a6_womu_jkww.jpg
Cách dùng cụm từ "di biến động dân cư" gần đây đã khiến cư dân mạng bàn luận xôn xao. Trong bài Di biến động dân cư - tối nghĩa và phi ngữ pháp, tác giả Thụy Bất Nhi viết: “Cấu trúc ghép từ Hán Việt “di+biếnđộng+dâncư” không thuộc trường phái quy tắc nào trong quy ước ngữ pháp tiếng Việt lâu nay. Việc ghép hai từ “di động” và “biến động” để tạo ra từ mới “di biến động” là phi ngữ pháp”. "Khi thử tra theo các công cụ trực tuyến, cụm từ Di biến động dân cư (移變動民居) dùng trong tiếng Trung Quốc hiện đại, sẽ cho kết quả có phần gượng ép là… tái định cư, tương đương với từ an trí (安置) của Trung văn, có nghĩa là bố trí (chỗ ở) an toàn (đăng trên Laodong.vn, ngày 15.8.2021).
Chúng tôi cũng đã liên hệ với ông Châu Thái Bình, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Trung Quốc để hỏi thêm về cụm từ này. Theo thông tin từ ông Châu Thái Bình thì không có khái niệm "di biến động dân cư" ở Trung Quốc, tuy nhiên toàn bộ người dân nước này cũng phải quét mã QR gọi là Kiện khang mã (健康码, Jiànkāngmǎ), tức Mã sức khỏe, sử dụng cho toàn dân. Ngoài ra, vài địa phương còn đòi thêm Hành trình ca (行程卡, xíngchéngkǎ), tức Thẻ hành trình, lịch sử đi lại.
Nhìn chung, tất cả người dân Trung Quốc đều tải mã quét QR sức khỏe trên điện thoại. Tại các cửa ngõ thành phố, sân bay, nhà ga, trung tâm thương mại… đều có dán mã QR đó, người dân cần dùng điện thoại quét mã QR đó rồi vào khai báo là xong. Chỉ có những cửa ngõ đường bộ liên kết giữa tỉnh này với tỉnh kia mới có chốt chặn kiểm tra; còn trong địa phận tỉnh thì không cần chốt chặn tuyến đường nào cả, ngoại trừ vùng dịch mới có chốt kiểm soát…
"Tiếng Việt chúng ta rất giàu và đẹp", nên thiết nghĩ không nên sử dụng một cụm từ rườm rà, khó hiểu như "di biến động dân cư". Nên chăng chỉ cần đổi lại là “khai báo di chuyển nội địa” như đã ghi trên trang thông tin của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) là đủ và dễ hiểu.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022