Sau Bố Già (2021) và Nhà Bà Nữ (2023), Trấn Thành đã xây dựng được thương hiệu riêng là những bộ phim xoáy vào số phận người dân lao động, mâu thuẫn đời thường giữa hàng xóm, cha mẹ - con cái. Mai cũng không ngoại lệ qua câu chuyện về một người phụ nữ khao khát tình yêu. Song, tác phẩm có sự tiến bộ rõ rệt về mặt kỹ thuật so với hai bộ phim trước.
Mai cũng là tên của nhân vật chính - một cô gái làm massage trị liệu. Khi dọn đến khu chung cư mới, Mai (Phương Anh Đào) liên tục gặp phải sự soi mói, kỳ thị của người dân xung quanh lẫn đồng nghiệp. Người duy nhất yêu thương cô là bà "khách ruột" tên Đào (Hồng Đào). Trong số những người mới xuất hiện trong đời Mai có Dương (Tuấn Trần) - một kẻ "sát gái" có tiếng. Dương không ngừng theo đuổi Mai. Song, mối quan hệ của họ sớm gặp sóng gió khi Mai không chỉ hơn Dương nhiều tuổi mà còn có quá khứ nhiều bi kịch.
Sự lên tay rõ rệt của Trấn Thành
Nói không ngoa khi Mai là bộ phim tốt nhất của Trấn Thành về mặt kỹ thuật. Nếu như Bố Già có nhiều cảnh one-shot khó nhằn, Nhà Bà Nữ có những đoạn chuyển cảnh liên tục để cho thấy mâu thuẫn giữa hai thế hệ trong gia đình thì Mai là sự kết hợp của cả hai. Phim mở đầu ngay với một cảnh quay dài ở góc nhìn thứ nhất khi Mai chuyển về khu nhà mới, đồng thời khéo léo giới thiệu dàn diễn viên.
Sau đó là một đoạn chuyển cảnh cực mượt để cho thấy sự khác biệt trong cuộc sống giữa Mai và Dương - một phụ nữ trưởng thành, tự mình gánh vác mọi việc nặng nhẹ trong nhà với gã trai trẻ đang tận hưởng thú vui thể xác. Những cảnh one-shot sau đó vẫn xuất hiện xuyên suốt trong phim với mục đích rõ rệt như thể hiện sự chuyển biến, bùng nổ tâm lý của các nhân vật.
Màu phim và các góc quay khá đẹp, mang đậm ý đồ nghệ thuật của đạo diễn, đặc biệt là khi thể hiện rõ biểu cảm của các nhân vật trong những phân đoạn mâu thuẫn căng thẳng. Mai có một vài cảnh nóng nhưng đều được dàn dựng kỹ lưỡng để vừa "bỏng mắt", đủ cho thấy sự khao khát của cả hai nhưng lại không để lộ quá nhiều da thịt hay có các động tác thô tục quá lố.
Điểm trừ đáng tiếc của tác phẩm nằm ở nhạc phim còn quá rập khuôn và "hàn lâm". Nhiều cảnh quay không đạt được cảm xúc phù hợp do phần âm nhạc lạc quẻ. Ca khúc chủ đề của Phan Mạnh Quỳnh cũng không thật sự ấn tượng nên dễ dàng trôi tuột khỏi tâm trí khán giả ngay sau khi ra khỏi rạp.
Bi kịch của một cô gái massage
Mai tiếp tục phát huy thế mạnh của Trấn Thành trong việc xây dựng nhân vật sát với đời thực. Có thể nói Mai là một cô gái "ở đáy xã hội", độ tuổi 37 quá lứa lỡ thì nhưng vẻ ngoài xinh đẹp lại khiến những bà hàng xóm xung quanh đố kỵ, ganh ghét. Cô còn có quá khứ đau thương khiến bản thân tự ti mà còn làm công việc nhạy cảm là massage trị liệu.
Trong mắt người đời, Mai bị xem là "làm gái", chuyên "dụ dỗ" đàn ông. Trong mắt đồng nghiệp, cô chắc chắn có chiêu trò gì đó để hút hết khách. Ngay cả khi về nhà, Mai cũng chẳng thể an lòng vì người cha cờ bạc, cứ vài ngày lại báo nợ vài chục triệu nhưng lại ưa nói đạo lý, đưa con gái vào thế mọi chuyện đã rồi.
Cuộc đời nhân vật là một chuỗi bi kịch, đi đến đâu cũng bị soi mói, chửi bới, ghét bỏ. Để rồi cô tự chui vào một cái vỏ ốc xù xì, bên ngoài đầy gai nhọn để tự bảo vệ bản thân khỏi tổn thương. Nhưng khi Dương xuất hiện, Mai mới có thể được thể hiện sự mềm yếu như bao phụ nữ khác. Hóa ra, cô gái 37 tuổi nhìn có vẻ mạnh mẽ, không cần ai che chở nhưng lại có lúc òa khóc vì "muốn được yêu".
Song, đây chỉ là khởi đầu cho một loạt những bất hạnh khác. Trấn Thành khéo léo khiến người xem thương Mai, đồng cảm với Mai và thầm mong cho cô được cái kết đẹp sau mọi biến cố. Những nút thắt bất ngờ được lồng ghép hợp lý để mỗi khi chúng ta tạm an lòng vì Mai bắt đầu hạnh phúc thì nỗi đau mới lại ập đến. Không ít người sẽ rơi nước mắt vì thương cho số phận của một cô gái đã có quá nhiều vết sẹo và chỉ muốn được thương yêu nhưng lại bị cuộc đời dập tơi tả đến thế.
Bên cạnh câu chuyện của Mai, mâu thuẫn giữa Dương và mẹ cũng được xây dựng rất tốt. Giống như Nhà Bà Nữ, họ đều là nạn nhân của một gia đình không trọn vẹn để rồi người mẹ thì bảo bọc con quá mức còn đứa con thì chẳng thể thoát khỏi cái bóng quá lớn. Cái hay của Mai chính là những mâu thuẫn không có người đúng, cũng chẳng có kẻ sai. Tất cả chỉ là do số phận của họ quá nghiệt ngã mà thôi.
Tiếc là Trấn Thành vẫn còn hơi tham lam tiểu tiết và muốn lấy nước mắt người xem càng nhiều càng tốt. Do đó mà càng về cuối, Mai càng lê thê và lan man bởi các tình tiết thừa thãi. Nhiều cảnh phim có thể cắt gọt hoặc lược bỏ để cô đọng cảm xúc hơn nhưng lại bị kéo dài không cần thiết. Phần đầu phim vẫn còn khá ồn ào, làm người xem liên tưởng đến Nhà Bà Nữ. Một vài cảnh cao trào vẫn còn bất hợp lý khi cố ép nhân vật phải trải qua bi kịch bằng cách gây tổn thương cho tất cả.
Diễn xuất bùng nổ của Phương Anh Đào
Phương Anh Đào thuộc thế hệ nữ diễn viên trẻ quen mặt của điện ảnh Việt. Song, cô lại chưa có vai diễn nào thực sự bứt phá, hay thậm chí còn còn các bạn diễn nam như Thái Hòa, Quang Tuấn lấn lướt. Mai đã giúp Phương Anh Đào thể hiện bản thân qua một vai diễn có nhiều chiều sâu và sự chuyển biến tâm lý rõ rệt.
Đầu phim, Mai là một phụ nữ từng trải, đã chai sạn với những lời gạ gẫm, đường mật của đàn ông. Cô có thể thảo mai, thân thiện với nhiều người nhưng vẫn có bức tường vô hình chặn lại mọi cảm xúc thật. Kể từ khi yêu Dương, bức tường ấy như vỡ vụn, Mai lại như một cô gái mới lớn, biết nũng nịu, biết giận hờn vu vơ. Nhưng vì tự ti, cô gái vẫn luôn cam chịu, trước mọi bi kịch ập đến hay mọi lời thóa mạ mọi người. Để rồi cuối phim, Mai lại có một "ngã rẽ" tính cách khác với sự bùng nổ mạnh mẽ, cởi bỏ hết lớp vỏ nhẫn nhịn để chống lại những kẻ đối xử tệ với mình. Ngoại trừ phần đài từ còn khó nghe, diễn xuất của ngôi sao sinh năm 1992 đã thể hiện xuất sắc sự chuyển biến tâm lý rõ rệt qua ba giai đoạn hay những bi thương trong lòng Mai.
Giống Phương Anh Đào, Tuấn Trần cũng có một vai diễn có thể nói là tốt nhất trong sự nghiệp từ trước đến nay. Sự thay đổi trong tính cách của Dương được thể hiện rõ nét. Từ một kẻ chỉ biết chơi bời, ăn bám mẹ, sống bất cần thì anh đã biết có trách nhiệm, tự kiếm tiền bằng đôi tay của mình. Tình yêu khiến Dương thay đổi hoàn toàn, trưởng thành hơn, chín chắn hơn để có thể bảo bọc cho Mai.
Một cái tên khác cũng gây ấn tượng không kém trong dàn diễn viên là Hồng Đào. Nhân vật bị đặt vào tình huống tréo ngoe khi phải lựa chọn giữa tình và nghĩa. Cảnh quay trong nhà thờ vô cùng đắt giá khi những câu nói của bà Đào vừa nhẹ nhàng, vừa cảm xúc như khuyên bảo nhưng hóa ra lại ẩn chứa sự tàn nhẫn đến phũ phàng. Dàn diễn viên phụ gồm Kiều Oanh, Thanh Hằng, Kiều Linh hay đặc biệt là Ngọc Nga đều có những tính cách riêng, tạo ra một bức tranh đa dạng nhưng thân thuộc về một khu phố lao động với đủ loại người.
Chấm điểm: 3.5/5
Mai là một bộ phim mang đậm phong cách của Trấn Thành, từ cách thể hiện những mâu thuẫn, số phận nhân vật hay đẩy kịch tính lên đến đỉnh điểm. Câu chuyện về những người dân lao động với các mảnh đời gần gũi, sự rạn nứt trong mối quan hệ gia đình thường thấy dễ dàng tạo được sự đồng cảm với số đông khán giả. Song, nếu khắc phục được sự tham lam trong khâu kịch bản, phim hoàn toàn có thể xuất sắc hơn nữa.