Ngày hôm qua 14/5, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã tới thăm, động viên ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô, nói chuyện với thầy trò các Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy.

Tại đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Hệ thống giáo dục phải được đổi mới sâu rộng, tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số và công nghệ hiện đại. Giáo dục trí tuệ cần đi đôi với giáo dục văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ, sức khỏe để hình thành những cá nhân toàn diện.

Ông cũng cho biết: Mục tiêu của Đảng là xây dựng một nền giáo dục mới, toàn diện, ngang tầm thế giới nhưng giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam; có một thế hệ trẻ không chỉ xuất sắc về trí tuệ mà còn vượt trội về thể chất, giàu bản sắc văn hóa, đủ khả năng cạnh tranh và sánh vai với các cường quốc năm châu, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm tới thăm Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Đó là những yếu tố gắn với việc phát triển toàn diện mỗi con người.

Và khi Tổng bí thư nhấn mạnh đến "giáo dục toàn diện" và "cá nhân toàn diện", rõ ràng những gì được chia sẻ không chỉ là sự kì vọng. Xa hơn, đó là gợi mở mang tính định hướng: Giờ đây, giáo dục toàn diện sẽ là yêu cầu tất yếu khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể hiểu điều đó: Trong bối cảnh sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, dữ liệu lớn... đang tái định hình mọi ngành nghề và kỹ năng, một nền giáo dục sẽ tụt lại phía sau nếu chỉ đào tạo những cá nhân giỏi học thuật nhưng thiếu năng lực thích ứng.

Ngược lại, giáo dục toàn diện là cách tiếp cận hợp lý để tạo ra một thế hệ trẻ không chỉ có kiến thức mà có năng lực hành động, không chỉ biết học để thi mà còn để làm việc, sáng tạo, và giải quyết vấn đề.

Có nghĩa, thay vì mang tính "đơn tuyến" chạy theo những chuẩn giá trị cũ, giờ đây giáo dục phải là một hệ sinh thái mở. Ở đó, mỗi học sinh có cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực, được rèn luyện cả về kiến thức, thể chất, văn hóa lẫn kỹ năng sống, được tạo điều kiện phát triển năng lực bản thân.

tl2-17472985831231342528305.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

***

Gắn với thực tế ấy, Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ: hệ thống giáo dục cần "đổi mới sâu rộng, tập trung phát triển kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số và công nghệ hiện đại".

Có thể thấy, những môn học được nhắc tới cũng là sự định hướng cho việc xây dựng năng lực của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên mới. Ở đó, STEM (các môn gắn với khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) là nền tảng tư duy để các em sáng tạo. Ngoại ngữ là cầu nối để hợp tác, tiếp cận với các môi trường quốc tế. Kỹ năng số mở ra khả năng xử lý thông tin, phân tích dữ liệu, tạo ra giải pháp trong môi môi trường công nghệ vốn thay đổi từng ngày.

Từ góc độ khác, khi đề cập đến giáo dục văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và sức khỏe, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng hướng về những yếu tố làm nên chiều sâu và bản lĩnh của mỗi con người. Tại đó, một cá nhân thiếu bản sắc sẽ rất khó tự định vị mình giữa thế giới. Một trí thức thiếu đạo đức sẽ dễ tha hóa. Một xã hội thiếu thẩm mỹ sẽ mất sự hài hòa, hoặc rơi vào lệch chuẩn trong cách hướng về vẻ đẹp chung.

Như vậy, mỗi lĩnh vực được người đứng đầu Đảng ta đề cập đều bổ sung và kết nối cùng nhau, tạo thành một bức tranh năng lực toàn diện mà học sinh cần để sống, làm việc và phát triển trong kỷ nguyên mới. Trong bức tranh ấy không có lĩnh vực "phụ", và cũng không còn chỗ cho tư duy giáo dục tách biệt tri thức với cuộc sống thực tế.

tl1-174729858309743455510.jpg

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Phòng thực hành giáo dục STEM của Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

***

Như phương châm "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau" được Tổng Bí thư nhắc tới, một nền giáo dục toàn diện sẽ phải là một hệ thống nhân văn, bao trùm, nơi mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển đúng với năng lực và đặc điểm riêng. Ở đó, không ai trong số các em bị tụt lại vì thiếu điều kiện học tập, sáng tạo, tiếp cận công nghệ, trau dồi kỹ năng sống...

Việc phát triển và kiến tạo một nền giáo dục theo hướng ấy tất nhiên không thể là câu chuyện của một sớm một chiều. Nhưng với tầm nhìn rõ ràng, quyết tâm chính trị và sự đồng hành của toàn xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những bước chuyển thực chất.

Bởi muốn có con người mới cho kỷ nguyên mới, điều kiện tiên quyết sẽ nằm ở một nền giáo dục dám đổi mới từ cơ bản. Và những con người ở thế kỷ 21 phải được giáo dục từ những cách tiếp cận cao hơn so với thế kỷ 20.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022