Từ ngày 25/10 đến 15/11 tại Cần Thơ, giới mộ điệu được đắm chìm trong các làn điệu cải lương mượt mà, da diết, khi Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 diễn ra tại đây.

Theo Ban tổ chức và nhiều người trong giới sân khấu, đây là kỳ liên hoan có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Vui trước đã

Có một thực tế thú vị là dù ở giai đoạn đỉnh cao hoặc khủng hoảng trầm trọng, thì các liên hoan cải lương luôn có sự hưởng ứng nồng nhiệt nhất trong hệ thống các hội diễn sân khấu. Tính riêng trong năm 2024, nếu Liên hoan Kịch nói toàn quốc diễn ra tại Thái Nguyên vào tháng 6 vừa qua quy tụ gần 1.000 diễn viên, với 23 vở diễn từ 19 đơn vị kịch nói, thì Liên hoan Cải lương toàn quốc lần này có đến 29 đơn vị dự thi 33 vở diễn, với hơn 1.200 nghệ sĩ biểu diễn. Các con số đều vượt trội, dù đời sống sân khấu kịch hiện nay nhộn nhịp hơn cải lương rất nhiều.

Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ) khai màn Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 với vở “Chất ngọc - Cầm Thi giang” về soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền - thầy của những nghệ sĩ thời kỳ đầu như Phùng Há, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Năm Nhỏ…

So với kỳ liên hoan trước đó tổ chức tại Long An vào năm 2022 thì số lượng đơn vị dự thi, vở diễn và nhân lực tham gia đều tăng cao. Chính người trong nghề cũng không lý giải được nguyên nhân, chỉ cảm nhận rằng sức sống của nghệ thuật cải lương vẫn rất bền bỉ trong đời sống hôm nay, lửa nghề của người nghệ sĩ vẫn âm ỉ cháy và có dịp lại bùng nổ.

Thật vậy, vào tối 25/10, những tràng pháo tay đã vang dội tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ chào đón các đoàn đến hội nghề, cũng như chúc mừng đơn vị chủ nhà là Nhà hát Tây Đô khai màn hội diễn với vở cải lương Chất ngọc - Cầm Thi giang (kịch bản - đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt). Chưa bàn đến chuyện hay dở, việc khai màn liên hoan bằng vở diễn về một danh nhân văn hóa đất Cần Thơ và là người góp công lớn xây đắp nền tảng cho sân khấu cải lương buổi ban đầu - soạn giả cải lương tiên phong Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền - là điều không thể hợp lý hơn.

nguoi-mang-an-tu-1730071519302850774756.jpg

Vở “Người mang 9 án tử” về Tả quân Lê Văn Duyệt (Công ty We) tạo cơ hội bứt phá cho diễn viên trẻ Hoàng Hải

Đáng mừng nữa là vở diễn được dàn dựng từ kịch bản hoàn toàn mới, được viết và hoàn thiện ngay trong năm 2024. Nếu các mùa hội diễn trước, ấn tượng về sự cũ kỹ khá đậm nét với quá nhiều kịch bản hàng chục năm tuổi đời, hoặc thủ pháp đạo diễn như từ thế kỷ trước, thì liên hoan này đã khác khi có nhiều vở diễn mới, dấu ấn dàn dựng mới.

Không chỉ các đơn vị công lập như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn nghệ thuật cải lương Long An, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, Nhà hát Tây Đô… đầu tư làm vở mới, mà các sân khấu xã hội hóa - vốn luôn cân nhắc từng khoản chi phí - cũng mạnh dạn mang đến các sản phẩm mới với số đầu tư không hề nhỏ. Có thể kể đến Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà (Sân khấu Sen Việt), Anh hùng đất phương Nam (Sân khấu Vũ Luân), Lưu vong - Khí tiết một trung thần (Công ty Hồng Lạc Xuân), Hào kiệt Lam Sơn (Sân khấu Thiên Long)…

tay-son-17300715192451281621837.jpg

Vở “Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà” của Sân khấu Sen Việt tạo nhiều đất diễn cho các diễn viên trẻ tiềm năng

Ngay cả những kịch bản không mới thì các đơn vị cũng đầu tư nghiêm túc để có bản dựng mới, có nhiều cái để xem, như Người ven đô (Sân khấu Đại Việt), Truyền tích Cổ Loa xưa (Công ty Bảo Sơn), Chân mệnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long)…

Cùng với đó là một lực lượng làm nghề đang ngày một "trẻ hóa" cũng đổ về Tây Đô dự hội. Năm nay, bên cạnh những nghệ sĩ vẫn "giữ vững phong độ" như Mỹ Hằng, Lê Tứ, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, Ngọc Đợi, Minh Trường, Hồng Thủy, Thanh Toàn… thì những Hoàng Hải, Văn Hợp, Lệ Trinh, Lê Duy, Hoài Thanh, Trọng Hiếu, Kim Luận, Hùng Vương, Kim Thùy, Kim Tiến, Thanh Khang, Trọng Nhân, Bảo Ngọc… cũng ngày một tự tin, mong muốn tạo dấu ấn với nghề.

Vẫn còn lo

Nhìn vào bức tranh tổng quan của liên hoan có thể thấy rõ nhiều mảng màu sáng. Nhưng không vì thế mà mảng tối mất đi. Nhiều người trong nghề thẳng thắn nhìn nhận, có một bộ phận không ít đến liên hoan để cố lấy thành tích cá nhân hơn là đóng góp thực sự cho nghề. Ở góc độ nào đó, vài mùa hội diễn gần đây đã hình thành tâm lý "cố đấm ăn xôi" ở một số cá nhân khi tự bỏ tiền dựng vở đi thi, dù năng lực chưa thể đáp ứng được tiêu chí một cuộc thi chuyên nghiệp.

khuc-trang-ca-1730071519286270337455.jpg

“Khúc tráng ca thành Gia Định” là vở cải lương lịch sử hiếm hoi được Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đầu tư lớn những năm gần đây

Bên cạnh đó, việc thực hiện máy móc chủ trương về "đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" bằng cách sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vào các trung tâm văn hóa tại địa phương đã đánh mất nhiều "thương hiệu" nghệ thuật. Một số đoàn cải lương ở phía Bắc và cả khu vực miền Tây đã không còn, việc sáp nhập với các đoàn nghệ thuật khác hoặc gom về trung tâm văn hóa đã dẫn đến tình trạng "dở khóc dở cười" là diễn viên phong trào bị bắt đi thi chuyên nghiệp, còn nghệ sĩ chuyên nghiệp lại xuất hiện ở các cuộc thi phong trào.

Đặc biệt, một đơn vị mạnh và giàu truyền thống như Nhà hát Cải lương Việt Nam lần đầu vắng bóng là điều thực sự đáng tiếc.

Tuy nhiên, trước mắt, tín hiệu tích cực vẫn nhiều hơn, nên trong mùa hội diễn cứ vui trước đã, còn việc "giành lại thị trường", làm sàn diễn cải lương thực sự "sống lại" thì chờ hậu liên hoan sẽ rõ!

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024: Bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022