Kiệt tác của Leonardo da Vinci có tuổi đời hơn 500 năm. Ngoài những bí ẩn xoay quanh quá trình sáng tác, cuộc đời họa sĩ và nhân vật, tác phẩm gây chú ý khi nhiều lần bị phá hoại, tấn công. Hồi tháng 5, một người đàn ông đội tóc giả, ngồi xe lăn tạt kem sữa về phía tác phẩm khi tham quan tại bảo tàng Louvre. Tranh được che chắn bởi kính chống đạn, vì thế không bị ảnh hưởng.
Một lý do khiến Mona Lisa được biết đến trên toàn thế giới là vụ trộm vào năm 1911 do Vincenzo Peruggia - người được thuê lắp kính bảo vệ cho tranh ở bảo tàng - thực hiện. Vincenzo đã trốn trong một chiếc tủ ở bảo tàng suốt đêm, rồi đem bức tranh cất vào trong áo khoác, trốn ra ngoài. Tòa nhà lúc này đã bị khóa. Tuy nhiên, một thợ ống nước đi qua, có chìa khóa mở cửa cho Vincenzo. 24 giờ sau, người ta mới phát hiện bức tranh đã biến mất.
Lần đầu tiên trong lịch sử Louvre, khán giả xếp hàng dài chỉ để vào xem khoảng trống nơi bức tranh bị đánh cắp. Hai năm sau, kiệt tác được tìm thấy ở Italy. Vincenzo phải ngồi tù sáu tháng và tác phẩm được trả lại cho bảo tàng.
Nhân viên lau chùi kính chắn tranh sau khi bị tạt kem hôm 29/5. Video: Diario AS
Năm 1956, kiệt tác bị phá hoại đến hai lần. Đầu tiên, một kẻ hắt acid sulfuric vào tranh khiến phần dưới bị hỏng sơn, phải nhờ các chuyên gia xử lý. Sau đó, người đàn ông Bolivia tên Hugo Unjaga Villegas ném đá vào tác phẩm. Năm 1974, Tomoko Yonezu, 25 tuổi, đã cố gắng phun sơn đỏ vào kiệt tác trong ngày đầu trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Tháng 8/2009, một phụ nữ Nga đã lấy một cốc uống trà trong túi và ném vào bức tranh.
Theo Culture Trip, kiệt tác của họa sĩ Leonardo da Vinci là vô giá. Vào năm 1962, bức họa được mua bảo hiểm với giá 100 triệu USD, đến nay số tiền tương ứng vượt 700 triệu USD.
Tác phẩm "Mona Lisa". Ảnh: Marca
Mona Lisa là bức họa được canh giữ, bảo quản nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Wilfried Gesbert - kỹ sư phụ trách điều tiết các điều kiện môi trường của bảo tàng và chuyên trách theo dõi điều kiện trong khung kính - nói trên Vaisala: "Là một khách tham quan bảo tàng Louvre bình thường, bạn không thể tưởng tượng nổi việc lắp đặt phức tạp như thế nào".
Theo ông, phần kính có khả năng chống đạn và không phản chiếu. Bức họa cũng được chiếu sáng bằng đèn LED đặc biệt để tăng màu sắc và giảm thiểu bức xạ tia cực tím. Hệ thống xử lý hiện đại cho phép không khí lưu thông qua khung, các bức tường xung quanh, duy trì độ ẩm ở mức 50% và nhiệt độ 21 độ C. "Vì bức Mona Lisa là tranh sơn dầu trên tấm gỗ dương, việc duy trì độ ẩm ở mức thích hợp là rất quan trọng. Sự thay đổi về độ ẩm có thể khiến tấm gỗ co lại và nở ra", ông Gesbert nói.
Mỗi năm, Louvre sẽ mở kính kiểm tra các thiết bị giám sát, lắp đặt để đảm bảo tranh được bảo quản tốt. Việc kiểm tra được thực hiện vào những ngày bảo tàng đóng cửa - cho phép tranh vẫn được trưng bày trước công chúng.
Theo CBS News, năm 2005, Louvre phát hiện bức họa có hiện tượng cong vênh trong lần kiểm tra định kỳ gần nhất. Sự việc khiến họ bối rối vì tác phẩm được giữ trong một môi trường kín, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm để bảo vệ khỏi bất kỳ thiệt hại nào có thể xảy ra.
Vincent Pomarede - trưởng bộ phận hội họa của Louvre - nói: "Nhiều khả năng là do các mảnh gỗ được thêm vào ở thế kỷ 17, 18 và một lần vào giữa thế kỷ 20". Trước đó, tác phẩm trải qua nhiều lần sửa chữa theo thời gian như: gắn thanh nẹp làm từ các dải gỗ vào mặt sau để ngăn tình trạng cong vênh, các vết nứt trên bề mặt. Họ sử dụng tia X và công nghệ hồng ngoại để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp trùng tu, bảo quản. "Mona Lisa đã 500 tuổi và nếu chúng tôi bảo quản đúng cách, 'cô ấy' sẽ vẫn ở đó 500 năm nữa kể từ bây giờ", Pomarede nói trên AFP khi đó.
Nhiều trẻ em thưởng lãm tranh tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington vào ngày 14/1/1963. Ảnh: AP
Tác phẩm từng vài lần rời bảo tàng. Theo Artstor, Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa năm 1503 tại Italy. Đến năm 1516, khi được vua Francois I mời sang Pháp làm việc, ông hoàn thành tranh tại đây. Sau khi danh họa qua đời, vua mua lại tác phẩm và trưng bày ở lâu đài Fontainebleau suốt hơn 100 năm, đến khi vua Louis 14 đưa đến cung điện Versailles. Sau cách mạng Pháp, Napoléon mượn bức họa để treo trong phòng ngủ của mình tại cung điện Tuileries trong bốn năm. 1804, Mona Lisa chuyển đến bảo tàng Louvre.
Bức họa lần đầu rời Louvre vào năm 1963. Theo Metmuseum, trong chuyến công du tới Washington năm 1962, Bộ trưởng Văn hóa Pháp khi đó là André Malraux được Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy hỏi mượn Mona Lisa để trưng bày. André Malraux đồng ý nhưng nhiều người ở Pháp phản đối vì cho rằng hành trình vượt Đại Tây Dương có thể làm hỏng tác phẩm.
Kiệt tác sau đó vẫn được đưa đến Mỹ. Tranh được đặt trong một chiếc hộp được chế tạo đặc biệt: có thể kiểm soát nhiệt độ, chống cháy, chống nước và chống đạn, đưa lên tàu viễn dương SS France. Các nhân viên bảo vệ và quan chức bảo tàng hộ tống. Ngày 19/12/1962, tàu cập bến, Nhà Trắng thông báo tác phẩm nhận mức độ bảo vệ của mật vụ thường dành cho tổng thống. Sau đó, bức họa được chuyển lên xe tải có máy lạnh đến Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington. Giao thông dọc tuyến đường được dừng lại, ưu tiên cho đoàn xe.
Tại Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, kiệt tác được đặt trên một tấm vách phủ nhung đỏ, có lính Mỹ canh gác suốt ngày đêm. Sự kiện khai mạc với 2.000 quan chức, trong đó có Tổng thống John F. Kennedy đến dự.
Tranh sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, thu hút hơn 500.000 người xem. Theo The New Yorker, mỗi người chỉ được nhìn thấy kiệt tác trong bốn giây. Ngày 7/3/1963, ba ngày sau khi triển lãm kết thúc, Mona Lisa được đưa lên tàu trở lại Pháp.
Dòng người chờ đợi trước Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan để xem "Mona Lisa" năm 1963. Ảnh: Metmuseum
Lần cuối cùng Mona Lisa được cho mượn là đến Bảo tàng Quốc gia Tokyo và Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin ở Moskva, năm 1974. Hơn 1,5 triệu người đã đến xem tranh ở Tokyo - con số kỷ lục đối với một bảo tàng ở Nhật cho đến nay. Tại đây, tác phẩm được bảo vệ bằng hộp kính ba mặt.
Ngay cả trong khuôn viên Louvre, kiệt tác chỉ di chuyển trong những dịp hiếm hoi phục vụ nhu cầu cải tạo. Theo Art Critique, năm 2019, tranh được chuyển từ Salle des États đến Galerie Médicis - một trong những phòng lớn nhất của bảo tàng - nhằm cải tạo lại không gian trưng bày với lớp sơn và ánh sáng tốt hơn. Giám đốcJean-Luc Martinez nói với AFP rằng hai căn phòng chỉ cách nhau 100 bước chân nhưng vẫn có những rủi ro.
Hiểu Nhân