đi trên dây
Muốn xây dựng một nền sân khấu lành mạnh, tử tế, có đủ nội lực để tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt với các loại hình, phương tiện giải trí khác ở thế giới hiện đại, cần bắt tay làm lại rất nhiều vấn đề và sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt, phải dám thay đổi tư duy, thẳng thắn nhìn lại những bất cập về chính sách đầu tư, phát triển sân khấu. Đây chính là cái gốc của mọi vấn đề, nền móng của sự tồn vong cả một nền sân khấu.
Không phải nuôi cơm, ban phát bổng lộc
Thành quả sân khấu - cùng với các loại hình văn học, nghệ thuật khác - không chỉ mang giá trị phúc lợi xã hội về tinh thần cho hàng triệu người thưởng ngoạn mà tầm cộng hưởng của văn học, nghệ thuật còn tác động rất lớn đến tư duy quản trị xã hội, thể chế chính trị, văn hóa, giáo dục, đối ngoại… Chính vì vậy, đầu tư, tài trợ cho sự tồn tại và phát triển nghệ thuật không phải là để nuôi cơm những người hoạt động sân khấu mà thông qua họ, hay nói đúng hơn là nhờ vào bàn tay tài hoa của họ, nhằm tạo nên bộ mặt văn hóa cho toàn xã hội.
Cần phải quan niệm rằng đầu tư cho nghệ thuật không phải là sự "ban phát bổng lộc" mà đó là phương tiện để thu về cái "lãi" vô cùng to lớn, mang ý nghĩa xã hội lâu dài không thể nào đo đếm được. Cả việc bao cấp và chủ trương xã hội hóa sân khấu giật cục, vội vã đều duy ý chí về phương diện quản lý, như hai thái cực đi ngược chiều nhau và đều bộc lộ những sai lầm mang tính chiến lược.
Để duy trì sàn diễn, có được những vở tử tế, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh đã phải gồng mình vượt qua bao khó khăn. Trong ảnh: Cảnh trong vở "Rau răm ở lại". (Ảnh do Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh cung cấp)
Người ta đã nói nhiều về sự bao cấp sân khấu. Đó là kiểu bao cấp cào bằng, không khuyến khích sáng tạo, không tạo ra những tác phẩm nổi bật. Chính sự bao cấp cả về tư duy quản lý lẫn ngân sách đã biến nhiều nghệ sĩ trở thành những công chức nghệ thuật. Họ chỉ làm những tác phẩm theo ý hướng nghệ thuật chủ quan của mình để vừa lòng những cơ quan phân bổ ngân sách cho họ hơn là hướng đến thị hiếu người xem. Nhiều nhà hát chỉ cần sáng đèn, mong có được vài dòng thông tin ưu ái nhờ những tấm vé mời và chua xót thay, khách mời VIP lại thường bỏ vé hoặc cho người nhà đi xem.
Tôi từng dở khóc dở cười khi mời bạn bè đi xem kịch và họ rất vô tư nói rằng: Sân khấu các anh còn thua nhiều thông tin trên báo chí, có gì để xem!
Không thể đem những chuẩn mực nghệ thuật, hiện tượng đông khán giả một thời, dù có những giá trị không thể phủ nhận khi sân khấu còn ở vị thế độc tôn, để ép thị hiếu, thẩm mỹ người xem trở về quá khứ.
Sự sáng tạo không ngừng nghỉ của nghệ thuật, nếu có, phải là sự cạnh tranh lành mạnh hướng đến nhu cầu thẩm mỹ của người xem và tâm thế thời cuộc. Tiếc rằng, sân khấu bao cấp tràn lan, cào bằng khát vọng và phong cách nghệ thuật, sân khấu của những tấm vé mời đã đi vào dĩ vãng.
Xã hội hóa sân khấu nên được hiểu thế nào?
Tuy nhiên, một tín hiệu rất đáng mừng là các đơn vị vốn được bao cấp như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội… hằng năm tự tổ chức được cả trăm suất diễn. Đó là kết quả khả quan khi họ biết tự thân vận động, đem sản phẩm đến từng người xem theo tiêu chí xã hội hóa sân khấu.
Các sân khấu xã hội hóa ở TP HCM từng lóe sáng khoảng một thập niên khi nó dường như là phương tiện giải trí duy nhất, đáng xem nhất với người đương thời. Dần dà, sự cũ kỹ, lạc hậu của các trang thiết bị sân khấu, khán phòng nhà hát; sự nhàm chán của nội dung do ăn theo các bộ phim truyền hình thương mại của Đài Loan, Hồng Kông…; cộng với việc đua nhau khai thác những đề tài âm dương, ma quỷ, đồng tính, hài nhảm nên sân khấu không còn sức hấp dẫn. Đặc biệt, với lớp khán giả trí thức và công chúng vốn trung thành, họ nhiều năm đến với khán phòng nhà hát như một nhu cầu thưởng thức cái đẹp nghệ thuật. Sự lụi tàn và cái chết được báo trước của các sân khấu thương mại rẻ tiền đang là một thực tế không thể biện minh, đổ thừa cho hoàn cảnh.
Tôi từng nhiều lần lên tiếng rằng xã hội hóa không phải là tìm cách đẩy các đoàn sân khấu ra đường tự bươn chải kiếm sống. Không thể coi các đơn vị sân khấu xã hội hóa như một doanh nghiệp làm ăn kinh tế đơn thuần. Nghĩa là họ phải tự bỏ tiền thuê mướn mặt bằng biểu diễn, tự bỏ tiền dựng vở, chịu đầy đủ các khoản thuế phí và cả nguy cơ trắng tay trước sự xâm thực của hài nhảm, game show nhảm… để đem lại giá trị văn hóa, tinh thần đích thực cho toàn xã hội.
Nếu toàn xã hội không chung tay vì một nền văn hóa, nghệ thuật tử tế thì sự duy ý chí của cụm từ "xã hội hóa" có khi còn đẩy sân khấu đến lụi tàn nhanh hơn những bất cập suốt một thời bao cấp.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-5
Phải thật tâm chăm lo thỏa đáng cho nghệ thuật
Hơn lúc nào hết, vai trò định hướng phát triển, đầu tư, tài trợ nghệ thuật của nhà nước là vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa sống còn cho các hoạt động nghệ thuật và giá trị đích thực của nó. Đầu tư, tài trợ nghệ thuật không đồng nghĩa với sự bao cấp tràn lan trở lại như đã nói ở trên.
Tại sao chúng ta rất mạnh và có được nhiều thành quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội và một phần ngân sách nhà nước cho các hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo… mà không thật tâm chăm lo một cách thỏa đáng cho văn hóa, nghệ thuật? Gần như không có nước phát triển nào trên thế giới, kể cả những nước theo thể chế tư nhân tư bản, mà nhà nước từ bỏ vai trò tài trợ nghệ thuật - được coi như bộ mặt văn hóa của một quốc gia. Vấn đề là tài trợ và huy động nhiều nguồn lực xã hội tài trợ cho sân khấu như thế nào để phát huy giá trị sáng tạo nghệ thuật chứ không phải để lãng phí, nuôi những đơn vị hoạt động kém hiệu quả.