Gần 20 năm trước, tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian của cô gái 18 tuổi Hà Thủy Nguyên đã gây ngạc nhiên lớn trên văn đàn Việt Nam. Cô bắt đầu viết văn với những câu chuyện mang tính huyền thoại, dã sử và đi cùng thế giới ấy trong những sáng tác tiếp theo.

Qua từng cuốn tiểu thuyết, Hà Thủy Nguyên chia sẻ với độc giả của mình về một thế giới kỳ ảo của riêng cô. Sách Ngữ văn 7, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, đã đem một phần không gian viễn tưởng ấy đến với học sinh qua đoạn trích Đường vào trung tâm vũ trụ trong tiểu thuyết Thiên mã.

Viết từ những giấc mơ…

Tiểu thuyết Thiên mã được Hà Thủy Nguyên viết vào năm 2008 - 2009. Đó là khoảng thời gian cô đọc nhiều về văn hóa Ấn Độ, Ai Cập và trong đầu cô luôn lặp đi lặp lại câu hỏi: "Liệu rằng trung tâm trái đất là hữu hình hoặc vô hình?". Vậy nên Hà Thủy Nguyên viết Thiên mã để tự trả lời câu hỏi của mình.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên. Ảnh: NVCC

Một nhóm bạn gồm nhân vật Tôi, Thần Đồng và con ngựa có cánh mang tên Thần Thoại đi từ một nơi hữu hình là bảo tàng đến một không gian vô hình được họ xác định là trung tâm vũ trụ. Đó là hành trình xuyên không, mang tính khám phá, thỏa mãn trí tò mò và chiêm nghiệm. Đáp án của cô cho câu hỏi về cái "tâm" trong vũ trụ ở đâu, rằng nó không cố định mà dịch chuyển theo từng sự vật, sự việc và vị trí mà chúng ta đang đứng. Đó vẫn là suy nghĩ tương đồng với hướng nhìn của Hà Thủy Nguyên ở hiện tại và dĩ nhiên đó là cái tâm, vòng tròn sẽ ngày càng rộng ra theo kinh nghiệm sống của cô.

Hà Thủy Nguyên khi viết những trang ấy là một cô gái vừa qua tuổi mới lớn và Thiên mã cũng là cuốn tiểu thuyết về lứa tuổi ấy, nên văn phong trẻ trung, ngôn từ gần gũi với giới trẻ. Đoán rằng, học trò sẽ thích thú phiêu lưu cùng những người bạn trong trang sách.

ha-thuy-nguyen-1-1700639655825133835202.jpg

Hà Thủy Nguyên viết văn rất sớm, có lẽ vì chỉ có ngôn từ mới đem được những giấc mơ và những mộng mơ lúc nào cũng ngổn ngang trong đầu. Cô bắt tay viết vào năm 14 tuổi, trình làng cuốn tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian dày 1.000 trang, gây "choáng váng" cho văn giới. Cô cho biết đó là cuốn tiểu thuyết được viết từ một giấc mơ được lặp đi lặp lại nhiều lần về 8 con rồng được đầu thai là người và phải đấu lại với quỷ dữ. Thiên mã cũng là những trang viết từ cõi mơ của cô, về những con ngựa có cánh thần kỳ trong thần thoại Hy Lạp có thể đưa mình đến bất kỳ đâu trong vũ trụ bao la này.

thien-ma-1700639655721138370491.jpg

Tiểu thuyết “Thiên mã”

Khi thế giới vắng bóng những mộng mơ

Hỏi Hà Thủy Nguyên về cảm giác khi cô sống trong thế giới tưởng tượng và thần thoại, cô chia sẻ: "Thật khó mô tả được cảm giác mỗi khi tôi phiêu lưu, chỉ biết rằng khi viết lách, tôi thấy không khí cổ đại, cổ trang rất thân thuộc, là nơi để tâm trí tôi nương náu và không bị cuốn trôi theo nhịp sống hiện tại".

Nói tâm hồn Hà Thủy Nguyên thuộc về quá khứ là hơi quá, nhưng thuở bé thường được bố mẹ dẫn đến các bảo tàng, di tích lịch sử, lần nào cũng thích và có cảm giác khác xa với thế giới hiện đại, có điều gì rất quen thuộc.

Cô từng suy nghĩ rằng, thế giới này sẽ ra sao khi không còn sự tưởng tượng và những giấc mơ, hẳn khi đó con người sẽ thường xuyên đắm chìm trong stress và hoài nghi tất cả những điều mình đang làm, dễ thỏa hiệp với những điều đang bày ra trước mắt. Nhà văn của những trang viết huyền ảo đã từng có khoảng thời gian như thế -  bận rộn kiếm tiền và không có thời gian cho những giấc mơ.

thien-ma-online1-17006398029061364265389.jpg

Khi bày tỏ với cô suy nghĩ rằng, nhưng thật đáng tiếc, gần như thế giới tưởng tượng và mộng mơ sẽ kết thúc khi chúng ta lớn lên, cô liền phản đối: "Tôi nghĩ rằng trí tưởng tượng hoặc những giấc mơ (chính là sự tưởng tượng trong vô thức) đóng vai trò như một chuỗi triết lý không theo dạng ngôn từ, biện luận, mà nó có tính biểu tượng. Chúng có thể xung đột hoặc tương tác, khiến cho tâm trí chúng ta đa dạng hơn, đời sống cảm xúc đa chiều hơn. Vì vậy, khi lớn lên, sự tưởng tượng của chúng ta sẽ được gia tăng độ phức tạp, chỉ là đôi khi gặp áp lực trong cuộc sống làm cho những giấc mơ bị thui chột".

Hà Thủy Nguyên (tên khai sinh: Nguyễn Thị Phương Thảo) sinh năm 1986 tại Hà Nội.Cô sáng tác nhiều thể loại: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và dịch thuật. Các tiểu thuyết Điệu nhạc trần gian, Cầm thư quán, Thiên mã, Thiên địa phong trần...;các tập thơ Mùa dã cổ, Nằm xem sao rụng…; tập truyện ngắn Bên kia cánh cửa.

Hư cấu là quyền lực của nhà văn

Khi sáng tác, một số nhà văn có thế mạnh về phản ảnh hiện thực, một số sẽ mạnh thế hư cấu, viễn tưởng. Hà Thủy Nguyên là nhà văn thuộc về thế giới viễn tưởng, về không gian cổ xưa và say sưa với các nhân vật lịch sử. Cô viết dã sử, hư cấu các nhân vật lịch sử theo cách nhìn của mình. Đa số các tiểu thuyết của cô có bóng dáng của những nhân vật lịch sử.

duong-vao-tam-17006396557341130390497.jpg

Đoạn trích “Đường vào trung tâm vũ trụ” trong “Ngữ văn 7”, tập 2, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống

Ví dụ Cầm thư quán là mối tình hư ảo của vua Lê Thánh Tông và sự chiêm nghiệm về tự do, cái đẹp. Thiên địa phong trần là tiểu thuyết dã sử được viết từ cảm hứng về những biến động chính trị thời Lê - Mạc. Ở đó bạn đọc sẽ thấy các nhân vật lịch sử như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều hoặc Nguyễn Khản - người được mệnh danh là Phong lưu đại thần - hiện lên.

Hầu như các nhân vật lịch sử xuất hiện đều được côphân tích về phần "con người" nhất của họ, tức là có đúng và sai, có mạnh mẽ và yếu mềm, kể cả các nhân vật "chính diện" theo phân tích của các nhà sử học. Theo cô, nếu những nhân vật lịch sử được cho là "chính diện" đều hoàn hảo thì còn gì để viết nữa, hết thú vị rồi. Một nhân vật lịch sử dù "chính diện" hoặc "phản diện" đều sẽ hấp dẫn khi chúng tathấy được phần yếu mềm, giằng xé, lúc sa ngã và cuối cùng họ đã vượt qua như thế nào.

loi-giai-hay-17006396558361398131049.jpg

Trang sách gợi ý đọc hiểu “Đường vào trung tâm vũ trụ”

Tuy nhiên, "trình bày" lại các nhân vật lịch sử không phải là chuyện dễ dàng. Hà Thủy Nguyên gặp sự tranh cãi và phản đối của nhiều người. Nhưng rõ ràng, nếu không hư cấu, văn chương sẽ mất đi giá trị và vẻ đẹp vốn có. Đã vấp phải vài sự cố với các sáng tác của mình nhưng lúc nào cô cũng thấy vui thú với các nhân vật lịch sử và không khí cổ xưa.

Có nhân vật làm cô đắm say, có nhân vật làm cô thấy khó khăn, Nguyễn Khản và Nguyễn Gia Thiều là ví dụ. Khi chuẩn bị viết, Hà Thủy Nguyên cảm giác sẽ gặp khó khăn với nhân vật Nguyễn Khản vì chưa hình dung hết về ông, nhưng khi viết lại rất trơn tru, ngược lại Nguyễn Gia Thiều là nhân vật cô thấy quen thuộc, thì nhiều lần không lột tả được như ý mình muốn.

Đọc Hà Thủy Nguyên hẳn bạn đọc sẽ cảm nhận về một tác giả luôn sống trong một không gian xa xôi, bay bổng. Đó chỉ là cô trong những lúc đắm chìm trong văn chương. Cuộc sống không thơ mộng như vậy. Một thời gian dài cô đã phải "cày bừa" liên lục với những kịch bản phim, làm marketing để kiếm sống, căng thẳng với công ty của mình…

Đùa vui với cô rằng, Hà Thủy Nguyên sống vội vã quá: Kiếm tiền sớm, viết văn sớm, sinh con sớm... thì liệu sẽ có nguy cơ không còn gì để làm trong tương lai không. Cô cười lớn: "Mục đích viết của tôi còn dài dằng dặc, không có chuyện sẽ không biết làm gì khi về già đâu". Bạn đọc sẽ còn gặp những sáng tác của cô trong tương lai.

(Còn tiếp)

"Vì luôn thấy vui thú trong thế giới tưởng tượng của mình nên tác giả của Thiên mã nghĩ rằng nếu trẻ con mất đi trí tưởng tượng thì thế giới sẽ đối mặt với một điều nghiêm trọng. Trẻ con thường có những giấc mơ tốt đẹp, nhưng nếu chúng bị ám ảnh về những giấc mơ tồi tệ, thì sẽ trở thành những người lớn buồn chán, luôn muốn tiêu diệt những giấc mơ, vì họ sợ mơ" - Lâm Hạnh.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022