Dù đến năm 2020 thì Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) mới ra mắt kịch thiếu nhi, nhưng vẫn được xem là quyết định trách nhiệm, vì bối cảnh khó khăn chung của các sân khấu. Giám đốc - NSND Mỹ Uyên và nhà hát đã rất dũng cảm, kết quả thì mang lại bất ngờ cho khán giả.
Vở kịch đánh dấu cho cột mốc này là Vương quốc những người xấu xí (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Huy Hoàng). Lúc bấy giờ, sự ra đời kịch thiếu nhi giống như tăng thêm gánh nặng, vì sân khấu 5B đang lúc tự bươn chải để vượt qua các khó khăn, nhưng cũng đầy hy vọng.
Dè dặt buổi đầu
Thật sự vở Vương quốc những người xấu xí là một bước đi dè dặt và thăm dò của NSND Mỹ Uyên cùng các nghệ sĩ trẻ. Chính vì sân khấu đang khó khăn, cộng với sự dè dặt buổi đầu cho kịch thiếu nhi, nên vở được đầu tư ở mức khá thấp, cảnh trí lẫn trang phục đều sơ sài, các diễn viên hầu như chỉ quen diễn cho người lớn xem, chứ chưa quen với khán giả nhí… tạo nên một hiệu ứng "hồi hộp".
Nhưng không ngờ, vở kịch đã bùng nổ một cách lạ lùng, các bé đã hòa mình vào câu chuyện, hòa nhập giữa hàng ghế khán giả và sàn diễn, làm nên sự tương tác thú vị vô cùng. Rào cản ngại ngần đã bị xô đổ, mọi người vượt qua một cách ngoạn mục, từ đó mà thẳng tiến đi tiếp những bước vững chãi sau này.
Vở “Trạm cứu hộ động vật hoang dã”. Ảnh: H.K
Tính cho đến đầu năm 2025 thì sân khấu thiếu nhi của 5B mới thành lập 5 năm, trong đó có 1 năm nghỉ vì dịch Covid-19, vậy mà đã dựng được 8 vở, ví dụ như Bộ lạc nanh trắng, Đại náo long cung, Ve ve chành chành và hai cục bướu, Thế giới đồ chơi và cậu bé rồng, Trạm cứu hộ động vật hoang dã, Cây bút thần… Điều này cho thấy sự phấn khởi và sự thành công của anh em nghệ sĩ.
"Bà bầu" Mỹ Uyên không chỉ cho các vở diễn vào dịp Hè như các sân khấu khác, mà còn đột phá diễn luôn vào các dịp Tết, quả là sung sức. Chị nói: "Ngày lễ, Tết, người lớn thì có phim và kịch, cải lương để xem rất nhiều, nhưng thiếu nhi thì có quá ít sản phẩm nghệ thuật để thưởng thức, nghĩ lại thấy các em thiệt thòi lắm. Vì vậy chúng tôi quyết định diễn luôn vào dịp Tết, và rõ ràng đó là hướng đi đúng, các em hồ hởi cùng cha mẹ đi xem, mấy ngày Tết trôi qua thật vui vẻ. Ngay cả anh em nghệ sĩ cũng rất vui khi diễn kịch thiếu nhi, vì nó làm mình tươi tắn yêu đời hơn, thấy mình trẻ lại. Tất nhiên lời lãi thì không nhiều, nhưng có thêm cơ hội làm nghề là vui rồi".
Chưa kể, đôi khi "bà bầu" Mỹ Uyên còn xếp luôn lịch diễn vào bất cứ ngày Chủ nhật nào, giúp các bé có nơi giải trí thường xuyên. Các vở cũ cũng được xếp đan xen vở mới, nhờ vậy có em bỏ lỡ dịp này thì vẫn xem được vào dịp khác.
Và sau này, các vở được đầu tư cao hơn, với cảnh trí, trang phục lung linh, bắt mắt, đặc biệt mấy loài hải sản được gắn đèn chớp chớp, xinh xắn vô cùng. Tất nhiên, nghệ sĩ phải gói ghém kinh phí, nên có nhiều khâu họ tự làm, nhưng lại đẹp bất ngờ.
Nghệ sĩ diễn ngày càng giỏi hơn, rất hoạt náo, sinh động, ca hát nhảy múa đủ cả, thậm chí mời luôn nghệ sĩ ảo thuật cùng diễn, khiến các bé hét lên vì thích thú. Chưa kể, có vở đưa luôn hò, vè, các điệu lý Nam bộ vào, có biến tấu để phù hợp thời hiện đại, giúp các bé tiếp cận nghệ thuật truyền thống một cách dễ dàng.

Vở “Cây bút thần”. Ảnh: H.K
Đúng là nghề dạy nghề, diễn cho thiếu nhi đâu đơn giản, nhưng diễn hoài thì sẽ giỏi, sẽ say mê, sáng tạo phong phú. Những cái tên như Chánh Trực, Kỳ Thiên Cảnh, Minh Quốc, Tuyết Oanh, Quốc Cường, Minh Thảo, Tuấn Kiệt, Huỳnh Nhu, Khánh Đăng, Cao Anh Kim, bé Gia Hân, Gia Huy… dần trở nên quen thuộc với khán giả nhí.
Xem kịch thiếu nhi ở 5B có phần thú vị riêng. Bởi đây là sân khấu nhỏ, nên khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả rất gần, đôi khi chỉ cần đưa tay ra là chạm nhau, có bé chạy luôn lên sàn diễn, có bé sờ vào những con thú dễ cưng… Các nghệ sĩ đã tận dụng khoảng cách gần này mà tạo ra những màn tương tác rất hiệu quả.
Đến xem kịch ở 5B sẽ thấy tràn ngập tiếng vỗ tay, tiếng cười, tiếng trao đổi, ý kiến, trả lời câu hỏi, tặng kẹo, ôm nghệ sĩ chụp hình… Không gian hẹp khiến người ta dễ gần, dễ cảm thụ tác phẩm, nhất là với trí óc non nớt của các bé thì những con thú kia là có thật. Các em sống trong thế giới vừa thực vừa tưởng tượng, đúng là một hạnh phúc tuổi thơ.
"Nói nội dung phù hợp thiếu nhi không có nghĩa là không dám đề cập tới những vấn đề lớn của xã hội" - tác giả Vương Huyền Cơ.
Thông điệp không hề nhỏ
Những vở thiếu nhi của 5B thường làm gọn gàng, trên dưới 100 phút, không quá nhiều kịch tính, đấu đá, cũng không quá nhiều chi tiết rườm rà, mà đi thẳng vào vấn đề muốn nói, và nói một cách gọn nhẹ, dễ hiểu. Tác giả Vương Huyền Cơ, người có đến 6 vở trong kịch mục thiếu nhi tại đây, tâm sự: "Tôi tìm cách trình bày sao cho phù hợp với lứa tuổi các em, phù hợp với trí não trẻ thơ. Cố gắng giữ chất hồn nhiên, trong trẻo cao nhất. Mỗi tác phẩm vừa là giải trí nhưng vừa là bài học giáo dục, thì mình cần cẩn thận trong từng chi tiết".
Thế nhưng, khán giả sẽ bất ngờ vì với Vương Huyền Cơ hoặc các tác giả khác thì nội dung kịch bản hình như mang thông điệp không hề nhỏ chút nào. Nói chuyện tình thương gia đình, cha mẹ, con cái, bạn bè thì đã đành, đằng này các vở còn đề cập những vấn đề to tát hơn mà khán giả nhí vẫn lĩnh hội dễ dàng thông qua ngôn ngữ kịch giản dị, hấp dẫn.

Vở “Đại náo long cung”. Ảnh: H.K
Như trong vở Đại náo long cung, có thông điệp là con người không được tận diệt các loài động vật dưới biển, xả rác bừa bãi, đánh bắt hải sản bằng điện, bằng thuốc nổ… sẽ gây những hiệu ứng xấu cho trái đất, tàn phá chính cuộc sống của mình.
Vở Bộ lạc nanh trắng là câu chuyện chú voi con màu xám bị bắt đem về nhốt trong trang trại của bà chủ giàu có, rồi chuyện lão pháp sư lừa đảo dân làng, chuyện các em thiếu nhi đi giải cứu voi và các bạn động vật khác, nói lên thông điệp về bảo vệ động vật, bảo vệ thiên nhiên, tăng thêm tình yêu thương động vật trong lòng các bé.
Hoặc vở Trạm cứu hộ động vật hoang dã lên án nạn săn bắt bừa bãi, cảnh báo về thị trường mua bán động vật hoang dã thịnh hành để cung cấp cho những người giàu có những "đặc sản quý hiếm", như sừng tê giác, nhung hươu, mật gấu, lông công, da báo… thì các loài thú quý càng bị truy sát, tận diệt. Từ đó, giáo dục các em nhỏ tình yêu thiên nhiên, yêu muông thú, yêu môi trường.
Đặc biệt, vở Ve ve chành chành và hai cục bướu lại có vẻ triết lý, khi nội dung nói về 2 cô bé đều bị bướu ở mặt, muốn khỏi bệnh, trở lại xinh đẹp, thì phải làm sao? Phép màu nằm ngay trong phẩm hạnh của mỗi con người, cần thay đổi để dễ thương hơn, ứng xử tốt với chung quanh hơn, thì người ta sẽ thấy mình đẹp, người ta yêu mến mình.
Với nội dung như vậy rõ ràng các tác giả đã nâng tri thức của các em thiếu nhi cao lên hơn, như ý kiến của tác giả Vương Huyền Cơ: "Nói nội dung phù hợp thiếu nhi không có nghĩa là không dám đề cập tới những vấn đề lớn của xã hội. Các em bây giờ có truyền thông và công nghệ hỗ trợ nên cũng có suy nghĩ sâu sắc hơn, cảm nhận được những vấn đề lớn, khái quát. Quan trọng là chúng ta thể hiện những vấn đề đó theo cách nào cho phù hợp thì ắt sẽ đi vào khối óc và trái tim các em thôi. Trong khán phòng, không ít em đã học cấp 2, cấp 3, thì thừa sức hiểu thông điệp của vở diễn. Thậm chí, các em còn ý kiến rất hăng nữa, chứng tỏ các em thấu cảm. Tương lai không xa, đó sẽ là những công dân trưởng thành của đất nước, thì chúng ta giáo dục từ bây giờ cũng đâu phải là sớm".
Quả thật, sân khấu thiếu nhi 5B đã có lượng khán giả quen thuộc và NSND Mỹ Uyên vẫn hăng say sản xuất mỗi năm 2 vở vào dịp Hè và Tết. Một không gian nhỏ, vở diễn cũng nhỏ xinh, nhưng thông điệp và hiệu quả rất đáng trân trọng.
(Còn tiếp)