Tháng 2 vừa qua, cùng một thời điểm, 2 đơn vị xuất bản (vốn có sự kết nối khá chặt chẽ) là Omega Plus và Alpha Books đều đưa ra thông báo về việc chính thức đưa những phiên bản E-book (sách điện tử) của mình lên ứng dụng Google Play Books. Và số lượng các đầu sách tiếng Việt này khá ấn tượng khi gần chạm tới con số 1.000, với nhiều lĩnh vực khác nhau.

1. Sử dụng thông qua cài đặt ứng dụng, Google Play Books là dịch vụ ra đời từ năm 2010 và hiện có mặt ở 75 quốc gia, cho phép người dùng mua (bằng tài khoản trực tuyến), tải và đọc E-book trên trên máy tính và điện thoại. Tất nhiên, vì lý do bản quyền, những E-book này sẽ được mã hóa để độc giả chỉ có thể sử dụng trên thiết bị của mình mà không thể copy hoặc chia sẻ rộng rãi.

Hiện tại ngoài Omega Plus và Alpha Books, khi truy cập vào Google Play Books, người dùng cũng đã có thể tìm thấy một số E-book của NXB Tri Thức, NXB Văn hóa thông tin, 1980 Books, First News… Nhìn chung, đây đều là E-book gắn với những đầu sách đã phát hành của các đơn vị này.

E-book của các đơn vị xuất bản Việt Nam đã xuất hiện trên Google Play Books

Như chia sẻ của Hà Ngân (chuyên viên bản quyền thuộc Omega Plus) Google Play Books là nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về xuất bản, bản quyền và thương mại điện tử. Do vậy, việc các đơn vị xuất bản hợp tác với nền tảng này diễn ra khá thuận lợi. Điều kiện quan trọng nhất mà Google Play Books nằm ở các yêu cầu về bản quyền và quyền kinh doanh E-book.

Thực tế, Google Play Books đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2013. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, lượng E-book tiếng Việt xuất hiện trên nền tảng này - cũng như việc kinh doanh E-book nói chung - vẫn khá hạn chế bởi sự dè dặt của các đơn vị xuất bản, cũng như các đặc thù của thị trường E-book khi đó. Nhưng, mọi thứ đang thay đổi dần theo thời gian.

"Việc đa dạng hóa hình thức tiếp cận tri thức cho độc giả thông qua E-book, audiobook và các dạng thức khác là đường hướng mà Omega Plus đã theo đuổi  từ lâu. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm thực sự phù hợp để thúc đẩy mạnh mẽ việc này" - bà Lê Hoài Phương (giám đốc Omega Plus) cho biết.

Theo nhận định của chuyên gia này, sự phát triển của nền tảng công nghệ hiện đã ở mức độ tốt hơn trước rất nhiều, cả về sự đa dạng lẫn sự hoàn thiện về kỹ thuật trong việc kinh doanh E-book. Điều đó dẫn tới việc các đơn vị xuất bản có nhiều lựa chọn, thậm chí có thể thông qua hợp tác để chủ động phân phối E-book và tương tác với độc giả, từ đó nắm được người đọc muốn gì, cần gì, thường có cách thức tiếp cận E-book ra sao.

Ở một góc độ khác, đây cũng là thời điểm việc kinh doanh E-book đang có sự thuận lợi xét về thói quen của độc giả, bao gồm thói quen sử dụng công nghệ, thói quen tiếp nhận tri thức ở các dạng thức khác ngoài sách giấy, và cả các thói quen liên quan đến thanh toán trong thương mại điện tử.

Tương tự, theo ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books và Omega Plus, nhu cầu đọc E-book từ độc giả hiện cũng đã tăng mạnh trong những năm vừa qua. "Khi phát hành sách mới, nhiều độc giả ở nước ngoài - hoặc muốn có bản mềm để tiện sử dụng - thường hỏi chúng tôi về việc mua E-book" - ông Bình nói - "Một số khác thì cảnh báo về các trang ebook lậu và hỏi chúng tôi trang phát hành ebook chính thức đâu mà để sách lậu tràn lan thế này…".

2. Không khó nhìn ra những thuận lợi mà độc giả có thể thụ hưởng khi các đơn vị xuất bản đẩy mạnh kinh doanh E-book. Ở đó, với mức giá cơ bản là rẻ hơn sách giấy, họ có thể chọn các cuốn sách điện tử nếu muốn thuận tiện tra cứu, mang theo để đọc mọi lúc mọi nơi.

Xa hơn, với các độc giả ở nước ngoài, việc tiếp cận với E-book cũng được rút ngắn đáng kể so với thời gian chờ mua và vận chuyển sách giấy - khi mà các đơn vị như Alpha Books hay Omega Plus đều khẳng định sẽ đẩy nhanh tốc độ cập nhật và bổ sung E-book khi có sách mới phát hành.

ebook-2-1744670816803808812082.jpg

Một thông báo của Alpha Books về việc đưa sách điện tử lên Google Play Books

Còn hướng ngược lại, như chia sẻ của bà Lê Hoài Phương, mong muốn của phía xuất bản không chỉ dừng ở việc tận dụng sự phát triển của công nghệ để  thể đưa tri thức đến với độc giả theo cách nhanh nhất, thuận tiện và rẻ nhất. Xa hơn, đó còn là những hy vọng trong tương lai về việc giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa bản địa của Việt Nam ra thế giới - khi trong các đầu sách của Omega Plus có khá nhiều cuốn thuộc dạng này.

"Chúng tôi cũng có những khát vọng trong việc cùng các tác giả và ngành xuất bản Việt Nam đóng góp một phần vào tri thức chung của nhân loại" - bà Phương cho biết - "Việc tìm kiếm và sử dụng các công cụ phù hợp, tận dụng sự phát triển của các công nghệ mới… đều là những bước đi ban đầu với rất nhiều thách thức trên hành trình lâu dài đó".

Dù vậy, cũng phải nhắc tới một thực tế: Trong những năm qua, "rào cản" lớn nhất đối với việc kinh doanh E-book của các đơn vị xuất bản chủ yếu nằm ở nạn xâm phạm bản quyền - khi mà trên không gian mạng đang có quá nhiều những trang web cung cấp miễn phí (hoặc bán với giá siêu rẻ) những E-book được làm trái phép từ những đầu sách giấy. Đáng nói, do tính chất phức tạp và tự phát trên không gian mạng, việc xử phạt các trang web (hoặc hội nhóm làm E-book) này thường rất hạn chế.

"Hiện tại, các đơn vị xuất bản như chúng tôi cũng chỉ có thể tự bảo vệ mình bằng cách kêu gọi độc giả phản hồi về các trang cung cấp E-book lậu, đồng thời bền bỉ tìm cách nâng cao ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ của cộng đồng" - bà Hoài Phương cho biết.

Theo lời chuyên gia này, trong bối cảnh ấy, việc chủ động đưa nguồn E-book có bản quyền lên các nền tảng, giới thiệu đến độc giả một cách hệ thống và bài bản cũng là một cách tăng sự chú ý và trách nhiệm của người đọc trong vấn đề sở hữu trí tuệ. Bởi, truyền thông về các địa chỉ phát hành sách có bản quyền cũng là cách để đấu tranh chống lại các hoạt động vi phạm bản quyền.

Sách điện tử đang 'nghẽn' ở đâu?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022