Dù chưa chính thức khai mạc nhưng Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM đã có nhiều hoạt động thu hút người quan tâm.

Sáng 4-2, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức buổi toạ đàm "Dòng thơ giữa phố", bàn về sức sống thi ca giữa đô thị. Buổi tọa đàm nhận được sự hưởng ứng, bàn luận sôi nổi từ các nhà thơ nhiều thế hệ, các nhà nghiên cứu, người yêu thơ. 

Tại buổi toạ đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng TP HCM tuy có lực lượng sáng tác thơ được bổ sung và tiếp nối thường xuyên, tạo ra một dòng chảy văn hoá, tạo ra nhiều khuynh hướng thẩm mỹ nhưng thành tựu thi ca vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá đúng mức.  

f99ed41864b1bfefe6a0-16755078627671821583084.jpg

Nhà thơ Trần Đức Tín chia sẻ tại buổi toạ đàm

Với nhà thơ Trần Đức Tín, thơ trẻ không hoàn toàn trầm lắng mà sôi động, cập nhật và thay đổi hằng ngày theo tiến độ phát triển của thành phố. Thách thức lớn nhất của người trẻ lăn xả với văn chương là sự đánh đổi giữa sự nghiệp, công việc hằng ngày với con chữ nên nhiều người còn e dè, thiếu tâm huyết.

Nhiều nhà thơ cũng trăn trở liệu thơ ca thành phố có thể xuất khẩu và đến với độc giả quốc tế hay không? Làm sao để thơ Việt dịch ra các thứ tiếng mà vẫn giữ được tinh thần của tác giả?...

Suốt buổi toạ đàm, dù nhiều giải pháp và ý kiến tranh luận được đưa ra nhưng chưa đi đến được tận cùng gốc rễ. Để thơ ca vươn tầm, cần nhiều hơn sự chung tay của các cơ quan, ban ngành, cùng nhiệt huyết sáng tác bền bỉ của người cầm bút.  

Nhà thơ Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nhận định thơ ca đã là một phần của lịch sử, đồng hành với dân tộc. Cái gốc của thơ là tình và thơ vẫn chảy âm ỉ, có đời sống riêng của nó. 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022