Theo luật Điện ảnh năm 2006 và sửa đổi năm 2009, với phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước, còn gọi là “phim nhà nước”, nhà sản xuất phim được chọn theo luật Đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này mãi chưa thể áp dụng. Trong suốt nhiều năm, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) không thể hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo thông tư hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim.
Ông Vi Kiến Thành cho hay ban soạn thảo dự luật Điện ảnh (mới) không đưa ra hướng đấu thầu nữa mà theo hình thức đặt hàng. “Trước đây luật cũ có đề cập, nhưng nhiều anh em làm phim, đơn vị sản xuất phim nhận thấy đấu thầu trong điện ảnh sẽ vướng vào nhiều thứ không thực tế, bất cập. Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, không chỉ riêng trong điện ảnh, mà cứ căn cứ vào giá thành bỏ thầu, rồi chấm thầu cho đơn vị đưa giá rẻ nhất thì không được. Sáng tạo điện ảnh mà căn cứ vào giá thành rẻ thì không kiểm soát được, đặc biệt là chất lượng nghệ thuật”, ông Thành lý giải.
Hãng phim nhà nước và tư nhân đều bình đẳng
Quy định đấu thầu phim nhà nước từng được đưa ra, mà một trong những mục đích là tạo bình đẳng cho những hãng phim nhà nước và tư nhân tiếp cận với dự án phim nhà nước đặt hàng. Ông Vi Kiến Thành cho biết mặc dù luật cũ không “đóng” với hãng phim tư nhân, tuy nhiên như một luật “bất thành văn”, nhiều năm nay hầu hết những dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước được giao cho nguyên hãng phim nhà nước (đã được cổ phần hóa). “Nhưng với luật mới sẽ không có chuyện đấy mà bình đẳng hoàn toàn”, ông Vi Kiến Thành khẳng định và nói thêm: “Không chỉ giao phim nhà nước đặt hàng, mà cũng tính tới chuyện hợp tác với nhà sản xuất tư nhân”. Hiện nay, mỗi năm nhà nước cấp kinh phí tối đa cho 3 phim truyện điện ảnh (10 - 15 tỉ đồng/phim).
Khi góp ý cho dự thảo luật Điện ảnh (mới), bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cũng đưa ra gợi ý: khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu nhà nước đặt ra hoặc những dòng phim khó như phim lịch sử, giáo dục… Bà Lan ủng hộ việc bỏ quy định đấu thầu lựa chọn nhà sản xuất phim, đồng thời bày tỏ: “Tôi thấy nên tính đến việc thay thế quy trình đặt hàng bằng khâu duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi cấp tiền sản xuất bằng phương thức hiệu quả hơn mà nhiều nước áp dụng với kinh phí của nhà nước, ví dụ tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim như kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ… hoặc tất cả các khâu, nhưng theo quy định cụ thể để kiểm soát chất lượng theo từng khâu”.
Hợp đồng bán mình nằm trong số ít phim truyện được nhà nước đặt hàng trong thời gian gần đây ẢNH: TL |
Còn NSND - đạo diễn Lê Hồng Chương đưa ra câu chuyện đầu tư sản xuất phim của nhà nước Pháp khi góp ý cho dự luật Điện ảnh (mới). Ông cho hay mỗi năm thông qua trung tâm điện ảnh, nhà nước Pháp đầu tư sản xuất cho khoảng 150 bộ phim. “Nhưng họ không đầu tư, đặt hàng 100% như mình”, ông Chương nói. Theo ông Chương, nhà nước Pháp làm như vậy để nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về định hướng, quan tâm đến phát hành, doanh thu, số lượng khán giả đến rạp… “Phim được nhà nước tài trợ phải ký hợp đồng với truyền hình thì mới được xét duyệt”, ông Chương cho hay.
“Mở” hơn về đề tài và khâu duyệt phim
Ông Vi Kiến Thành cho biết trong dự luật Điện ảnh (mới) đang được đăng tải trên website của Chính phủ và Bộ VH-TT-DL, có thay đổi gốc về quan điểm sản xuất phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước. “Luật (cũ) chỉ quy định nhà nước đặt hàng phim có đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, văn hóa dân tộc, nên sau này cứ nhăm nhăm triển khai từ khâu thẩm định đến sản xuất xem có phải thuộc 4 đề tài được nêu trong luật không. Chẳng hạn như bây giờ, muốn làm bộ phim về Covid-19 thì sao? Lâu nay ngành điện ảnh tự “trói mình”. Cho nên, dự luật mới đã bỏ điểm này, mà chỉ là sản xuất phim theo đề tài nhà nước yêu cầu trong từng thời kỳ”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng nêu lên điểm bất hợp lý trước đây được thay đổi trong dự luật Điện ảnh (mới). “Kịch bản phải được nhà sản xuất lựa chọn, gửi về Cục rồi mới xem nhà nước có đặt hàng hay không, chứ tác giả kịch bản không được chủ động, tức là họ phải bước qua “cửa” nhà sản xuất đã. Đây là sự thiếu cởi mở”, ông Thành dẫn chứng. Trong khi đó, một trong những điểm yếu của “phim nhà nước” là thiếu kịch bản hay. Đây cũng là một trong những lý do Cục Điện ảnh tổ chức cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020. “Cuộc thi này góp một phần, dù chưa lớn, vào nguồn kịch bản tốt để giới thiệu cho nhà sản xuất và cả nhà nước đặt hàng”, ông Thành nói và mong muốn tạo được “ngân hàng” kịch bản, trong đó phục vụ cho những dự án phim do nhà nước đặt hàng. Trước mắt, theo ông Thành, Cục Điện ảnh sẽ cố gắng để 2 kịch bản đoạt giải nhì (không có giải nhất): Culi không bao giờ khóc và Thiên mạc hùng ca, có thể được sản xuất.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết thêm hội đồng duyệt phim sẽ được thay mới trong năm tới. Theo ông Thành, hiện nay nhiều thành viên của hội đồng này không chỉ “chịu áp lực quá lớn”, mà còn chưa thực sự “mở” với cách thức sản xuất phim mới. Thành viên của hội đồng sắp tới sẽ gồm những người làm nghề điện ảnh và được “trẻ hóa”.