Dịp chuẩn bị cho Nghệ sĩ tri âm - chương trình thiện nguyện diễn ra ngày giáp Tết, Kim Cương nhắc đến mẹ như nguồn động viên lớn cho bà khi làm các sự kiện cộng đồng. Năm 2004, những ngày cuối đời của Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam, Kim Cương túc trực bên giường bệnh chăm sóc mẹ. Khi một số bạn hữu đến thăm, thấy không khí nặng nề, Kim Cương đùa với mẹ rằng "bị bắt đi làm từ thiện hoài, không cho con ở nhà với mẹ".
"Lúc đó mẹ mắng tôi nói kỳ cục, phải nói 'các dì cho con đi làm từ thiện, không phải bắt đi'. Một bà lão 91 tuổi, còn 10 ngày nữa là mất, mà tâm trí vẫn nhớ rằng tạo hạnh phúc cho người cũng là đem lại hạnh phúc cho mình", Kim Cương nói.
Nghệ sĩ Kim Cương nhớ về di vật của mẹ - bà Bảy Nam. Video: Mai Nhật
Sau đám tang của mẹ, Kim Cương dọn dẹp phòng, phát hiện loạt biên lai, giấy tờ thu chi nghệ sĩ Bảy Nam âm thầm tặng các quỹ vì người nghèo, ký tên các nhân vật từng đóng như bà Tư bán chè, bà Hai bán hột vịt lộn. Bà nhận ra đến cuối đời, mẹ vẫn giấu tên thật khi làm từ thiện vì không ham danh lợi.
Với Kim Cương, nghệ sĩ Bảy Nam vừa là mẹ, là thầy, vừa là tri kỷ. Nhiều đêm diễn về, hai mẹ con bà nằm trên giường, thao thức vì tâm đắc một câu thoại, nét diễn. Bà ngưỡng mộ cách mẹ hóa thân hết mình trong từng nhân vật. Khi đóng vai người mẹ trong vở Bông hồng cài áo, bà Bảy Nam nhờ ủi những vết hằn lên tà áo. Trong cảnh nhân vật lấy áo dài cũ ra mặc, khán giả nhìn những nếp nhăn trên áo, nhận ra người mẹ mấy chục năm qua không có dịp mặc trang phục này. Bà còn đi đến từng khu chợ, đổi guốc mới lấy đôi mòn rách. Khi bà diễn cảnh cởi đôi guốc cũ, vỗ nhẹ cho bớt bụi rồi cất, khán giả xúc động nhớ về bóng dáng người mẹ miền Nam tảo tần.
Nghệ sĩ Kim Cương thời trẻ bên mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những tâm tình về mẹ sẽ được gửi gắm trong chương trình kỷ niệm chặng đường sự nghiệp Kim Cương, do Đài truyền hình TP HCM tổ chức ngày 28/1. Đạo diễn Thanh Hiệp - người lên kịch bản - cho biết lần đầu, sau hàng chục năm rời sân khấu, Kim Cương diễn lại vai Diệu trong trích đoạn cuối Lá sầu riêng, vở diễn từng làm nên tên tuổi đoàn kịch của bà. Nhiều nghệ sĩ sẽ góp giọng với các ca khúc nổi tiếng trong loạt vở kịch của Kim Cương, như Nỗi buồn lá sầu riêng - Lệ Thủy hát, Duyên kiếp - Elvis Phương, Lòng mẹ - Bích Phượng.
Trích đoạn "Lá sầu riêng" Kim Cương diễn cùng mẹ. Video: Đoàn kịch Kim Cương
Dịp này, Kim Cương trao quà Tết, nhu yếu phẩm cho 120 nghệ sĩ ở lĩnh vực kịch, cải lương, xiếc, hát bội, múa. Con em diễn viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được bà tặng học bổng Bảy Nam. "Sinh thời, mẹ tôi trăn trở việc nghệ sĩ bị thời xưa xem là những người ít học. Tôi quyết tâm xây dựng quỹ học bổng để con em họ có điểm tựa, từ đó thành tài, có ích cho xã hội", Kim Cương cho biết.
Kim Cương được mệnh danh là "kỳ nữ" trong giới sân khấu Việt Nam, được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh là "Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam". Bà nổi tiếng qua những vở Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ. Ngoài diễn xuất, Kim Cương còn nổi tiếng với công tác thiện nguyện. Nhiều năm, bà tổ chức sự kiện Nghệ sĩ tri âm để quyên góp giúp các diễn viên, nhạc công, soạn giả nghèo khổ. Bà sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ các con em nghệ sĩ đang túng thiếu. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM.
Mai Nhật