Buổi công chiếu Mắt Biếc ở Sài Gòn kết thúc trong tiếng vỗ tay giòn giã, sự hân hoan và cả những giọt nước mắt chưa kịp lau của những người ngồi trong khán phòng. Là khán giả, khách mời hay báo giới, Mắt Biếc đã khiến ai cũng phải xúc động. Đây thực sự là một sản phẩm điện ảnh xứng đáng được nhận những con điểm xuất sắc và những lời khen hoa mỹ một cách xứng đáng nhất của năm.
Mắt Biếc là tác phẩm thứ ba của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể điện ảnh và đã công chiếu, sau Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (đạo diễn Victor Vũ) và Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Dạo một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những nhận xét cho rằng Mắt Biếc là một sản phẩm xuất sắc, chạm vào trái tim của mọi người. Đối với tôi, Mắt Biếc còn là phim chuyển thể từ truyện của chú Ánh (cách tôi gọi nhà văn mà tôi yêu thích từ nhỏ) hay nhất và là phim chín mùi nhất của đạo diễn Victor Vũ.
Trailer "Mắt Biếc"
Từ những trang sách thành lạo xạo mùi tuổi thơ
Cách đây 4 năm, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh cũng từng gây bão phòng vé vì tác phẩm đầu tiên của chú Ánh được chuyển thể thành công. Thậm chí, vùng đất Phú Yên cũng nhờ đó mà phát triển du lịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, đối với tôi, đó là một bộ phim thiếu thốn cảm xúc. Không chỉ Hoa Vàng Cỏ Xanh mà tất cả những bộ phim mà anh Victor Vũ từng đạo diễn đều như thế: thiếu sự mềm mại và một cái chạm vào trái tim.
Phim của Victor luôn duy mỹ, đẹp trong từng khung hình theo những chuẩn mực nhất định của một người được học về điện ảnh ở nước ngoài. Phim của Victor cũng rất văn minh và chỉn chu, dường như ít khi nào anh khiến người ta thấy ngao ngán vì ẩu tả. Phim của Victor cũng rất nhịp nhàng và công thức, thừa sức dắt mũi người xem. Tuy nhiên, phim của Victor chưa bao giờ khiến tôi xúc động.
Hoa Vàng Cỏ Xanh mang cái vẻ đèm đẹp đầy sắp đặt trong những khung hình không có sự tương tác với người xem. Một giọt nước rơi theo chân của thằng Thiều chạy trong mưa cũng được tính toán để thật đẹp, nhưng lại không gây được cảm giác, đó là một đáng tiếc. Tôi ôm cái tâm lý dè chừng đó khi xem Mắt Biếc, nhất là khi câu chuyện này cần rất nhiều cảm xúc.
Truyện của chú Ánh vốn là những áng văn đẹp như thơ, trong trẻo như những giọt sương sớm bất chấp nhân vật đang chìm giữa những khổ đau. Mắt Biếc không ngoại lệ. Thầy giáo Ngạn trước khi ôm cái nỗi buồn dài dằng dặc như những đêm hè ngột ngạt ngủ mãi vẫn không thẳng giấc cũng từng có một tuổi thơ đủ màu sắc ở trường, ở nhà, ở khu chợ Đo Đo hay những buổi hội làng tấp nập. 30 phút đầu tiên của phim Mắt Biếc có cảm giác những ngày tuổi thơ của Ngạn được tóm lại trên màn ảnh lớn. Đó không chỉ là tiền đề để Ngạn có cơ sở mà đau đớn với mối tình của mình sau này. Đó đối với những người hâm mộ chú Ánh còn là một sự hoài niệm được thăng hạng.
Tôi được nhìn tận mắt thằng Ngạn, con Hà Lan, thằng Ngọc ị đùn, thằng Hoà không phải qua sự tưởng tượng nữa mà bằng hình ảnh xịn sò. Tôi được thấy cảnh Ngạn khóc khi bị cha đánh đòn, rồi được bà Nội bênh vực như một vị cứu tinh. Tôi được ngó khu chợ Đo Đo ở cái làng nhỏ xíu nhưng là cả thế giới của Ngạn qua những thước phim kì công và chắc chắn là ngốn rất nhiều ngân sách sản xuất. Tôi được thấy Hà Lan từ những ngày còn bé cho đến khi nó lớn phổng lên và hớp hồn Ngạn. Chính như vậy, tôi được quay lại với cảm xúc tuổi thơ bằng những hình ảnh sống động. Khác với Hoa Vàng Cỏ Xanh ở chỗ, từ đạo cụ đến bối cảnh của Mắt Biếc đều chân thực và đầy xúc cảm, không còn bị xa cách.
Đối với những khán giả chưa từng đọc truyện, 30 phút để tri ân độc giả của nguyên tác kia cũng không quá lê thê. Ekip đã tính toán để lược tóm khá nhiều chi tiết nhỏ mà theo tôi là hợp lý. Việc lồng hình ảnh nhân vật cô Thịnh vào Hà Lan lúc nhỏ là một điều khá thông minh để giảm tải thời lượng nhưng đồng thời đảm bảo một nền tảng vững chắc cho nỗi lòng của Ngạn sau này.
Biên kịch khéo léo chắt lọc những câu văn hay ho trong nguyên tác để làm lời tự sự của Ngạn xuyên suốt bộ phim cũng là một điều đáng khen. Tôi đã rưng rưng ngay khi nghe giọng của Ngạn kể lể ở đầu phim: "Hồi đó, tôi không gọi Mắt Biếc là Mắt Biếc, mà gọi là Hà Lan, như mọi người vẫn gọi…". Giọng đọc của Phạm Đình Thái Ngân cộng với đôi mắt biết nói lúc nào cũng như chứa cả một bầu trời của Trần Nghĩa dẫn dắt tôi về lại với những cảm xúc ngây thơ và đơn giản, về lại với Đo Đo và câu chuyện tương tư cả một đời.
Đến phiên bản chuyển thể với đoạn kết được cải biên xuất sắc
Mới hai ngày trước, nữ diễn viên Trúc Anh (vai Hà Lan) khiến một số độc giả trung thành với nguyên tác phẫn nộ vì cô này cho rằng Hà Lan là một người hướng nội. Tôi hiểu cảm giác đó vì trong suốt chiều dài hơn hai trăm trang sách Mắt Biếc, Hà Lan như một áng mây trời thích trôi theo những cơn gió muôn chiều biến đổi trên bầu trời, những áng mây mà cả Ngạn hay rừng sim ở Đo Đo không thể nào giữ lại. Không chỉ Hà Lan mà nhiều cô gái trong truyện của chú Ánh, trong Mắt Biếc cũng như thế. Tụi nó lớn nhanh hơn đám con trai, lúc nào cũng tỏ lòng mình trước khi đám con trai lò mò hiểu được. Đến chừng các nhân vật chính ngờ nghệch của chúng ta nhận ra thì nàng thơ của họ đã đi theo nơi phồn hoa và đổi thay mất rồi. Thế nên, cho rằng Hà Lan là một người hướng ngoại hoàn toàn có cơ sở.
Nhưng, nói Hà Lan trong bản phim là một cô gái hướng nội cũng… không sai. Nói thế không có nghĩa là phim đang phá toang cuốn truyện. Thay vào đó, Hà Lan của bản phim được bồi đắp thêm khá nhiều về nội tâm, chỉnh sửa một chút về hoàn cảnh, và trở thành một nhân vật không quá khó để nắm bắt. Thay vì một gia đình với đủ đầy cha mẹ, Hà Lan của bản phim không có cha, nó là con của một bà mẹ đơn thân không tin mình sẽ tìm được người tử tế. Thay vì chỉ tâm sự về mình và tình yêu với Dũng một cách vô tâm, Hà Lan của bản phim có những cuộc đối thoại xáo động tâm can với Ngạn. Không phải Hà Lan được bênh vực một cách vô tội vạ, mà nó được mở ra một cánh cửa để khán giả nhìn vào và hiểu được nó hơn. Những chuyện Hà Lan làm vẫn là lỗi lầm, những quyết định nó dành cho Ngạn vẫn tàn nhẫn, nhưng người ta sẽ thương nó hơn một chút. Vì Hà Lan là mắt biếc, là một nỗi buồn thăm thẳm của Ngạn chứ không phải một nỗi giận hờn.
Không chỉ Hà Lan mà Dũng (Trần Phong) cũng có những khoảnh khắc để chứng tỏ nó là một người cũng tử tế. Nó quay lại tìm Hà Lan sau khi bị đánh nhau với Ngạn. Nó muốn cưới Hà Lan sau khi gặp Ngạn ở tiệm bi-a. Ai bảo Dũng là một gã sở khanh quên đi lời hứa "sẽ cưới Hà Lan" sau khi tốt nghiệp? Chẳng qua nó không đủ cố gắng, không yêu Hà Lan đủ nhiều để bước qua những rào cản xung quanh nó mà thôi.
Nếu như chị Nhiều, chị Quyên không còn xuất hiện trong câu chuyện của Ngạn lúc lớn (khác với nguyên tác), thậm chí là bỏ luôn nhân vật cô Thịnh thì bù lại là sự xuất hiện của Hồng (Thảo Tâm) là rất hay ho. Hồng không có trong truyện, nhưng lại là nhân vật nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả tại suất chiếu đầu tiên vì một vài khoảnh khắc. Theo tôi, đây là một nhân vật sáng tạo rất giá trị của bản phim. Hồng đại diện cho sự trăn trở của mẹ Ngạn, mẹ Hà Lan dành cho sự cố chấp của Ngạn dành cho Hà Lan, cho cái tuổi thơ đã xa lắc của nó với ngôi làng. Hồng còn là tấm gương phản chiếu chính cái tình yêu một chiều của Ngạn. Ngạn ở giá và đợi Hà Lan suốt hai mươi mấy năm cũng như Hồng đã dõi theo và đợi Ngạn hướng về phía mình từ những ngày còn ở lớp thầy Phu. Hồng với Ngạn như hai kẻ đuổi bắt trên cái vòng đu quay tình yêu của cuộc đời. Ngay cả kết cục cả hai chọn, cũng giống nhau.
Bạn đừng vì thế mà cho rằng Mắt Biếc bản phim là một câu chuyện xa lạ. Vì Ngạn của Trần Nghĩa thật sự là Ngạn bước ra từ những trang sách bằng xương bằng thịt. Những cảm xúc nó đeo mang từ trên giấy đến trên phim đều không có gì khác. Nó vẫn yêu Hà Lan từ những ngày còn cùng nhau hái sim. Nó vẫn đánh mất Hà Lan vì chính cái sự nhát gan và chần chừ của mình. Nó vẫn một tay đẩy niềm vui của mình đi xa vì cảm xúc của người mà nó yêu. Nó, khi đã trở thành ông giáo làng, vẫn dành cho Trà Long (Khánh Vân) một tình thương khó gọi tên.
Trà Long cũng là một hoá thân trọn vẹn so với nguyên tác. Đôi mắt lanh lợi, miệng cười tươi làm sáng bừng những ngày buồn tẻ của Ngạn khiến tôi chỉ mong con bé được hạnh phúc. Tôi nghĩ Trà Long là nhân vật khó nhằn của bản phim vì phải thể hiện sự rung động của nó với Ngạn thế nào mà không gây phản cảm. Đáng mừng là bộ phim đã làm được. Một vài giây phút cả rạp như im thin thít vì cảm xúc giữa Trà Long và Ngạn được đẩy lên cao nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, dư âm để lại vẫn là một tình cảm trong sáng như giọt trăng vàng rót vào giàn Thiên Lý lúc nửa đêm.
Nếu như trong nguyên tác, lá thư của Ngạn sẽ khép lại câu chuyện thì Victor và biên kịch đã dũng cảm cho thêm một đoạn kết mới. Đây là một quyết định đòi hỏi sự liều lĩnh lẫn quyết tâm cao độ vì sẽ có thể thay đổi góc nhìn của khán giả về Hà Lan. Nhưng thật sự, cũng chính đoạn kết mới này đã khiến bộ phim chạm đến đỉnh cao của xúc cảm. Trường đoạn này không chỉ là một động thái gieo cho các nhân vật của chúng ta một hy vọng mới mà còn là một hành động mang đầy tính tích cực.
Trong truyện của chú Ánh, khi một đoàn tàu chở ai đó rời đi thì đó cũng là một sự chia xa rất dài lâu, đôi khi vĩnh viễn. Nhưng với đoạn kết của Mắt Biếc bản phim, đoàn tàu bỗng trở thành một sự khởi đầu. Cái tan nát và lỡ làng của nguyên tác vẫn còn đó, nhưng đồng thời một hơi thở vừa được đánh thức, hơi thở của một tâm hồn tổn thương cố gắng giữ lại hạnh phúc cho mình.
Đoạn nhạc giao hưởng trên giai điệu gốc của bài Có Chàng Trai Viết Lên Cây được thu tại Bulgari cho thấy sự chăm chút của ekip. Nếu thiếu đi sự cộng hưởng của đoạn nhạc này trong phần kết thì sẽ không thể nào trọn vẹn. Thật sự ca khúc của Phan Mạnh Quỳnh sinh ra là để dành toả sáng ở Mắt Biếc. Nó hay và hoà hợp đến nỗi trong phim xuất hiện một cái cây rất to và đẹp để chàng nhân vật chính của chúng ta khắc tên người nó yêu lên đó, khiến bài hát được đẩy lên tột bậc. Ngoài ra, ba ca khúc khác của Phan Mạnh Quỳnh mới sáng tác cho phim là Từ Đó, Nơi Ấy và Tôi Chỉ Muốn Nói chính là cảm xúc của Ngạn qua từng giai đoạn của mối tình này.
Tôi gọi Mắt Biếc là phim hay nhất, chín nhất của Victor vì anh đã dung hoà những thế mạnh mà anh có từ kĩ thuật, phương pháp đến sự thông minh của mình để tạo nên một cảm xúc quá đẹp. Bước ra khỏi rạp chiếu, khán giả chỉ muốn nói và nói thêm nữa về những cảm xúc mà bộ phim mang lại, đó chính là thứ nhựa sống mà bất cứ tác phẩm nào cũng mong muốn.
Tôi tin rằng Mắt Biếc sẽ là tấm rèm nhung khép lại sân khấu phim Việt 2019 một cách rực rỡ và khiến công chúng hài lòng.
Thăm dò ý kiến
Bạn dự tính xem phim Chị Chị Em Em hay Mắt Biếc vào Noel này?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Chị Chị Em Em
Mắt Biếc
Mắt Biếc công chiếu chính thức vào 20/12/2019.