“Sóng,” vở nhạc kịch thuần Việt lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thực của nữ thi sỹ tài hoa Xuân Quỳnh sẽ công diễn ngày 18/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ca khúc “Thuyền và biển” là ca khúc xuyên suốt vở nhạc kịch. Ngoài ra, để nói lên tiếng lòng của nhân vật, các bài thơ của Xuân Quỳnh sẽ được nhạc sỹ Minh Đạo "âm nhạc hóa" như “Sóng,” “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa,” “Tự hát,” “Mắt của trời xanh,” “Nhà chật”... 

Nghệ sỹ ưu tú Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định đây là vở diễn nhạc kịch thuần Việt bởi ekip sáng tạo 100% là người Việt.

Ông Sĩ Tiến cho biết tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời. Đây cũng là vở nhạc kịch được đầu tư lớn với dàn nhạc semi-classic (bán cổ điển) gồm 23 người.

song2.pngĐóng chính trong vở nhạc kịch là diễn viên trẻ Thu Thảo (sinh năm 2001) vai Xuân Quỳnh và ca sỹ Lê Việt Anh vai Đăng Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Câu chuyện bắt đầu khi Xuân Quỳnh là một cô diễn viên múa 18 tuổi xinh đẹp, tính tình hoạt bát sôi nổi của Nhà hát Ca Múa Nhạc. Tại đây, cô nảy sinh tình yêu trong sáng với anh nhạc công Trọng Khoa (nguyên mẫu là nghệ sỹ violin Lưu Tuấn). Hai người kết hôn và có một cậu con trai. Trong thời gian làm việc ở tòa soạn, Quỳnh có gặp Đăng Dương (nhà viết kịch Lưu Quang Vũ), con một người bạn thơ lớn tuổi. Đăng Dương cảm mến văn tài và rung động trước vẻ đẹp cũng như tính cách hoạt bát, sôi nổi của bậc đàn chị Xuân Quỳnh.

[Nữ thi sỹ Xuân Quỳnh - cuộc đời và khát vọng gửi lại trong thơ]

Khi Quỳnh dần đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp thi ca cũng chính là lúc cuộc hôn nhân đầu tiên rạn nứt. Quỳnh cảm thấy cô đơn vì không tìm được sự hòa hợp trong tâm hồn với chồng. Quỳnh đi đến quyết định chia tay Khoa và tái hôn với Đăng Dương. Cuộc sống gia đình tuy vất vả khó khăn nhưng vẫn rất ấm áp. Cho đến khi Dương dần gặt hái những thành công trong nghề, thường xuyên đi công tác xa nhà và được nhiều bóng hồng ngưỡng mộ. Cùng lúc này, căn bệnh tim của Quỳnh tái phát khiến cô nhập viện. Quỳnh bắt đầu tự vấn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu đích thực trong đời…

Khi tổng đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Cao Ngọc Ánh trao đổi về dự án này với anh Lưu Tuấn Anh, con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh và nghệ sỹ violin Lưu Tuấn. Anh Tuấn Anh từng hoài nghi và e ngại, không muốn phô bày chuyện gia đình cho quá nhiều người biết. Sau khi xem kịch bản của tác giả Kim Thùy, anh bắt đầu thấy có cảm tình vì chất nhân văn và sâu sắc của câu chuyện.

Đến khi xem vở diễn thì anh xúc động bật khóc vì các nghệ sỹ đã làm tốt hơn anh tưởng quá nhiều.

img_8924.jpgNghệ sỹ ưu tú Sĩ Tiến chia sẻ về dự án. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tôi xúc động là đương nhiên vì mẹ là người tôi yêu quý nhất đời. Điều đáng quý hơn là các bạn diễn viên cũng khóc, nghĩa là họ phải hoá thân rất sâu, phải đặt trái tim của mình để cảm nhân vật và kể câu chuyện ở thời mà bạn chưa sinh ra… Điều đó vô cùng đáng quý. Các bạn đã kể một câu chuyện rất đẹp,” anh bộc bạch.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, biên đạo múa Trần Ly Ly đánh giá cao nỗ lực của Nhà hát Tuổi trẻ bởi dựng nhạc kịch thuần Việt vô cùng khó.

“Êkip bài bản, đồng bộ và chuyên nghiệp từ khâu tuyển chọn và đào tạo diễn viên. Các nghệ sỹ đang đi những bước đi đầu tiên để phát triển nhạc kịch thuần Việt trong tương lai, để Việt Nam thực sự có một nền công nghiệp văn hóa,” bà Trần Ly Ly nhận xét./.

Minh Thu (Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022