Cuốn Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam (NXB Mỹ thuật 2021) của họa sĩ Đỗ Đức vừa được trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2023.
Sách đẹp như một sưu tập thời trang, một vựng tập hội họa. Bên cạnh hình ảnh đẹp, sách còn kênh chữ thú vị với những bài khảo cứu dân tộc học giàu tính phản biện và những sáng tác văn chương nhiều khơi gợi.
11 tranh giấy dó khổ 60x80 vẽ trang phục các dân tộc thiểu số với 55 mẫu áo quần thể hiện bằng mầu nước, từng theo tác giả sang Pháp và "trình diễn" trong một triển lãm giữa Paris sành điệu thời trang. Họa sĩ Đỗ Đức nhớ lại: "Mới chỉ có 55 bộ sắc phục được bày mà đã làm người xem sửng sốt về sự phong phú trong thiết kế của một số dân tộc miền núi. Một cư dân Pháp gốc Mông vào xem, nói với tôi: "Ông vẽ về người Mông chúng tôi đẹp lắm. Chúng tôi thành thực biết ơn ông!".
Gửi gắm hồn người
Mới chỉ hoàn thành có 55 bộ, bằng phân nửa số sắc phục của đồng bào trên cả nước (theo ước tính của tác giả) mà người xem đã hoa mắt, còn các nhà thiết kế thời trang vào xem đều giật mình vì tính phong phú đa dạng của các kiểu thức đều đi ra từ dân gian...
Họa sĩ Đỗ Đức (thứ 2 từ trái sang) nhận giải Sách quốc gia. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Chưa tự bằng lòng, ngày 6/6/2020, một năm trước khi in sách, trong triển lãm cá nhân bày tại tư gia, hoạ sĩ Đỗ Đức cho biết: "Từ tranh giấy, tôi chuyển sang chất liệu sơn mài để bảo đảm độ bền vững hơn, giữ lại hình ảnh của những bộ váy, áo, quần của các dân tộc miền núi mà sóm muộn sẽ mất hoặc sẽ biến dạng".
Vẽ thời trang, họa sĩ giữ nguyên tắc: "Khi vẽ không đơn thuần chỉ mô tả đúng trang phục, mà còn tìm hiểu kỹ về truyền thống, chất liệu, môi trường sống, tập tục văn hóa để các bức vẽ có thể đi sâu vào bản thể, cố gắng nêu bật được đặc trưng của dân tộc đó".
Chất liệu cho thời trang người miền núi - những vuông thổ cẩm, cũng được tác giả tìm hiểu kĩ càng tới từng sợi tơ sợi lanh. Ông viết: "Hoa văn thổ cẩm đâu chỉ là làm đẹp, mà nó có cả một nội hàm rộng lớn gửi gắm hồn người. Người trên núi đã biết mượn cỏ cây hoa lá, muông thú, côn trùng hoặc những loài thủy tộc để bộc lộ niềm vui nỗi buồn, lời dạy bảo, quan niệm sống, tín ngưỡng và đạo đức luân lý xã hội. Nên hoa văn thổ cẩm cũng như là một thứ "bi kí", như là lời dạy của tổ tiên khắc trên đá mà mỗi tộc người gửi gắm lại cho con cháu đời sau, chứa đựng đạo đức, lẽ sống".
Đọc sách này mới biết, mặc trang phục may từ thổ cẩm, những người miền núi như mang trên mình một thông điệp xanh - những miếng thổ cẩm - từ môi trường sinh thái mà họ đã ngộ ra sớm hơn rất nhiều so với người đồng bằng.
Cuốn “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam” (NXB Mỹ thuật 2021) của họa sĩ Đỗ Đức đoạt giải Khuyến khích Giải Sách quốc gia 2023
Người trên núi sống hòa với thiên nhiên, coi mình là con của thiên nhiên. Người Lào ở vùng Tây Bắc Việt Nam trang trí bằng họa tiết hình voi là muốn kể câu chuyện: "Xưa có người con gái đi làm nương, gặp lúc khát, nàng đã vốc nước từ một vũng nhỏ mang hình dấu chân voi để uống, về nhà nàng mang thai và sinh được một bé trai kháu khỉnh". Một sự giải thích mộc mạc nhưng thật đáng yêu vì sự hồn nhiên trong tâm hồn họ.
Người Mông còn có hơn ba chục mô-típ hoa văn trên áo váy hình cua, ốc, rau bí, chân gà, sên núi và một số loài cỏ cây, hoa lá. Những mô-típ thật độc đáo mà quen thuộc. Vâng, những thổ cẩm mang tinh thần thiên nhiên trên áo váy đang ôm khít mỗi con người, như tấm chăn đắp cho đời sống của mỗi dân tộc. Giá trị nhân văn của nó đã lộ diện ngay trên mặt thổ cẩm khi đang che phủ trên mỗi con người.
Nói về các bộ y phục của người miền núi, họa sĩ kể: Hầu hết bộ áo váy đều có gắn với một câu chuyện mang tính giáo dục. Ví dụ, bộ váy áo Pu Péo kể lại câu chuyện, bản của họ bị hỏa tai, khi về làng, mọi người bới trong tro tàn thì chỉ còn tìm được những mảnh vải nhỏ. Đem cắt ghép, may lại nó thành bộ váy áo Pu Péo ngày hôm nay.
Hoặc bộ váy áo Dao tiền gắn liền với truyền thuyết tổ tiên đi tìm đất và lòng hiếu đễ với tổ tiên của con cái cháu chắt. Rất nhiều bộ áo váy của dân tộc Dao khi giải thích về cấu trúc đều gắn với những câu chuyện buồn nhắc nhở về tình gia đình anh em đùm bọc, nghĩa láng giềng sớm tối có nhau. Họa sĩ Đỗ Đức thấy lạ là sao đời sống núi rừng thì đơn sơ, nhưng những câu chuyện lại giàu chất nhân văn đến thế!
Cuốn sách không thể kể ra hết vì cơ bản sách viết theo lối bút kí nghệ thuật, bút kí về xã hội học. Phần nhiều mang tính gợi mở cho người đọc đi tìm hiểu tiếp, chứ không tìm được đến tận nơi, kết luận có tính đúc kết. Cuốn sách có sự cuốn hút vì cách trình bày đó.
Trang phục người Dao đỏ ở Quảng Ninh. Tranh: Đỗ Đức
Tích hợp thời trang, hội họa, văn chương
Cuốn sách là một hòa sắc, tích hợp: thời trang, hội họa, văn chương. Có âmnhạc không? Có đấy, có bài hát 14 chương "Trường ca cây khèn Mông", Đỗ Đứcđưa vào sách để ai tốt giọng thì trình diễn như người Tây Nguyên kể khan XinhNhã, Đam San, nhấn vào những so sánh điệu nghệ:"Tiếng khèn còn dài như tiếng gió hút qua hang núi, miên man như sợi dây mâydây song luồn suốt trong rừng cây, leo qua đồi này núi khác. Tiếng khèn còn dội xanhư tiếng thác nước trong đêm sâu, nỉ non trầm bổng như gió ngàn trong ngàyrừng động".
Tới cao trào của trường ca, người diễn ngâm có thể đồng diễn với chàng trai Mông múa một thứ dân vũ khéo như võ thuật, đẹp như trình diễn thể hình: "Thời ta chơi khèn trên thớt gỗ tròn mà biết trồng cây chuối, một vai dính đất mà không bị cắn vào lưỡi, không bị ống khèn chọc vào họng khi chân đưa lên trời, nhảy đập hai chân, đi lò cò mà tiếng khèn không bao giờ đứt, tiếng khèn cứ thế vi vu dài cả buổi sáng, dài như dây diều ...".
(Từ trái sang): Trang phục của người Dao tiền - Dao đại bản - cô dâu Dao đỏ - Dao tiểu bản - Dao đỏ (Cao Bằng). Tranh: Đỗ Đức
Trường ca này tự sự về dân nhạc Mông, văn hóa Mông, lẽ sống Mông, nhưng cũng là cách tác giả trữ tình phản biện với những ai nông nổi, nghe sai hiểu lạc, cứ "diễm tình hóa" thứ nhạc cụ linh thiêng này, coi nó chỉ là kèn tình quyến rũ những cô Mỵ xuân thì. Không, khèn Mông còn là khèn hiếu, khèn nghĩa, khèn trí, khèn tình. Khèn Mông là "bảo vật của dân tộc... Giống như vải lanh, cây khèn cũng là một tín hiệu văn hóa để người Mông nhận biết nhau, để trò chuyện với tổ tiên".
Sự khiêm nhường tôn kính, khăng khít thân mật của người miền núi với thiên nhiên hùng vĩ là đề tài nổi bật trong tranh vẽ của Đỗ Đức ở phần 3 sách này. Con người trong phần lớn số tranh phong cảnh miền núi của ông, như muốn thu nhỏ lại, muốn giấu, muốn ẩn mình trong sau một nét vẽ mảnh, dưới một giọt màu. Con người chỉ như một nốt ruồi son trên cơ thể "dày dày sẵn đúc" của một "tòa thiên nhiên" kì vĩ. Họ nhòa trong Sương sớm bên đèo Pác Sum, Hà Giang (sơn dầu 80x100cm, 2007) nhòe vào tràng giang Kí ức sông Đà (màu nước, 49x38,5cm, 1992), lẫn với màu đen núi, màu trắng sống động trong Phong cảnh miền núi (mực nho trên xuyến chỉ, 33x45cm, 1985)... Họ như tan hòa vào bức tranh sơn dầu, khổ 130x130cm vẽ năm 2018 có tên gọi là Mùa xuân trên núi.
- "Thời làm quyển sách này vào đầu những năm 1980, lúc ấy không có máy ảnh, tất cả những hình ảnh dân tộc thể hiện trong sách này đều là kí họa bằng bút sắt và màu. Hiện nay, một số mẫu áo váy này không còn nguyên vẹn, mà đã thay bằng một số bộ cải tiến hoặc du nhập từ bên ngoài" - họa sĩ Đỗ Đức.