Sáng 11/12, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức diễn đàn Chỉ số thu hút đoàn làm phim và Môi trường Sản xuất phim tại Việt Nam.Tại đây, Hiệp hội đã công bố 10 địa phương dẫn đầu xếp hạng chỉ số PAI 2024.

Đây là sự kiện đánh dấu một năm triển khai Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim PAI (Production Attraction Index) nhằm công bố bảng xếp hạng các địa phương có chỉ số PAI cao nhất. Đồng thời, VFDA cũng ra mắt nền tảng trực tuyến Vietnamfilmproduction.vn và thảo luận để tìm các giải pháp cải thiện, xây dựng môi trường làm phim tại các tỉnh, thành trên cả nước.

"Dấu ấn" mang tên PAI

"Xác định việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh sẽ mang lại nhiều lợi ích, với sự sẵn sàng đồng hành của doanh nghiệp, Ninh Bình cam kết mời gọi các nhà làm phim, nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể để trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi sản sinh ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao" - PGS-TS Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, phát biểu mở màn Diễn đàn.

Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam ra đời năm 2019 và vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ thứ hai. Hai trong số các dấu ấn của VFDA là việc tổ chức thành công Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng và khởi xướng bộ chỉ số PAI.

"Chúng tôi tự hào vì PAI - chỉ số thu hút đoàn làm phim - là chỉ số duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới do Hiệp hội đưa ra và chủ trì thực hiện. PAI ra mắt vào tháng 11/2023 tại Phú Yên, là sáng tạo của bà Phan Cẩm Tú và Phùng Thị Thanh Xuân" - TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội, phát biểu.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Anh Vũ

Theo TS Ngô Phương Lan, đây là kết quả của mong muốn kết hợp điện ảnh với du lịch. Thực tế cho thấy, giữa hai bên là đoàn phim và địa phương hầu như chưa tìm được tiếng nói chung. Bởi vậy, PAI là lời giải rất hữu ích giúp các địa phương từng bước hiểu được những nhu cầu cụ thể của một đoàn phim khi đến địa phương tìm bối cảnh và quyết định quay phim.

Mặt khác, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ có chính sách ưu đãi cho đoàn phim: Hoàn từ 20 - 35% chi phí quay tại địa phương cho đoàn phim. Theo đó, một điểm sáng như Thái Lan hàng năm đón hàng trăm đoàn phim nước ngoài đến quay, trong đó có cả những bộ phim kể câu chuyện Việt Nam. Trong khi đó, ở Việt Nam, tuy Điều 41 Luật Điện ảnh năm 2022 có quy định ưu đãi về thuế, nhưng chỉ dành cho đoàn phim nước ngoài và vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, chưa biết khi nào mới được thực hiện.

"Thực tế, việc thu hút đoàn phim trong nước cũng quan trọng không kém, bởi phim trình chiếu được khán giả yêu thích sẽ có sức quảng bá, thu hút du lịch địa phương to lớn" - TS Ngô Phương Lan phát biểu.

phu-yen-17339599859531977961584.jpg

Cảnh sắc Phú Yên trên phim "Ngày xưa có một chuyện tình". Ảnh: ĐPCC

Cụ thể, PAI gồm 5 tiêu chí (Hỗ trợ thông tin, thủ tục pháp lý, thực địa, tài chính, hạ tầng sẵn có). Mỗi địa phương được thể hiện bằng 1 ngôi sao xanh lá mạ tươi non. Như vậy, Bộ chỉ số PAI là một lời mời từ phía các địa phương gửi tới các đoàn làm phim. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể mà mỗi địa phương sẽ đưa ra những thông điệp và ưu đãi rất chi tiết để các nhà làm phim cân nhắc việc đến với địa phương nào phù hợp với bộ phim của mình.

Nhìn lại, PAI 2023 có 10 tỉnh thành tham gia, Phú Yên dẫn đầu PAI và đã thu được "quả ngọt" đầu tiên". Từng khảo sát nhiều địa phương, cuối cùng Phú Yên đã chinh phục nhà sản xuất Ngày xưa có một chuyện tình. Ông Trinh Hoan - Giám đốc Công ty HK, đơn vị đồng sản xuất bộ phim - cho rằng bối cảnh phù hợp với bộ phim rất quan trọng. Và sau khi công chiếu Ngày xưa có một chuyện tình, ông nhiệt tình giới thiệu Phú Yên cho đoàn làm phim Kính vạn hoa.

Phú Yên tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PAI

Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 11/2023, chỉ số PAI được thiết kế để đánh giá mức độ hấp dẫn của các địa phương đối với các đoàn làm phim. Mục tiêu chính của PAI là đánh giá và nâng cao sức hấp dẫn của các vùng miền khác nhau của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất phim. Thông qua PAI, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam mong muốn khai phá thế mạnh của ngành điện ảnh Việt Nam và giới thiệu với thế giới về vẻ đẹp cũng như những câu chuyện nằm sâu trong đời sống đất nước.

PAI không chỉ là một chỉ số; đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến một thế giới đầy tiềm năng điện ảnh. PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm ở Việt Nam làm bối cảnh.

thung-nai-17339599859141935727980.jpeg

Thung Nham - Ninh Bình, một trong những địa điểm hấp dẫn các đoàn làm phim. Ảnh: Phạm Thị Sinh

PAI cũng là một công cụ toàn diện với cách tiếp cận có cấu trúc, nhằm đánh giá mức độ hỗ trợ của các địa phương đối với ngành điện ảnh và du lịch. Dựa trên năm thành phần chính - tài chính, thông tin, thực địa, pháp lý và hạ tầng - chỉ số này cung cấp một khung phân tích rõ ràng, từ việc đánh giá các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, nỗ lực quảng bá điểm đến, kết nối đoàn làm phim với các bên liên quan, đến tính minh bạch trong thủ tục pháp lý và chất lượng cơ sở hạ tầng. PAI đóng vai trò như một "ngôi sao năm cánh" dẫn lối các nhà làm phim đến những địa điểm tiềm năng còn chưa được khám phá.

Theo chia sẻ của luật sư Cẩm Tú (Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội), PAI được thiết kế thân thiện với người dùng, giúp chính quyền địa phương tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách và hành động của mình phù hợp với nhu cầu và năng lực cụ thể của địa phương trong nỗ lực thu hút các đoàn làm phim một cách hiệu quả nhất, tạo việc làm, thúc đẩy ngành du lịch, và phát triển kinh tế địa phương. Như là một ngôi sao, PAI hướng dẫn các địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn cho hoạt động sản xuất phim và du lịch.

Chỉ số PAI không chỉ là thước đo đánh giá, mà còn là cầu nối giữa điện ảnh và các địa phương, giúp khám phá và phát huy tiềm năng chưa được khai thác. Tại Diễn đàn, bảng xếp hạng PAI năm 2024 đã được công bố, tôn vinh Top 10 địa phương có chỉ số cao nhất, đồng thời tạo động lực để các tỉnh thành khác tiếp tục cải thiện môi trường làm phim, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phú Yên dẫn đầu danh sách, tiếp đó là các tỉnh, thành: Quảng Ninh, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh và Tuyên Quang.

Phú Yên - nổi tiếng với bối cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ những cải tiến vượt bậc trong chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ các đoàn làm phim. Ngày xưa có một chuyện tình chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh vừa ra mắt có bối cảnh chính tại Phú Yên chính là "quả ngọt" đầu tiên của PAI mà TS Ngô Phương Lan nhắc tới.

"Phú Yên sẽ hoàn thiện hơn về năng lực để bộ chỉ số PAI đầy đủ nhất, phù hợp với yêu cầu của nhà làm phim. Khi đoàn làm phim tới địa phương, lãnh đạo tỉnh xác định đây là chuyện của địa phương, cho nên chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới cấp xã phải phối hợp, tạo điều kiện cho đoàn làm phim quay phim suôn sẻ", ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - chia sẻ.

Được biết, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam kỳ vọng, thời gian tới, bộ chỉ số giúp các địa phương ngày càng hoàn thiện hơn về cơ chế, chính sách thu hút các nhà làm phim quốc tế và trong nước.

Năm 2023 - năm đầu tiên triển khai - PAI đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ 10 tỉnh thành trên cả nước. Qua một năm, số lượng địa phương tham gia áp dụng chỉ số này đã tăng từ 10 lên 37, với nhiều kết quả ấn tượng được ghi nhận.

Đại hội Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam: Xúc tiến hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022