Năm ngoái, UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (sẽ diễn ra trong năm 2024 này). Nhiều người vẫn biết, ông được suy tôn là bậc "Y thánh của Việt Nam" với Hải Thượng Y tông tâm lĩnh được coi là bách khoa thư y học vĩ đại nhất của Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, những di sản mà Hải Thượng Lãn Ông để lại còn cho thấy ông là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà văn hóa có tư tưởng tiến bộ, tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Tác phẩm văn chương tiêu biểu của ông phải kể đến Thượng kinh ký sự, đây là phần cuối cùng (quyển 66) của bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, nhưng hoàn toàn có thể xem là một tác phẩm văn học độc lập mang nhiều giá trị.

Để hiểu rõ hơn về Thượng kinh ký sự cũng như đóng góp quan trọng của Lê Hữu Trác với tư cách là một tác gia của văn học Việt Nam thời trung đại, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học.

* Được biết, ông từng định vị danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một nhà ẩn sĩ "nhập thế", tại sao vậy?

- Khác với con đường hành đạo lập công danh của tuyệt đại đa số các trí thức nho sĩ phong kiến, sau khoảng mười năm ôm ấp hoài bão, đến đúng tuổi "tam thập nhi lập", Lê Hữu Trác lánh xa chốn đô hội bụi trần, trở về nơi thôn cùng xóm vắng mà "lập thân" với chính mình. Sự "lập thân" của ông trước hết gắn với nghề làm thuốc chữa bệnh cho dân, làm bộ sách Y tông tâm lĩnh gồm 66 quyển đặng lưu lại cho hậu thế, rồi làm thơ, viết hồi ký, dạy học trò, thưởng ngoạn non xanh nước biếc, để lòng vui cùng trăng trong gió mát.

Với Lê Hữu Trác, chính cái lẽ "lập thân" khác đời, lập thân với chính mình, cho mình, vì mình, vì sở nguyện riêng mình - lập thân không theo con đường "nhập thế", tự ý thức làm một xử sĩ, ẩn sĩ ngay khi mới ba mươi tuổi đời - đã xác lập một nhân cách, một phong cách văn chương đặc sắc.

PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học

* Ông nói tới Lê Hữu Trác có "một phong cách văn chương đặc sắc". Điều này được thể hiện như thế nào trong "Thượng kinh ký sự" - tác phẩm được giới nghiên cứu đánh giá là đã đưa Lê Hữu Trác vào hàng tác gia xuất sắc của văn học Việt Nam thời trung đại?

- Trước hết, cần đánh giá Thượng kinh ký sự là một tác phẩm đứng hàng đầu cả về dung lượng, nội dung và chiều sâu nghệ thuật cũng như khả năng tích hợp các hình thức nghệ thuật, và thể loại. Đây là tác phẩm văn xuôi du ký chữ Hán tiêu biểu của thế kỷ 18 - 19 thuộc kiểu du ký công vụ trường thiên, phản ánh chuyến đi theo mệnh lệnh nhà chúa, triều đình.

Đặc biệt, Thượng kinh ký sự thể hiện sắc nét vai trò chủ thể tác giả. Chủ thể tác giả nói, kể chuyện chuyến "thượng kinh" của mình và kể chuyện đời sống xã hội bằng những điều mắt thấy, tai nghe. Bên cạnh đó, tác phẩm còn đưa đến sự tiếp nhận về một thời đại, một giai đoạn lịch sử bằng hình thức nghệ thuật văn chương. Thượng kinh ký sự có ý nghĩa như một bảo tàng lịch sử, văn hóa bằng ngôn từ nghệ thuật.

Cũng cần nói thêm, Thượng kinh ký sự là tác phẩm chữ Hán được dịch trọn vẹn và in sớm từ những năm 30 của thế kỷ 20 trên Nam Phong tạp chí bởi Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật. Tác phẩm có ý nghĩa khởi động trào lưu nhân văn, nhân đạo thuộc thế kỷ 18 - 19. Trong giai đoạn này, tác phẩm du ký trường thiên Thượng kinh ký sự nằm trong mạch ghi chép truyện ký cùng với một số tác phẩm tiêu biểu như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ, v.v…

Trên thực tế, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác có những giá trị đặc sắc trên nhiều phương diện. Trước hết, trong khi Vũ trung tùy bútTang thương ngẫu lục là những đoản thiên ghi chép ngắn gọn, có tính chất sưu tầm, thu thập những chuyện truyền ngôn, thì Thượng kinh ký sự lại là tác phẩm trường thiên ghi chép trực diện về xã hội từ chính trải nghiệm của tác giả. Chưa kể, có thể coi đây là tác phẩm lớn nhất thuộc thể loại du ký vào thời kỳ đó, được dịch ra quốc ngữ sớm và xứng đáng trở thành một di sản văn học chữ Hán.

Về hình thức, Thượng kinh ký sự đã có sự tích hợp về mặt thể loại, có cả văn xuôi và thơ ca, có tường thuật và hồi tưởng, có độc thoại và đối thoại... Với đặc điểm này, tác phẩm đánh dấu một giai đoạn trưởng thành của văn xuôi chữ Hán khi tích hợp được nhiều phương diện của các hình thức thể loại khác nhau. Đặc biệt là sự xuất hiện của thơ ca trong Thượng kinh ký sự với khoảng 40 bài thơ.

thuongkinhkysu-1707278410579814362489.jpg

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Lê Hữu Trác, Phan Ngọc dịch (NXB Hà Nội, 2020)

* Xin ông nói rõ hơn về trường hợp tích hợp thơ ca này?

- Trong Thượng kinh ký sự còn khoảng 40 bài thơ cảm tác, tự thuật, đề vịnh, xướng họa của chính Lê Hữu Trác và những người khác. Hầu như đi đến đâu, gặp danh lam thắng cảnh nào ông cũng "tức cảnh sinh tình" và đề thơ. Đây là trường hợp tích hợp, đan xen, hỗn dung thơ ca trong văn xuôi rất đặc sắc.

Điều đáng nói hơn, cần nhấn mạnh thơ của Lê Hữu Trác có sự khác biệt với những loại thơ tụng ca hướng thượng chính thống đương thời. Thơ của ông chủ yếu là thơ tự thuật gắn với tâm tư, cuộc sống tầng lớp kẻ sĩ thị dân, bình dân hơn là loại thơ tụng ca "vương triều, thánh đế".

Bởi thế, ngay chính trong Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác bảo thơ mình là "lời lẽ quê mùa", "viển vông quê mùa", "đâu dám múa rìu qua mắt thợ". Song khi khác ông lại tỏ thái độ cao đạo, ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò con người cá nhân mình gián cách qua lời các bạn đồng môn và giới quan chức. Với lối khiêm xưng và vẻ tự nhiệm bắc bậc cao đạo kiểu nhà nho, ông ý thức về mình bằng việc mượn lời khen của người khác rằng "người ta nói thơ của cụ ai xem cũng phải khen là hay"…

Và đã hơn một lần Lê Hữu Trác cao sang tự khen mình: "Không ngờ từ đó, những bài thơ mà tôi làm dọc đường vâng chiếu chỉ lên kinh lại được người ta truyền tay nhau chép lại"; "Tiếng tăm của tôi bấy giờ vang khắp phủ. Lúc ngồi thường thấy có người nhìn trộm. Thơ của tôi ngày nay cũng làm cho bậc vương hầu cảm đồng. Thì ra thơ có ích thực chứ không phải chơi"…

Cứ như thế, Lê Hữu Trác hiện tồn giữa cuộc đời, phân thân giữa "khôn thật" và "ngây giả", giữa "ai kia" với "thân này", giữa "danh" với "hư danh": "Kìa ai khôn giả làm ngây/ Hư danh quấy mãi thân này làm chi".

vaophuchuatrinhn-17073663301651188989405.jpg

Trích đoạn “Vào phủ chúa Trịnh” (trích Thượng kinh ký sự) trong SGK Ngữ văn lớp 11, tập 1

* Như vậy, "Thượng kinh ký sự" đã cho thấy phần nào phẩm cách và con người đặc biệt của Lê Hữu Trác?

- Thượng kinh ký sự đã thể hiện bản lĩnh và nhân cách của một con người chọn hành đạo bằng cách chuyên tâm, say với nghề, với nghiệp của mình, thay vì chọn con đường hướng tâm vào triều đình để mong cầu quan cao lộc hậu. Lê Hữu Trác đúng nghĩa là một ẩn sĩ "nhập thân".

Ông chuyên cần theo học nghề y, lấy đó làm lẽ sống, làm cứu cánh hiện sinh để lấp đầy khoảng trống tâm hồn và tài năng trên hành trình về cõi hư vô. Và phải chăng chính những điều sở nghiệm trong cuộc đời, những tâm trạng bị xô đẩy đến cùng đã đặt ông trong tâm thế hoá giải, tự đặt mình trong chốn phồn hoa đô hội mà coi thường chốn đô hội phồn hoa, tự đặt mình ở vị trí tước cao lộc hậu mà xem thường lộc hậu quan cao, nhìn ra cảnh tượng lụi tàn ở bông hoa đang mãn khai, đốn ngộ ra "cái hữu" đang tiềm tàng trong "cái vô": "Ôi, công danh ta đã coi như chẳng tưởng… phú quý cũng xem tựa phù vân… chí những muốn đem thân ra ngoài sự vật" (Y tông tâm lĩnh); "Than ôi! Giàu sang như đám mây bay! Đền vũ tạ, thú ca lâu, phút chốc thành nơi hoang phế" (Thượng kinh ký sự)…

Đương thời, Lê Hữu Trác lên kinh khi đã ở tuổi sáu mươi thì dù có chí tiến thủ chăng nữa, ông thừa biết vẫn không còn thời cơ, không thể tiến xa trên đường hoạn lộ. Vì lẽ đó, ông phải "nhập thế" theo một lối riêng biệt và làm một ẩn sĩ nơi quê xa cũng có nghĩa là củng cố thêm một bước chí hướng đã lựa chọn.

Sống giữa thời buổi tao loạn, việc Lê Hữu Trác tìm đến con đường mai danh ẩn tích chẳng qua chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Điều chính yếu hơn, nhân cách và bản lĩnh, cá tính con người cá nhân Lê Hữu Trác vẫn vượt qua mọi định kiến mà tỏa sáng trong văn chương, để rồi dòng tư duy ấy sẽ bột khởi mạnh mẽ trong các sáng tác của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ,… ở giai đoạn văn học tiếp ngay sau đó.

Tất cả cho thấy tầm vóc tư tưởng của Lê Hữu Trác ngay từ đương thời kể từ bộ sách y học Y tông tâm lĩnh đến tác phẩm văn chương Thượng kinh ký sự. Qua tác phẩm của mình, ông để lại cho hậu thế di sản văn hóa quý giá về nhân cách, bản lĩnh, ý chí của một nhà nho giữa thời tao loạn, rộng hơn là cách ứng xử với cuộc đời, cách lựa chọn con đường đi của người trí thức chân chính.

* Với những di sản để lại cho hậu thế ở nhiều phương diện, rõ ràng sự vinh danh của UNESCO với danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mới đây là hoàn toàn xứng đáng. Quan trọng hơn, theo ông, sự vinh danh này có ý nghĩa như thế nào để tác phẩm và con người của Lê Hữu Trác tiếp tục hiện diện trong đời sống đương đại hôm nay?

- Ở khía cạnh văn học, đến hôm nay có thể nói Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác là tác phẩm kinh điển của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ 18 nối dài cho đến thế kỷ 19. Chính xác hơn, tác phẩm Thượng kinh ký sự đã kiến tạo và mở rộng biên độ thể loại văn xuôi du ký chữ Hán thời trung đại, thu nạp vào trong nó những phong cách thể loại khác nhau, góp phần phát triển thể tài du ký thế kỷ 18 - 19 đạt trình độ cổ điển, chuẩn mực, cao sang cả về nội dung và hình thức nghệ thuật.

Với thể tài du ký, các tác giả thế hệ sau này viết rộng hơn, tức là không chỉ viết ở phạm vi trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Cùng với thể loại văn xuôi trường thiên, du ký tiếp tục được mở rộng lên đến vài nghìn câu thơ, tiêu biểu có thể kể đến Chư quấc thại hội, Như Tây nhựt trình của Trương Minh Ký.

Đến đầu thế kỷ 20, thể loại này đã được xác lập với một hệ thống tác phẩm du ký đặc biệt xuất sắc như trường hợp của Phạm Quỳnh với trên 10 tác phẩm. Trong số  đó, Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh có thể coi là tác phẩm kinh điển của dòng thể loại văn học du ký cho đến tận hôm nay. Thế rồi, các tác phẩm Sang Tây - Mười tháng ở Pháp của Đào Trinh Nhất, Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris của Nguyễn Công Tiễu cũng đều là những tác phẩm du ký trường thiên ấn tượng. Ở đây, cần nhấn mạnh Thượng kinh ký sự như một sự khơi nguồn cho sự phát triển có tính hệ thống của thể tài du ký nối dài đến ngày nay.

Mặt khác, tác phẩm này còn đáp ứng giá trị lịch sử văn hóa trong thời hiện tại. Ai đọc Thượng kinh ký sự cũng sẽ thấy lại một thời lịch sử, mang đúng không khí của thời trung đại ở nhiều khía cạnh. Đó là cảm nhận về tâm tư, tình cảm, phong thái, hành xử của người xưa, là hình dung về không gian, bối cảnh trong quá khứ của thành Thăng Long về kiến trúc, mỹ thuật cách đây hơn 200 năm.

Sự thức nhận về quá khứ này thực tế vẫn được ứng dụng và quan tâm trong thời đương đại của chúng ta hôm nay. Minh chứng rõ nhất là đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh ký sự) vẫn xuất hiện trong sách giáo khoa. Ở đây, rõ ràng vượt qua ý nghĩa tố cáo xã hội thời vua chúa phong kiến, Thượng kinh ký sự thực sự mang giá trị chân, thiện, mỹ, hướng tới cái đẹp, phù hợp với tinh thần giáo dục học đường với những trích đoạn sinh động được chọn giảng dạy trong nhà trường phổ thông.

Danh nhân Lê Hữu Trác cho đến hôm nay vẫn mãi là một tấm gương lớn chiếu rọi những phương diện cơ bản về nhân cách của một con người, một trí thức, một nhà văn hóa tài cao đức trọng.

* Xin cảm ơn ông!

"Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác như một sự khơi nguồn cho sự phát triển có tính hệ thống của thể tài du ký nối dài đến ngày nay" - PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn.

UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022