Trên sân khấu kịch cũng như màn ảnh rộng, nhiều diễn viên từng vào vai Bác Hồ, tuy nhiên để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng khán giả vẫn là cái tên Tiến Hợi. Nghệ sĩ sinh năm 1959, quê Nghệ An, hiện công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội. Có lẽ chính giọng nói, sự giản dị của người dân xứ Nghệ thấm đẫm trong con người đã giúp nghệ sĩ nhập vai Bác Hồ thành công xuất sắc.
NSƯT Tiến Hợi trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Ảnh: VTCTrong chương trình Bữa trưa vui vẻ, phát sóng ngày 2/9 - kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh, nghệ sĩ Tiến Hợi ôn lại những kỷ niệm xưa với khán giả truyền hình. Lần đầu tiên nghệ sĩ vào vai Bác Hồ là năm 1987 với vở kịch Đêm trắng. Ông kể, ban đầu Đoàn nghệ thuật Trường Sơn không biết chọn ai, định mời những người từng đóng Bác đảm nhận vai diễn. Tuy nhiên, cuối cùng Tiến Hợi được chọn vì dáng người gầy, hao hao giống Bác. Sau khi thử hóa trang trong hơn 1 giờ đồng hồ, bản thân NSƯT cũng không ngờ mình lại giống Bác đến thế.
Nhưng để có thể vào vai Bác, Tiến Hợi không chỉ trông cậy vào bàn tay hóa trang. Nghệ sĩ phải đọc những tài liệu lịch sử về cuộc đời Bác, tìm nghe những băng ghi âm bài nói chuyện của Bác.
"Thực sự khi nhận vai, tôi rất lo, áp lực lớn. Nhất là trong vở kịch Đêm trắng, sự xuất hiện của Bác rất nhiều. Tôi đề nghị đoàn cho xem loạt phim tư liệu về Bác. Tôi còn đến Đài Tiếng nói Việt Nam sao lục những băng Bác Hồ nói chuyện với đồng bào, nông dân... Hơn 2 tháng tôi tập vở kịch - sáng tập, chiều xem phim, tối nghe băng. Tôi luyện đến lúc hai tông giọng hòa làm một", nghệ sĩ Tiến Hợi nhớ lại.
Nghệ sĩ Tiến Hợi trong chương trình Bữa trưa vui vẻ. Ảnh: Fanpage BTVVTuy được mọi người nhận xét có đôi mắt sâu, đầy tinh thần nghị lực, nhưng với Tiến Hợi, việc thể hiện cốt cách, phong cách của Bác (ở độ tuổi 59) sao cho rõ nét không dễ chút nào. "Thời kỳ đó, tôi mới 28 tuổi, kinh nghiệm còn non nên đêm nào cũng trăn trở" - ông kể.
Với vở Đêm trắng, Tiến Hợi cùng đoàn đã diễn khoảng 300 đêm ở khắp các tỉnh. Kỷ niệm đặc biệt mà ông nhớ nhất là lần gặp gỡ bác Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác Hồ).
"Có lần diễn xong tôi vào phòng hóa trang, giật mình khi thấy sự xuất hiện của bác Vũ Kỳ. Khi tôi tẩy trang, bác ôm tôi bật khóc. Tôi khóc trong sự mừng rỡ. Bác nói 'Cảm ơn Tiến Hợi. Không ngờ Tiến Hợi trẻ như thế mà diễn vai Bác Hồ sống động, gần gũi, thân mật quá'" - NSƯT tâm sự.
Một chi tiết thú vị được Tiến Hợi bật mí trong chương trình, cô Vương Đạm Thủy - vợ của nghệ sĩ - chính là người hóa trang cho ông trong các đêm diễn. Cô Thủy thuộc thế hệ học trò được chính ông tuyển về đoàn nghệ thuật. "Vợ tôi ngày xưa gọi tôi bằng chú, rồi trong quá trình hóa trang chuyển sang gọi anh lúc nào không biết" - NSƯT dí dỏm kể lại.
Tiến Hợi là diễn viên thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công nhất. Ảnh: Fanpage BTVVSau thành công của vở kịch, đến năm 1989, Tiến Hợi nhận được lời mời vào vai Nguyễn Tất Thành trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn của đạo diễn Long Vân. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Tiến Hợi vì trước đó ông chưa đóng phim điện ảnh. Để diễn tốt vai Bác Hồ thời trẻ, khi ê-kíp quay ở Huế, Tiến Hợi phải hỏi những người già về lối sống của thanh niên khi ấy.
NSƯT Tiến Hợi chia sẻ, trong tương lai, ông mong muốn tìm được một diễn viên thế hệ trẻ có dáng dấp giống Bác để ông được truyền đạt kinh nghiệm, tiếp tục thể hiện hình ảnh Bác Hồ trên sân khấu.