Trẻ, đẹp nhưng yếu nghề là thực trạng của thế hệ diễn viên trẻ thời nay. Điều này được thể hiện rõ qua nhiều chương trình, game show, vở diễn nhạt nhẽo.

Bùng phát lò luyện “ăn xổi”

Đáp ứng nhu cầu học nghề có thật của một lớp diễn viên trẻ, các sân khấu: Kịch IDECAF, Kịch Hồng Vân, Đại Cồ Việt hay những lớp kịch của các nghệ sĩ (NS) Cát Phượng, Hữu Nghĩa, Trịnh Kim Chi, đạo diễn Vũ Minh, đạo diễn Chánh Trực… trở thành lò đào tạo gây nhiều chú ý. Không chỉ học diễn, lớp diễn viên trẻ được “lò đào tạo” huấn luyện cả công việc viết kịch bản, dàn dựng. Đào tạo diễn viên trẻ tài năng thực sự còn là tâm huyết của NSƯT Hữu Châu, đạo diễn Đức Hải, các NS Minh Nhí, Minh Hoàng, Hữu Nghĩa, Cát Phượng, NSƯT Trịnh Kim Chi, đạo diễn Vũ Minh… Khán giả đã chứng kiến không ít gương mặt trẻ gặt hái thành công trên sân khấu kịch như Đinh Mạnh Phúc, Xuân Nghị, Tuấn Dũng, Duy Anh (Kịch Phú Nhuận), Bảo Lâm, Bửu Đa (Kịch IDECAF)... NSND Hồng Vân nhận định: “Kiến thức nền rất quan trọng. Các em có nhu cầu thì chúng tôi đào tạo để trang bị cho các em đủ kỹ năng tham gia những game show. Còn nếu muốn theo nghề lâu dài, các em phải vào trường để học”.

14-chot-1490021739956.jpg
Các diễn viên trẻ trong chương trình báo cáo tốt nghiệp của lò đào tạo Sân khấu IDECAF

Hiện trạng của nhiều lò kịch đã khác trước. Học viên phần lớn là những người thi rớt các khóa tuyển sinh của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM. Mục tiêu của họ là thành “sao” thay vì học nghề. Đáp ứng nhu cầu cấp thiết của học viên, nhiều “lò” cũng sử dụng thủ pháp truyền đạt kinh nghiệm cấp kỳ. Theo đó, “lò” dạy cho học viên thủ pháp gây cười, còn nền tảng để hóa thân nhân vật thì “hỏng giò”. Nền tảng không vững nên ngay cả quán quân, á quân của các game show như: “Cười xuyên Việt”, “Thách thức danh hài”, “Học viện danh hài”… đều không thể nhập vai khi có cơ hội diễn kịch dài. Hiện có hơn 150 diễn viên đã học từ các “lò”. Sân khấu tấu hài đã “chết”, kịch cà phê cũng chịu cảnh “tối đèn” nên những người này vẫn thất nghiệp vì không đủ tài. Cơ hội còn lại của họ là trông chờ vào các game show và truyền hình thực tế.

Hiện nay, nhiều ngôi sao không còn mặn mà với việc đào tạo khi quá bận bịu với công việc làm giám khảo các game show hoặc quay phim truyền hình. Các lò kịch bắt đầu rơi vào cảnh chợ chiều. Vài “lò” vẫn hoạt động cầm chừng nhưng hời hợt kiểu “giữ chân” để quảng bá thương hiệu. Không đào luyện nguồn nhân lực thật sự, học viên đa số chưa học hết cấp 3 nên việc kỳ vọng vào một thế hệ tài năng là điều mộng tưởng. “Nền tảng văn học yếu, cảm thụ và diễn đạt những cảm xúc cho đúng yêu cầu của kịch bản văn học, đi vào số phận, cấu trúc một tác phẩm, gần như họ không thể hiện nổi” - NSND Đoàn Dũng nhận xét. Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc không ngại nói thẳng: “Học từ 3 đến 6 tháng rồi trở thành diễn viên, một việc làm “ăn xổi” không hơn”.

Cần có tâm với đào tạo

Rõ ràng, phương pháp đào tạo của các “lò” cực kỳ hạn chế. Minh chứng là việc cố nhồi nhét thủ pháp gây cười hời hợt chỉ để đi thi game show trên truyền hình. Khóa học cũng không mấy tốn kém, trung bình từ 5-8 triệu đồng và cực dễ ở khâu đầu vào. Vì thế, khán giả cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn ở tài năng của những người này. Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi đã bước vào khóa đào tạo thứ 7, thu hút đông đảo bạn trẻ muốn được làm nghề. “Hiện nay, sàn diễn gặp nhiều khó khăn. Việc đào tạo chỉ nhắm đến các cuộc thi” - NSƯT Trịnh Kim Chi nói.

Dù vậy, phải thừa nhận đã đến lúc những người làm nghề cần có tâm hơn với chính công việc của mình. Thực tế, “lò” đào tạo diễn viên kịch của các sân khấu xã hội hóa từng được đánh giá là ưu việt khi cung cấp ngay nguồn nhân lực cho sàn diễn. Học không bao giờ là đủ nhưng với cách thức học vài tháng để làm nghề như hiện tại, chất lượng “lò” đào tạo đi xuống là điều dễ hiểu. Phương cách đào tạo tại các trường chính quy cũng rất “lạc hậu” về mặt giáo trình. Sinh viên khoa diễn viên, đạo diễn cũng chịu cảnh thất nghiệp.

NSND Đoàn Dũng nói: “Các trường chính quy hiện nay bị hạn chế tuyển sinh là do không chú trọng đến tố chất diễn viên của sinh viên nên khi ra trường, các em không được tuyển chọn”. Từng có kinh nghiệm giảng dạy tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, NSƯT Thành Hội và NSƯT Hữu Châu cho biết từng không ít lần khuyên nhiều học viên đổi nghề vì thiếu tố chất.

PGS-TS Trần Yến Chi, Trưởng Khoa Diễn viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, đề xuất: “Cần có sự kết hợp giữa các “lò” với trường chính quy. Hai năm qua, tôi đã chủ trương mời các NS, đạo diễn từ các “lò” về giảng dạy, cụ thể như: NSND Trần Ngọc Giàu, Đào Bá Sơn, NSƯT Đàm Loan, Hữu Châu, Minh Hạnh, đạo diễn Vũ Minh... Kết quả là chúng tôi có quyền kỳ vọng vào sự phát triển của một số gương mặt mới như Nguyễn Anh Tú, Phúc Zelo, Huỳnh Quý, Hồng Trang, Diệu Nhi, Lâm Vỹ Dạ, Lê Mạnh Phương...”.

Cần tháo bỏ rào cản

Sự kết hợp của các “lò” và trường chính quy hiện nay mới chỉ là thể nghiệm và chưa thể dài hơi được. Những quy định về bằng cấp khiến việc tận dụng tài năng của NS ở “lò” đến trường dạy gặp nhiều khó khăn. Trong lần làm việc với Ban Giám hiệu Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã nhấn mạnh việc tháo bỏ những rào cản để quy chế mời giáo viên giỏi về trường giảng dạy không thể cứ dựa vào bằng cấp, học hàm, học vị, phải có cơ chế đặc thù để truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022