Bức ảnh đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) cuối thế kỷ 19. Năm 1887, kinh Chợ Vải, từ sông Sài Gòn chạy lên khu vực đường Lê Lợi hiện nay, được lấp trở thành một đại lộ lớn mà người Pháp gọi là Charner, gồm con kinh lấp và hai con đường dọc hai bờ kinh. Khu vực trở thành đường rộng nhất Sài Gòn lúc bấy giờ, nơi diễn ra các lễ hội lớn, có nhiều cửa hàng và trụ sở các công ty. Triển lãm kỷ niệm 325 năm "Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM" (1698 - 2023) nằm trong chuỗi hoạt động trưng bày tại đường sách Tết năm nay, do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp tổ chức. Sự kiện năm nay diễn ra tại tuyến đường đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang, quận 1), kéo dài đến hết ngày 25/1 (mùng Năm Tết).
Bến tàu của hãng Chargeurs Réunis năm 1931 trên sông Sài Gòn. Theo NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, hãng có một đội tàu gồm bảy chiếc, chạy các tuyến giữa hải cảng Pháp và Đông Dương. Hãng này có huy hiệu năm ngôi sao nên người Việt thời đó thường gọi là hãng Năm Sao.
Cầu Ba Vòm, khu Chợ Lớn năm 1931. Cầu thường được biết đến với tên Ba Cẳng, có ba hướng, hình vòm và gắn liền với một phần lịch sử khu Chợ Lớn xưa. Hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành, còn chân kia ở bến Vạn Tượng. Cầu có từ thời Pháp thuộc nhưng đã bị sập vào năm 1990.
Đại lộ Galliéni năm 1931, nay là đường Trần Hưng Đạo (quận 1). Đầu thế kỷ trước, con đường nối liền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, ngày nay vẫn là một trục giao thông quan trọng của TP HCM.
Tổng nha ngân khố năm 1931 nằm trên đại lộ Charner, nay là Kho bạc Nhà nước TP HCM.
Ngân hàng Đông Dương (Banque de l'Indochine, viết tắt BIC) - ngân hàng đầu tiên ở Sài Gòn, do Pháp thành lập để phát hành tiền mặt cho các xứ thuộc địa của Pháp ở Châu Á, cũng như điều hành quyền lợi kinh tế. Trụ sở chính của ngân hàng được đặt ở Paris và một chi nhánh ở Sài Gòn. Sau khi Pháp mở rộng cuộc xâm lược Việt Nam, Ngân hàng Đông Dương mở thêm các chi nhánh tại Huế và Hải Phòng.
Bến đò của cư dân An Nam trên sông Sài Gòn năm 1896.
Bưu điện thành phố thời Pháp thuộc, do người Pháp xây dựng trong khoảng 1886-1891. Công trình mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu cùng với người trợ tá Foulhoux. Bưu điện đã trải qua nhiều lần thay đổi màu sơn, hiện mang màu vàng nhạt và là điểm tham quan nổi tiếng với du khách nước ngoài.
Cầu quay Khánh Hội đầu thế kỷ 20 bắc ngang qua rạch Bến Nghé. Cầu có thiết kế độc đáo với nhịp giữa có thể quay ngang để tàu thuyền qua lại dễ dàng. Phía bên phải là đường Bến Chương Dương (lúc này mang tên Quai de Belgique).
Đường Catinat sầm uất thời Pháp thuộc với Nhà hát Thành phố và khách sạn Continental - biểu tượng Sài Gòn một thời. Năm 1865, con đường được đặt tên là Catinat, theo tên một thống chế người Pháp phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Năm 1954, Catinat được đổi tên thành đường Tự Do, sau năm 1975 thành Đồng Khởi.
Mai Nhật (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II)