Trong danh sách "Best of 2022" về những kỷ lục đấu giá ấn tượng năm qua do Thevalue tổng kết, Le Violon d'Ingres đứng đầu ở mục đấu giá ảnh. Con số được ấn định chỉ trong vòng 10 phút tại phiên của Christie's New York hồi tháng 5, gấp đôi mức dự đoán.

Le Violon d'Ingres do Man Ray thực hiện năm 1924, ghi lại tấm lưng trần của một phụ nữ, mô phỏng hình cây vĩ cầm với hình chữ f cách điệu. Ảnh kích thước 48,5x37,5 cm, chất liệu giấyảnh bạc gelatin, ký "Man Ray 1924" ở phía dưới bên phải, đóng dấu mực đỏ "Original" ở mặt sau.

Le-Violon-d-Ingres-jpeg-1188-1672576973.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8K0s8hxYI8MPkVsOQIKTdA

Bức "Le Violon d'Ingres". Ảnh: CNN

Nghệ sĩ kết hợp nhiều kỹ thuật để hoàn thành tác phẩm: Rayograph (ảnh chụp không sử dụng máy ảnh mà đặt các vật thể lên một loại giấy nhạy sáng và phơi dưới ánh sáng để ghi lại hình ảnh của chúng), vẽ tay, phơi sáng nhiều lần và chụp lại các bản in... Sau đó, Ray vẽ thêm các chữ f của nhạc cụ dây (như violin hoặc cello) trên bản in rồi phơi sáng để tạo ra bức ảnh cuối cùng.

Trong phần giới thiệu của nhà đấu giá, nhân vật trong ảnh là nàng thơ, người tình của Man Ray - Alice Prin, biệt danh là Kiki của Montparnasse. Trong cuốn tự truyện, nghệ sĩ cho biết lần đầu Alice Prin cởi đồ, phô bày vóc dáng tại studio, ông nghĩ đến bức tranh nổi tiếng Baigneuse de Valpinçon của họa sĩ tân cổ điển người Pháp Jean-Auguste-Dominique Ingres. Kiki ngồi làm mẫu ảnh trong tư thế tương tự nhân vật trong tranh. "Kiki cởi quần áo sau tấm bình phong và bước ra, đưa tay ra trước ngực, giống hệt bức tranh của Ingres. Thân hình của cô ấy truyền cảm hứng cho bất kỳ họa sĩ nào", ông viết trong tự truyện.

Theo TheValue, tiêu đề của tác phẩm cũng là một cách chơi chữ. Cụm từ "Violon d'Ingres" nghĩa đen là "Cây vĩ cầm của Ingres", chỉ niềm đam mê với vĩ cầm của họa sĩ Jean-Auguste-Dominique Ingres. Tuy nhiên, xuất phát từ một thành ngữ Pháp, cụm từ đó có nghĩa là "sở thích", ngụ ý bày tỏ niềm yêu thích của Ray với người tình Alice Prin.

Ray sau đó tạo ra một số bản sao cho bức ảnh, hiện nằm trong bộ sưu tập của Trung tâm Pompidou ở Paris, Bảo tàng J. Paul Getty ở Los Angeles... Bản gốc được vợ chồng doanh nhân Melvin Jacobs mua từ nghệ sĩ vào năm 1962. Khi hai vợ chồng lần lượt qua đời năm 1993 và 2019, con gái của họ đã bán một phần bộ sưu tập nghệ thuật được thừa kế cho Christie's.

Darius Himes - trưởng phòng ảnh quốc tế của Christie's - gọi bức ảnh là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ 20. "Bức ảnh này là kết quả của một quá trình xử lý thủ công trong phòng tối độc nhất vô nhị. Tác động của bức ảnh cũng như tính lãng mạn, bí ẩn của nó đã thu hút tâm trí của mọi người trong gần 100 năm qua", ông nói.

Trước đó, kỷ lục đấu giá ảnh là bức Rhein II của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky với giá 4,3 triệu USD (101 tỷ đồng) tại Christie's New York vào năm 2011.

man-ray-le-violon-dingres-1-9737-1672393931.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TUWrQsweMLwEdQqsFimxBA

Man Ray (phải) và Salvador Dali. Ảnh: TheValue

Man Ray (1890-1976) tên thật là Emmanuel Radnitzky, là nghệ sĩ người Mỹ nhưng dành phần lớn thời gian sự nghiệp ở Paris, Pháp. Ông là thành viên chính của phong trào Dada và Chủ nghĩa siêu thực. Tài năng nghệ thuật bộc lộ khi ông còn trẻ. Ông tìm tòi các tài liệu và thường xuyên đến các bảo tàng để nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông từ chối học bổng ngành kiến trúc để theo đuổi hội họa. Ban đầu, các tác phẩm của Ray chủ yếu lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lập thể và biểu hiện.

Ông sau đó thử nghiệm với nhiếp ảnh, phát minh ra kỹ thuật Rayographs. Năm 1999, ông được tạp chí Artnews bình chọn là một trong 25 nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022