Trong cái nhìn có tính tương quan với các hạng mục của giải Cống hiến 2023, chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ Trâm Nguyễn (ở Mỹ) tiếp tục đề cập đến các khía cạnh có quan hệ trực diện với nhạc số. Đó là các giải thưởng âm nhạc và bảng xếp hạng âm nhạc.

Tại các quốc gia phát triển, các nghệ sĩ chấp nhận sự đánh giá khách quan khi tung video của họ lên nền tảng số, bởi họ biết để đưa họ tới bảng xếp hạng hoặc giải thưởng âm nhạc phải nhờ vào thực lực.

Bảng xếp hạng âm nhạc

Tại Mỹ, mỗi nền tảng online đều có bảng xếp hạng âm nhạc. Các nền tảng nhạc số đã vượt ra khỏi hình thái cung cấp dịch vụ đơn thuần để trở thành nơi tuyên truyền, phổ biến về lối nghe nhạc chính thống, hợp pháp và tuyên dương các sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ hàng năm.

Đa phần thế giới nhìn các nền tảng số và cho rằng bảng xếp hạng âm nhạc của các nền tảng này, ví dụ như YouTube hoặc Spotify là ý kiến chủ quan của doanh nghiệp, bởi về mặt thực tế, YouTube và Spotify là doanh nghiệp, chứ không có vai trò như Hiệp hội Âm nhạc Mỹ, hoặc Hiệp hội Âm nhạc và Điện ảnh châu Âu.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng của YouTube và Spotify phản ánh tương đối chân thực và chính xác thị hiếu của người nghe. Và khi nền tảng có vài trăm triệu người nghe rải khắp nhiều châu lục, sự đánh giá mang nhiều phần khách quan hơn. Spotify có 456 triệu người nghe tích cực hàng tháng, tính đến năm 2023. Trong đó có 195 triệu người đăng ký trả phí. YouTube, nền tảng chia sẻ video tiên phong và là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai, đạt tốc độ tăng trưởng 4,9% vào năm 2021, theo thống kê của SEMrush. Vào năm 2022, số lượng người xem YouTube đạt 210 triệu chỉ riêng ở Hoa Kỳ; tổng số người dùng YouTube hoạt động hàng tháng là 2,6 tỷ và tổng số giờ video được xem hàng ngày trên YouTube là 1 tỷ giờ.

Bảng xếp hạng Top 10 Video ca nhạc Việt Nam nổi bật năm 2022 của YouTube

Việc khuyên ai đó cày vài trăm triệu tới gần tỷ lượt nghe là chuyện khó khăn, nếu không muốn nói bất khả kháng, ngoài ra khi các nền tảng số đánh giá bài hát để đưa lên bảng xếp hạng, họ có đội ngũ để kiểm tra xem số lượng view tới từ các tài khoản khác nhau hay trùng lặp. Cũng chính ở điểm này, họ có thể thấy bài hát thực sự chiếm được yêu thích từ số đông hay không.

Bởi vậy có thể thấy, bảng xếp hạng của các nền tảng âm nhạc số lớn đánh giá được thị hiếu của công chúng, bảng xếp hạng cũng được coi là công cụ vừa tuyên truyền cho các thành tựu của nghệ sĩ năm qua, vừa là công cụ marketing cho việc nghe nhạc trên nền tảng số hợp pháp.

Các bảng xếp hạng âm nhạc chỉ có thể đạt được sự chỉn chu, chính thống, cũng như sự tham gia bầu chọn và trân trọng tác phẩm của nghệ sĩ khi nền tảng nhạc là hợp pháp, nơi người nghe có thể thực hiện việc nghe nhạc và tải nhạc có ý thức, có lương tâm.

Hơn thế nữa, được vinh danh ở các bảng xếp hạng âm nhạc từ các nền tảng âm nhạc số hợp pháp ngày nay được coi là thành công của người nghệ sĩ, bởi số phiếu yêu thích của vài trăm triệu tới hơn một tỷ người là công bằng và đáng tin. Sau khi được vinh danh ở các bảng xếp hạng âm nhạc của các nền tảng nhạc số lớn nhất, người nghệ sĩ, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, thường có sự thăng hoa trong sự nghiệp, bởi ngày nay các công ty thu âm lớn rất ưa thích hợp tác với các ngôi sao được giải thưởng âm nhạc từ các nền tảng số.

Giải thưởng âm nhạc

Trên thế giới, giải thưởng âm nhạc chính thống có nhiều hạng mục, đặc biệt là ở Mỹ.

Trước tiên, bất cứ giải thưởng nào được trao cũng là trao cho chính chủ sáng tạo ra tác phẩm âm nhạc, tức là phải đảm bảo về bản quyền chính chủ và tính sáng tạo. Hai tiêu chí này như một nền tảng sâu dày của các giải thưởng âm nhạc lớn và chính thống như các giải Grammy, BRIT Awards, American Music Awards, International Classical Music Awards, The Country Music Association Awards, The Polar Music Prize…

Việt Nam hiện tại có nhiều giải thưởng về âm nhạc hoặc liên quan đến âm nhạc như: Giải Mai vàng (báo Người Lao động tổ chức từ năm 1995); Sao Mai (do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ năm 1997); Làn sóng xanh (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức từ năm 1997); VTV - Bài hát tôi yêu (do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ năm 2002); Ngôi sao Bạch kim (báo Màn ảnh - Sân khấu tổ chức từ 2003); Sao Mai điểm hẹn (VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ năm 2004); Bài hát Việt (Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ năm 2005 đến năm 2016); Cống hiến (báo Thể thao và Văn hóa - TTXVN tổ chức từ năm 2005); Diva thế hệ mới (báo Điện ảnh - Kịch trường tổ chức từ năm 2005).

cong-hien-2023-16800539436861187837072.jpg

Lễ trao giải Cống hiến 2023

Và còn nữa: Chuông vàng vọng cổ (Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức từ năm 2006); HTV Awards (Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức từ năm 2006); YAN Music Award (Diễn đàn âm nhạc của giới trẻ - Yeuamnhac tổ chức từ năm 2010); Zing Music Awards (Zing MP3 tổ chức từ năm 2010); POPS Awards (do Pops WorldWide tổ chức từ năm 2014); Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Vinaphone Spin Awards (là giải thưởng âm nhạc điện tử dành cho các DJ đầu tiên ở Việt Nam do Vinaphone tổ chức từ năm 2017); Keeng Young Awards (Mạng xã hội âm nhạc Keeng và dịch vụ nhạc chờ Imuzik - Viettel tổ chức từ năm 2017 dành cho nghệ sĩ dưới 30 tuổi từ năm 2017); VLive Awards (VLive tổ chức từ năm 2017...

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ nhận giải thưởng không hẳn đã đảm bảo có sự thăng hoa về mặt sự nghiệp sau đó, vì sao vậy?

Có thể thấy, một số giải thưởng âm nhạc còn ở trạng thái "sân ai người nấy chơi, mỗi sân mỗi luật", bởi dựa trên các tiêu chí đánh giá khác nhau, mang tính chủ quan cho bộ phận sáng tạo giải thưởng tạo ra, người đạt giải thưởng hoặc tác phẩm đạt giải không phản ánh đầy đủ thị hiếu công chúng Việt Nam. Bởi thế nên mới có sự tréo ngoe, có những nghệ sĩ đạt giải nhưng không mấy người biết, nhạc sau đó cũng không nổi trội và lượt view trên nền tảng số vẫn còn thấp.

Một số giải thưởng cũng chưa có sự vươn ra liên kết với cộng đồng, để giúp đỡ các ngôi sao đạt giải được quảng bá sâu rộng hơn. Nếu MTV và Billboard đều có mạng lưới quan hệ với các công ty thu âm một cách gắn bó để có thể giúp đỡ nghệ sĩ đạt giải tiến xa hơn nữa, thì một số giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam chỉ dừng ở mặt giải thưởng, chưa phải là nền tảng để phát triển âm nhạc, chưa phải mạng lưới để hỗ trợ phát triển, càng chưa hẳn là bệ phóng cho các nghệ sĩ.

Mối quan hệ là một thứ quan trọng để giúp nghệ sĩ, nhạc sĩ, người làm nghệ thuật nói chung phát triển, nhưng nếu ở Mỹ và châu Âu, hiệp hội, với một nhóm quản lý là người cầm nắm mạng lưới quan hệ, thì ở Việt Nam, quan hệ mang tính cá nhân, chứ bộ phận giải thưởng âm nhạc hoặc hiệp hội, hoặc công ty tạo ra giải thưởng không cầm nắm mạng lưới quan hệ này. Bởi thế, việc xúc tiến phát triển cho nghệ sĩ sau giải thưởng ra thế giới thực hoặc ở thế giới số đều phải đi cánh cổng cá nhân nhỏ hẹp. Bản thân điều này đã đối nghịch với việc sáng tạo, tổ chức, thực hiện giải thưởng âm nhạc, bởi khâu này buộc phải dựa vào cộng đồng, nếu không, khó có thể có giá trị gì hoặc có sức lan tỏa.

Nghe nhạc có ý thức, có tâm

Thị trường âm nhạc số Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ chỉ trong vòng vài năm và để các nghệ sĩ Việt tiếp tục sáng tạo ra sản phẩm âm nhạc chất lượng và sáng tạo, đồng thời kiếm thu nhập chính thống từ các sản phẩm này, công chúng cần phải làm quen với hình thái nghe nhạc có tâm mới: Hãy nghe nhạc từ các nền tảng số hợp pháp và coi trọng vấn đề bản quyền.

Nghe nhạc có ý thức, có tâm sẽ đặt nền tảng cho nghệ sĩ Việt phát triển, từ đó hiệu ứng domino sẽ tới, đó là nền tảng nhạc số của người Việt cũng sẽ phát triển theo, kéo theo ngành công nghiệp âm nhạc đi lên. Từ đây, các bảng xếp hạng âm nhạc và giải thưởng âm nhạc Việt sẽ phản ánh chân thật văn hóa nghe nhạc Việt cùng thị hiếu công chúng, đồng thời giải thưởng sẽ trở nên giá trị hơn, công bằng hơn, khách quan hơn.

Cánh cổng âm nhạc số mang tới nhiều cơ hội mới cho người Việt Nam, đặc biệt là người trẻ giàu sức sáng tạo. Để cho cánh cổng nhạc số Việt có thể phát triển, để cho kỷ nguyên nhạc số không lụi tàn nhanh chóng, kéo theo bao người mất đi thu nhập và cơ hội phát triển bản thân, thì công chúng Việt: Xin hãy nghe nhạc bằng lương tâm.

Thần tượng Thể thao sánh bước cùng ngôi sao âm nhạc

Tối thứ Năm, 30/3 tới đây, tại Lễ trao Giải thưởng Cống hiến 2023, lần đầu tiên hai lĩnh vực Âm nhạc và Thể thao sẽ được tôn vinh trên cùng một sân khấu với kịch bản hiện đại, đậm chất sáng tạo, hứa hẹn sẽ mang đến một đêm nghệ thuật độc đáo.

Sự kiện diễn ra tại Nhà hát TP.HCM có sự tham gia của các khách mời trao giải: Nhạc sĩ Dương Thụ, NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, Cựu danh thủ Công Vinh, Nghệ sĩ Trần Bảo Sơn, Nghệ sĩ Hứa Vĩ Văn, Hoa hậu Bảo Ngọc, Hoa hậu Mai Phương… Sự kiện Thảm đỏ cũng có sự tham gia đông đảo của dàn sao Việt, các VĐV và những người nổi tiếng.

Kỷ nguyên âm nhạc số - nghe nhạc bằng lương tâm (kỳ 1): Hãy nghe và tải nhạc có ý thức

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022