PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng- cộng tác viên thân thiết của Thể thao và Văn hóa- vừa đoạt Giải B của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2023 với cuốn sách Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên.
Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên là cuốn sách tiểu luận - phê bình của nhà văn Lê Thị Bích Hồng do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2023. Tác giả đã dẫn dụ bạn đọc sự bởi độc đáo, mới lạ từ trang bìa cùng 18 bài viết công phu, tâm tuệ của một nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa.
Cây bút đa năng, mê đắm văn hóa các dân tộc thiểu số
Tố chất sự nghiệp của nhà văn Lê Thị Bích Hồng được "cộng hưởng" bởi những yếu tố địa - văn hóa. Chị là sự hợp huyết giữa cố đô Huế - quê cha và Kinh Bắc - quê mẹ, Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới - nơi sinh ra và lớn lên.
PGS-TS nhà văn Lê Thị Bích Hồng (thứ 5 phải sang) đoạt Giải B với “Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên”
Vốn có năng khiếu văn, từng có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn toàn quốc, khởi nghiệp từ ngành giáo dục, trưởng thành trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, từng đảm nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), giảng viên Cao cấp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhà văn, PGS-TS Lê Thị Bích Hồng đã hội tụ nhiều tố chất để từng bước khẳng định mình bằng tư duy khoa học, sự trải nghiệm, tâm huyết, đam mê, trách nhiệm.
Chị là một cây bút đa năng, giàu năng lượng sáng tạo, tâm huyết với văn chương. Với thế mạnh văn xuôi, Bích Hồng là nhà văn vững vàng "đi hai chân" cả sáng tác và nghiên cứu. Với nội lực tiềm tàng, chan chứa cảm xúc, sáng tác của Bích Hồng đi sâu vào số phận con người, hình tượng người lính, người phụ nữ thời hậu chiến bình dị, kiên cường, thủy chung, tình nghĩa... Văn xuôi của chị được ghi nhận ởlối viết trẻ trung, lời văn mềm mại, giàu chất thơ.
Khoảng 10 năm gần đây, chị tự nguyện bổ sung vào đội ngũ nghiên cứu lý luận phê bình văn học các dân tộc thiểu số như lời tự bạch của chị: "được dẫn dụ, mê đắm bởi vùng văn hóa độc đáo, giàu bản sắc này"; và rằng: "VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đã để thương để nhớ, thực sự cuốn hút sự đam mê nghiên cứu của tôi".
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng (thứ hai, phải sang) tại Hội thảo “'80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”
Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên là cuốn sách thứ 15 sau 4 cuốn sách sáng tác (Vệ đê trong đêm trăng, Nơi ấy là... Trường Sa, Đợi nhau ở Khau Vai, Chuyện tình trên cao nguyên); 10 cuốn sách nghiên cứu phê bình, trong đó có 7 công trình nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số.
Không phải đến Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên mà trước đó, Bích Hồng luôn tạo ra đã độ "phiêu" tung tẩy đặt tựa sách (dù là tiểu luận - phê bình) khi thì mượn ý, mượn câu thơ, mượn tranh của văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số, như: Những người tự đục đá kê cao quê hương, Hoa chuối đỏ miền rừng Phja Bjoóc, Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc, Bản tình ca lều nương, Về miền phong hương đỏ.
"Điều dễ nhận thấy ở nhà văn Lê Thị Bích Hồng vừa có tư chất của người nghiên cứu phê bình với những thao tác, tư duy khoa học rành rẽ và lại vừa có độ "phiêu" của người sáng tác…" - nhà thơ Y Phương.
Vừa khoa học rành rẽ lại vừa có độ "phiêu"
Cuốn sách có 2 phần. Phần I gồm 3 bài có tính chất cơ sở lý luận: Văn hóa nghệ thuật (VHNT) dân tộc thiểu số Việt Nam khi "Ngọn đuốc soi đường";VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam sau 15 năm nhìn lại và Bản sắc văn hóa Tày nhìn từ sáng tác văn học song ngữ.
Ở phần này, chị đã bám sát ánh sáng soi đường của Đề cương về văn hóa Việt Nam, vừa được tổng kết sau 80 năm (1943 - 2023). Nắm chắc đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng, nhận xét của chị thể hiện sâu sắc vấn đề "Là một lĩnh vực tinh tế của văn hóa, VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền VHNT nước nhà; gắn bó với từng mốc son lịch sử dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay. Từ "Ngọn đuốc soi đường", văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số Việt Nam không ngừng sáng tạo cống hiến cho nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; góp phần quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"...
Cuốn tiểu luận “Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên”
Đáng chú ý là bài Bản sắc văn hóa Tày nhìn từ sáng tác văn học song ngữ. Bài viết này đã thể hiện năng lực nghiên cứu, việc nắm chắc những sáng tác thơ song ngữ của các nhà thơ dân tộc thiểu số. Chất liệu quan trọng cấu thành nền văn hóa dân tộc chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của mỗi dân tộc là một bộ phận quan trọng làm nên giá trị văn hoá của dân tộc đó.
Những nhận xét của tác giả rất chắc chắn, khoa học, có sơ sở từ sự nghiên cứu, trải nghiệm. "Trong quá trình phát triển, dân tộc Tày luôn cởi mở trong việc giao lưu và tiếp biến văn hóa với các dân tộc anh em, đặc biệt là dân tộc Kinh. Dân tộc Tày luôn ý thức được việc giữ gìn để làm nên một bản sắc văn hóa Tày riêng, khó lẫn trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam. Hoà trong dòng chảy của nền văn hoá, ngôn ngữ dân tộc Tày cũng tiếp nhận sự ảnh hưởng sâu sắc của ngôn ngữ dân tộc Kinh và các dân tộc anh em. Các nhà văn dân tộc Tày ý thức rất sâu sắc việc dùng ngôn ngữ Tày trong sáng tác văn học".
Bài viết khá công phu còn đưa ra những đề xuất với Nhà nước, chính quyền địa phương: "ban hành chính sách nâng cao dân trí để đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình... đẩy mạnh việc dùng tiếng dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng".
Một số tác phẩm của Lê Thị Bích Hồng
Phần II gồm 14 bài viết tâm huyết, công tâm, khách quan về các tác giả, tác phẩm. Nội dung phần này đều khoanh vùng văn học, tập trung làm sáng rõ các tác giả là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đó là các giả là người dân tộc Kinh viết/ thể hiện về vùng văn hóa các dân tộc thiểu số (Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Văn Thương, Dương Liễu, Nguyễn Thế Kỷ, Phương Thảo, Cao Trần Nguyên); văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số (Nông Viết Toại, Y Phương, Bế Thành Long, Bùi Thị Như Lan, Hà Lệ Diễm, Nông Thị Ngọc Hòa)...
Như đã hình thành một phong cách, Bích Hồng luôn đặt tác phẩm nghiên cứu trong sự đối sánh với vùng văn hóa mà con người chịu ảnh hưởng.
Với bài Người cao hơn núi..., chị đã phân tích cảm xúc thăng hoa giúp cho người con xứ Nghệ - nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - sáng tác ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó - một trong những ca khúc hay nhất về Bác Hồ. Ca khúc trở thành nhạc phẩm tiêu biểu của âm nhạc cách mạng Việt Nam do NSND Quốc Hương thu âm lần đầu và được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 69 của Bác. Ca khúc có giai điệu ngọt ngào, uyển chuyển, thấm đẫm chất liệu hát then - đàn tính, điệu sli, lượn của người Tày - Nùng, hào sảng, giàu âm hưởng sử thi: Trông vời lưng núi/ Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/ Chiều nay tiếng ai đang lượn về trên đèo/ Kể rằng Người về đây, nhà in lưng đá...
Với Nguyễn Văn Thương và nhạc phim Vợ chồng A Phủ, tác giả đã khéo léo phân tích sự"cộng hưởng" giữa phần âm nhạc ấn tượng với tác phẩm văn học đặc sắc làm nên tác phẩm điện ảnh kinh điển. Am hiểu lĩnh vực điện ảnh, nhà văn Bích Hồng cho rằng: "Nền điện ảnh Việt Nam ghi dấu ấn những ca khúc hay, sống mãi với thời gian do nhạc sĩ khi làm nhạc cho phim truyện điện ảnh".
Tài năng của tác giả Đêm đông đã được chị lý giải từ yếu tố địa văn hóa: "Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc tại Thừa Thiên - Huế, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thừa hưởng từ cha cha mẹ tình yêu âm nhạc. Từ nhỏ, ông đã được nuôi dưỡng trong môi trường âm nhạc; chơi đàn nguyệt từ năm 9 tuổi, lớn lên cùng các làn điệu ca Huế và được tiếp xúc với nhạc cụ phương Tây từ khi vào học Quốc học Huế".
Chuyện tình Khau Vai: từ sân khấu đên tiểu thuyết là bài nghiên cứu về PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ ở tư cách nhà văn viết kịch bản (kịch nói - kịch thơ) và tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tay Chuyện tình Khau Vai ra đời sau 6 năm trình làng kịch bản sân khấu cùng tên. Tiểu thuyết bắt nguồn từ huyền thoại tình yêu và lễ hội Chợ tình Khau Vai - lễ hội tình yêu dành cho những mối tình dang dở, cả đời tìm kiếm mòn mỏi. Kết thúc tiểu thuyết Chuyện tình Khau Vai là cảm xúc của hậu thế với câu chuyện nhân văn về tình yêu của chàng Ba, nàng Út tựa "Romeo -Juliet Việt Nam" và cảm nhận được "một Khau Vai trong số phận chúng mình".
Ở mỗi nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu số, PGS-TS Lê Thị Bích Hồng luôn tìm ra một đặc điểm nổi bật. Đó là Bế Thành Long với "vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, tạo vật trẻ trung, hồn nhiên, trong trẻo. Có lẽ, bằng cảm nhận của một nhà thơ không tuổi, đôn hậu nhìn cuộc đời bằng "cặp mắt xanh" trìu mến, thiết tha khiến chúng ta không hề thấy dấu ấn tuổi tác".
Đó là NSND Dương Liễu "Thanh âm mãi ngân vọng với những ca khúc nổi tiếng Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Nhìn trăng nhớ bạn, Pác Bó - Làng Sen, Suối Lê Nin nhớ Bác, Non xa xa nước xa xa, Đường về bản em, Pù pài nhằng tỉnh cằm có, Mời anh lên Cao Bằng quê em, Tính Then nơi đầu nguồn...".
Đó là Bùi Thị Như Lan "có sở trường văn xuôi, tự khoanh vùng đề tài miền núi, phản ánh cuộc sống của đồng bào các dân tộc". Đó là Nông Thị Ngọc Hòa với "Sáng tác mở rộng nhiều thể tài miền núi, gia đình, thế sự, số phận con người sau chiến tranh, niềm vui, nỗi buồn, được - mất... Những bài thơ nhỏ xinh, dung dị của chị thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa miền núi". Đó là Phương Thảo - "thơ là thế mạnh với nhiều thể thơ: thơ 4 chữ, 5 chữ, lục bát, thơ Haiku, thơ văn xuôi, thơ 1-2-3, thơ tự do mang tâm sự riêng đằm thắm, nữ tính đầy màu sắc hội họa". Đó là Cao Trần Nguyên, "nhà thơ có duyên với thể thơ lục bát"...
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng
Đọc tiểu luận Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên, tôi bỗng nhớ nhận xét của nhà thơ Y Phương: "Điều dễ nhận thấy ở nhà văn Lê Thị Bích Hồng vừa có tư chất của người nghiên cứu phê bình với những thao tác, tư duy khoa học rành rẽ và lại vừa có độ "phiêu" của người sáng tác, khá có duyên với những trang văn ăm ắp chất thơ của một trái tim đa cảm, nhân hậu, sâu đậm chất nhân văn, cứ khiến người đọc ám ảnh, dư âm, hoang hoải…".
Cuốn tiểu luận Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên dày 245 trang, khổ 20,5cm x 14,5cm, chia làm hai phần: Phần I "Ngọn đuốc soi đường"; Phần II "Tác giả và tác phẩm".
Cuốn hút ngay từ bìa sách
Sức cuốn hút độc đáo, lạ lẫm, ấn tượng ngay từ tựa sách. Chị cho biết, bìa cuốn sách được mượn từ tranh của họa sĩ Trần Thái. Bức tranh người vợ che ô cho chồng đang nằm vắt vẻo trên ngựa, đằng sau ngựa là cậu bé con cầm ô nổi bật trong nền màu chàm.
Chị nói: "Tôi thích bức tranh này vì họa sĩ đã bám chắc vào văn hóa của đồng bào để chọn cách thể hiện chân thực, ấn tượng. Hình ảnh người vợ đã tôn bức tranh sáng đẹp, huyền diệu và đồng thời tôn vẻ đẹp nội tâm hồn hậu, ấm áp, yêu thương của người phụ nữ vùng cao. Tôi đã gặp hình ảnh quen thuộc, độc đáo này tại Khau Vai trong sắc màu của họa sĩ và chợt nhớ tới câu thơ Đàn bà Mông theo chồng về bản/ Chồng ngồi lưng ngựa, vợ cầm đuôi lên dốc (Lê Vân); Nhớ những chợ phiên/ Ta tìm nhau qua mấy chặng đường lá úa (Mã Thế Vinh)...