ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, kể từ khi trường chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ, chỉ có Thế An và một sinh viên khác theo học ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông đạt mức điểm này. Như vậy, ở tất cả các môn học, Thế An đều đạt được điểm A.
Nam sinh cho hay đã sớm dự đoán được kết quả này. “Em cảm thấy rất vui, dù đây không phải là thành tựu quá lớn. Điều đó giúp em có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu trong tương lai”, An nói.
Nguyễn Thế An là một trong hai sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội với điểm tuyệt đối 4.0/4.0. (Ảnh: NVCC)
Thế An sinh năm 2002, từng là thủ khoa khối A1 của tỉnh Bắc Ninh năm 2020. Khi ấy, nam sinh đạt 29,1 điểm, chưa tính điểm cộng, xếp thứ 5 cả nước. Với điểm số này, An trúng tuyển vào ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Nam sinh cho hay, khi mới vào trường, em không đặt mục tiêu phải trở thành thủ khoa vì biết chương trình của Bách khoa vốn rất nặng và khó. Nhưng từ sớm, em đã lên kế hoạch phải đạt được học bổng khuyến khích học tập của trường.
“Tại Bách khoa, mức học bổng thấp nhất sẽ bằng học phí; loại cao hơn sẽ gấp học phí 1,5 lần. Chương trình học của em vốn là một trong những ngành có học phí cao nhất trường, khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm. Do đó, em muốn giành học bổng để giúp bố mẹ không phải thêm gánh nặng học phí”, Thế An nói.
Không gặp rào cản vì chương trình phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh do đã có gốc từ trước, nhưng trong giai đoạn đầu, An cũng cảm thấy khó thích nghi vì “mỗi môn học là một mảng kiến thức khác nhau”. Muốn đạt được điểm cao, sinh viên cần nắm chắc nội dung môn học.
“Có những môn lý thuyết, lượng slide bài giảng của thầy cô lên tới hàng nghìn trang, chẳng hạn như môn Hệ điều hành hay Kiến trúc máy tính... Để hiểu được nội dung bài, em thường phải xem trước slide được cung cấp, sau đó lên lớp tiếp tục lắng nghe thầy cô giảng”.
Theo An, sinh viên không nên coi nhẹ và bỏ qua bất kỳ nội dung kiến thức nào mà phải học hết. Thậm chí, người học nên tự mở rộng kiến thức thông qua sách vở, nghiên cứu trên Internet và làm nhiều bài tập để ghi nhớ lâu hơn.
Việc ôn thi cũng nên lên kế hoạch từ sớm, khoảng một tháng trước kỳ thi để không bỏ sót bất kỳ nội dung nào. “Những kỳ đầu có thể hơi khó, nhưng khi đã dần quen với cách học ở bậc đại học, các kỳ sau sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều”, An nói.
Thế An (bên trái) và các bạn học. (Ảnh: NVCC)
Dẫu liên tục đạt điểm A trong tất cả các môn học, An cho biết: “Học ở Bách khoa, chưa giây phút nào em dám chủ quan. Để có được bảng điểm toàn A, ngoài nỗ lực cũng cần rất nhiều yếu tố khác, trong đó có cả sự may mắn. Càng như thế, em càng bị áp lực nếu chẳng may có môn nào đó không được điểm A, bản thân sẽ rất buồn”.
Nhưng sang năm thứ 3, khi bắt đầu tham gia vào lab nghiên cứu về học máy của PGS.TS Thân Quang Khoát (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội), Thế An dần nhận ra điểm số không phải là tất cả.
“Ngành trí tuệ nhân tạo giờ đây phát triển nhanh chóng, liên tục đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, sinh viên cũng cần học cách nghiên cứu, nâng cao nền tảng kiến thức. Thực tế, nhiều bạn cùng lớp với em điểm có thể không cao bằng, nhưng các bạn nghiên cứu rất tốt. Khi ấy em nhận ra, bản thân vẫn phải học hỏi rất nhiều”.
Đặt mục tiêu sẽ đi theo con đường nghiên cứu, song song với việc học, từ năm 3, An bắt đầu tích cực nghiên cứu, thực hiện các đề tài được giao tại lab. Hiện An có 2 bài báo là đồng tác giả đang được bình duyệt tại Hội nghị quốc tế về hệ thống xử lý thông tin mạng thần kinh (NeurIPS 2024).
Là người đồng hành, hướng dẫn An nghiên cứu tại lab, TS Ngô Văn Linh (Khoa Khoa học máy tính, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông) đánh giá An luôn thể hiện sự nghiêm túc và chăm chỉ, không ngừng chủ động khám phá, đề xuất những ý tưởng sáng tạo.
“An có phong cách làm việc khoa học, chú trọng đến từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Khi nhận một đề tài nghiên cứu, em luôn dành nhiều thời gian để tổng hợp và suy ngẫm về các bài báo liên quan, tự đặt ra những câu hỏi và phân tích ưu nhược điểm của các phương pháp hiện có. Từ đó, em sẽ đưa ra những ý tưởng cải tiến, sáng tạo các phương pháp mới hiệu quả hơn. Tôi nghĩ rằng, những phẩm chất này sẽ là nền tảng vững chắc cho em trên con đường nghiên cứu lâu dài”, TS Ngô Văn Linh nói.
TS Linh cũng nhận xét việc An đạt CPA 4.0/4.0 ở Bách Khoa “là điều cực kỳ hiếm gặp”.
Chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo vốn được giảng dạy bằng tiếng Anh, bởi những giáo sư hàng đầu từ cả trong nước lẫn quốc tế. “Để duy trì điểm số tối đa trong một môi trường khắt khe như thế cho thấy An là một sinh viên xuất sắc toàn diện”, TS Linh nói.
Hiện tại, An là kỹ sư nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Trung tâm Trí tuệ nhân tạo của FPT Software. Trong quãng thời gian này, 10X mong muốn dồn sức cho các nghiên cứu để đạt được một số kết quả nhất định, sau đó tiếp tục “apply” học bổng tiến sĩ tại nước ngoài.
“Nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo dù đang ngày càng tăng nhưng vẫn thiếu rất nhiều nhân lực chất lượng cao. Do đó em nghĩ đây sẽ là con đường giúp mình cạnh tranh hơn trong thị trường lao động”, An nói.
Theo VietNamNet