Trong khuôn khổ chuỗi chương trình Tài danh đất Việt, live show vinh danh ông hoàng tuồng cổ Minh Cảnh đã diễn ra tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) đêm 15/7 vừa qua, với không khí thấm đẫm cái tình của khán giả và nghệ sĩ.

1. Sau hơn 18 năm định cư ở nước ngoài, đây là lần đầu tiên ông có một live show cho riêng mình tại Việt Nam. Vì thế nó có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với ông lẫn người hâm mộ, mà minh chứng là số lượng khán giả gần như đông kín cả Nhà hát Bến Thành với hơn 1.000 ghế.

Được biết không ít người đến xem live show từ các tỉnh thành khác, thậm chí ở miền Trung xa xôi, để rồi ngay sau đêm diễn kết thúc phải bắt xe khuya để về nhà. Vất vả là vậy nhưng không khó để bắt gặp sự háo hức, mong đợi và vui mừng vỡ òa trong mắt khán giả khi được gặp lại "cố nhân".

Từ trái qua: NS Minh Cảnh vai Lưu Bình, NSND Thanh Tuấn vai Dương Lễ, NS Ngọc Huyền vai Châu Long trong hoạt cảnh “Lưu Bình Dương Lễ”. ẢNH: H.K

Người ta đến rạp để nhìn thấy thần tượng của mình, để ôn lại những hoài niệm. Tiếng hát của người nghệ sĩ ấy đã đồng hành cùng họ suốt một khoảng thời gian dài từ thơ ấu đến giai đoạn trưởng thành. Hoặc đối với một số người khác, từng câu chuyện, từng tuồng tích được thể hiện bằng lời ca mượt mà của Minh Cảnh chính là những khoảnh khắc thư giãn và mơ mộng hiếm hoi giữa năm tháng bộn bề của cuộc sống mưu sinh.

Và ngược lại, tình yêu thương của khán giả dành cho người nghệ sĩ cũng là chất dinh dưỡng làm nên danh ca Minh Cảnh, thôi thúc ông ở cái tuổi 86 xưa nay hiếm này vẫn ngồi máy bay suốt 20 tiếng về nước để cháy hết mình trên sân khấu.

 Người viết xin mượn mấy câu trong bài thơ Ông đồ: "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?" để nói về những gì diễn ra tại nhà hát Bến Thành đêm 15/7. Hồn ấy ở đây, ngay trong đêm diễn, trong cuộc hội ngộ này, để nhắc nhở rằng người Việt dù ở đâu, ở độ tuổi nào thì vẫn nhớ cái hồn dân tộc trong lời ca tiếng hát, trong nghệ thuật rất riêng không hề lẫn lộn với một ai khác.

vo-dong-so-1689638284911173726909.jpg

NS Minh Cảnh (trái) và NSƯT Kim Tử Long cùng hát chung bài vọng cổ “Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà”. ẢNH: H.K

2. Nhắc tới Minh Cảnh, trong lòng người hâm mộ nhớ ngay đến làn hơi dài khi vào vọng cổ, trong trẻo và cao vút tạo ảnh hưởng cho nhiều lớp nghệ sĩ sau này. Bây giờ chất giọng ấy vẫn còn hay lắm, đủ sức chinh phục khán giả. Bởi thời gian tuy có bào mòn đi sức khỏe, nhưng nó lại làm trái tim người nghệ sĩ thêm dày tình cảm và những chiêm nghiệm về cuộc sống.

Để rồi khi giai điệu của bài Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà cất lên, cảm xúc trong lòng người nghe vẫn đong đầy và đâu đó còn có thêm một góc nhìn khác. Giọng hát đã nhuốm màu thời gian và tuổi tác của Minh Cảnh, thêm một chút trầm đục khàn khàn, dường như là lời kể của người lính già đã nhìn quen những sinh ly tử biệt chốn sa trường, bi thương mà bình thản.

Tiếp sức cho giọng ca của Minh Cảnh là NSƯT Kim Tử Long. Anh luôn sóng vai cùng ông, để ý dìu dắt từng bước đi cho đến những cái xoay người. Chất giọng khỏe, rền vang của Kim Tử Long được tiết chế vừa phải để không lấn lướt người tiền bối. Vừa hay đó lại là sự bổ sung thú vị, khiến bài hát ở một số đoạn lại như cuộc tâm sự giữa 2 thế hệ người lính trận cùng chia sẻ vui buồn.

Hoạt cảnh Lưu Bình - Dương Lễ cũng là một tác phẩm kinh điển được tái hiện trên sân khấu lần này. NSND Thanh Tuấn và Ngọc Huyền hợp cùng danh ca Minh Cảnh khiến người xem sống lại những hoài niệm về một thời thơ ấu. Đó có thể là mái nhà tranh nơi làng quê xa xôi hay ngôi nhà nhỏ chốn đô thành, nơi ta nằm lắng nghe tiếng vọng cổ văng vẳng phát ra từ một chiếc radio nào đó.

bao-cong-16896382849242008175370.jpg

NS Minh Cảnh (giữa) vai Bao Công trong vở “Bao Công tra án Quách Hòe”

Điểm son lớn nhất của chương trình là vở diễn Bao Công tra án Quách Hòe. Đây là vở diễn nổi tiếng thuộc hàng kinh điển mà Minh Cảnh từng làm say lòng khán giả nhiều thế hệ nhưng chỉ mới được thu audio. Để đưa lên sân khấu, ê-kíp thực hiện phải sáng tạo thêm nhiều chi tiết để thỏa mãn phần hành động và hình ảnh. Một điều đáng khen khi tác phẩm được thể hiện sống động, hấp dẫn hơn nhưng vẫn giữ nguyên bản chất cải lương, không nhầm lẫn với Hồ Quảng, sử dụng các điệu lý hợp lý nên không làm mất đi đặc sắc của phiên bản gốc.

Đạo diễn Chí Linh cũng tinh tế sắp xếp nhiều cảnh cho Minh Cảnh ngồi thay vì phải đứng vì sức khỏe đã yếu. Khán giả nhận ra nhưng không hề phật lòng, miễn ông còn sức biểu diễn là mừng lắm rồi, đó cũng là cái hay trong tình cảm của người Việt Nam. Tuy vậy, Minh Cảnh vẫn có những đoạn diễn hết mình khi đứng phắt dậy hoặc quỳ gối khiến cả người xem lẫn bạn diễn hết hồn.

Thế mới thấy tình yêu sân khấu của Minh Cảnh vẫn còn cháy bỏng, khi ông sẵn sàng mạo hiểm cho vai diễn. Nhìn thấy ông đứng chung sân khấu với lực lượng bạn diễn hùng hậu như NSND Minh Vương, NSƯT Kim Tử Long, Thanh Hằng, Bích Hạnh, Phượng Loan, Thy Trang, Nhã Thy, Trọng Phúc, Linh Tâm, Võ Minh Lâm, Tấn Beo, Bảo Trí, Chí Linh, Vân Hà, ca sĩ Quốc Đại…khán giả có thể thỏa mãn và yên tâm về thế hệ kế thừa hội tụ cả tài năng và cái tình dành cho nhau.

Minh Cảnh là một tên tuổi lớn trong lòng khán giả suốt mấy chục năm nay, được hâm mộ bởi giọng ca tuyệt đẹp trong thế hệ vàng của cải lương. Ông nổi danh cùng những Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Ngọc Giàu…

Phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống trước tác động của cơ chế thị trường

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022