Sau 10 năm không in tập thơ mới, Đào Quốc Minh trở lại thi đàn với Phục sinh - một tuyên ngôn giàu sức gợi về nhân sinh, tình yêu thương và giá trị của đức tin. Hơn thế, tập thơ này còn ghi dấu một hành trình vượt qua biến cố cuộc đời để tìm kiếm lẽ sống và tái sinh trong thơ ca của chính tác giả.
Với những dấu ấn đặc biệt này, đầu năm nay, Phục sinh của Đào Quốc Minh vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024 ở hạng mục thơ. Đây tiếp tục là một thành tựu quan trọng giúp anh khẳng định về một giọng thơ trẻ đầy tiềm năng được ghi nhận ở những giải thưởng uy tín. Trước đó, nhà thơ sinh năm 1986 từng được trao Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015 cho tập thơ Những người vũ công Memphis.
Triết lý thơ… "Phục sinh"
Chỉ từ cái tên Phục sinh, ta dễ hình dung về một tập thơ có phần mang màu sắc tôn giáo, giàu tính triết luận. Hình dung này trở nên rõ nét hơn khi người đọc bước vào thế giới thơ Đào Quốc Minh, nơi những hình ảnh mang chiều sâu tư tưởng hiện lên đầy ám ảnh: "người linh mục đã bao mùa hiến tế/ gương mặt còn đau lấp lánh ánh sáng xanh/ vẫn quỳ mọp trước linh đường thăm thẳm/ ngước nhìn mảnh kính vỡ thiên thanh"; hoặc "người họa sĩ tóc như mây bạc/ đứng mãi… trong sân chùa/ vẽ niết bàn dang dở đã nhiều năm"…
Nhà thơ Đào Quốc Minh
Càng xác tín hơn khi tác giả cho hay: "Tập thơ là những suy tư và chiêm nghiệm của tôi sau một quá trình nghiên cứu về triết học, tư tưởng tôn giáo và nhân sinh. Tôi muốn truyền tải một ý thức về đời sống thông qua thi ca. Con người sống trên đời này phải hiện hữu chứ không chỉ tồn tại. Đây là một triết lý về nhân sinh, nhấn mạnh sự hiện hữu của con người trên thế giới này".
Đào Quốc Minh cho biết, sáng tác của anh chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, nhất là trường phái hiện sinh hữu thần. "Một nhà văn, nhà thơ đi theo trường phái hiện sinh hữu thần luôn đề cao giá trị nhân sinh trong tôn giáo, nhất là đức tin về tình yêu thương, lòng bác ái, sự tự do và công bằng. Những giá trị này không chỉ hiện diện trong một tôn giáo đơn lẻ, mà còn giao thoa giữa nhiều hệ tư tưởng, từ đạo Thiên chúa, đạo Phật đến đạo học phương Đông như đạo Lão, đạo Khổng…".
Cũng bởi mang đậm triết lý của chủ nghĩa hiện sinh hữu thần, thơ Đào Quốc Minh không xa rời đời sống mà thấm đẫm tinh thần nhân sinh. Tinh thần này phá bỏ những giới hạn giữa tâm linh và hiện thực, nhấn mạnh đức tin vào tình yêu thương cao cả như một bản thể của con người.
Ví như trong bài thơ Đôi bờ nước mắt, Đào Quốc Minh chiêm nghiệm: "lịch sử đi cùng những cuộc hành quân/ như dòng hải lưu chẳng bao giờ ngưng chảy/ lênh đênh lênh đênh. đôi bờ nước mắt"…

Tập thơ “Phục sinh” (NXB Hội Nhà văn) của Đào Quốc Minh
Ở một chừng mực, Phục sinh đúng nghĩa là sự dồn nén triết lý thi ca của Đào Quốc Minh. Mỗi câu thơ ở tầng sâu con chữ đều đề cao, nâng niu và truyền đi những giá trị cao đẹp cần có trong đời sống này. "Cả tập thơ này là một sự phục sinh. Nó chứa đựng tinh thần phục sinh những giá trị nhân bản của con người, khát vọng về sự phục sinh của lòng nhân ái, của niềm tin vào tình yêu thương giữa con người với con người" - anh giãi bày.
"Trong bối cảnh thế giới đầy rẫy những cuộc chiến tranh kinh hoàng, những cảnh "nồi da xáo thịt", những dịch bệnh đau thương thì sự phục sinh của tình yêu thương giống như "một vị thánh" trong tâm hồn con người. Tình yêu thương của con người sẽ làm phục sinh thế giới này" - Đào Quốc Minh tâm tư - "Và, một điều thật trùng hợp, đó là khi tôi nhận bản in tập thơ này trên tay cũng đúng vào ngày Lễ Phục sinh".
"Tôi chạm ngõ thơ ca vào năm 2006, đến nay đã trải qua 19 năm. Đó là những ngày tháng tôi nằm trong bệnh viện để điều trị bệnh hiểm nghèo, tưởng rằng có thể mất đi sự sống mãi mãi" - Đào Quốc Minh.
Thơ như là đích đến cuối cùng
Sức nặng của Phục sinh không thuần túy chỉ ở việc bày tỏ những chiêm nghiệm giàu tính tư tưởng hay một triết lý thơ ca của riêng Đào Quốc Minh. Hơn thế, tập thơ này như một tuyên ngôn về sự trở lại của Đào Quốc Minh trong cả thi ca và cuộc đời.
"Trước khi in Phục sinh, tôi đã không làm thơ trong một khoảng thời gian dài. Những bài thơ được in trong tập thơ này cũng không quá mới, chúng đều được tôi viết từ khoảng 10 năm trước. Bởi thế, Phục sinh trước hết đánh dấu sự trở lại của tôi trong thơ ca. Đó là một sự phục sinh trong thơ ca. Tôi muốn quay trở lại làm thơ để tiếp tục con đường đã đi" - anh bày tỏ.
Minh nói thêm: "Sự phục sinh còn có ý nghĩa với cuộc đời của tôi. Đó là khi tôi đã trải qua những biến cố thảm khốc. Tôi sống lại - sự sống lại của một lý tưởng, một hoài bão, một khát vọng".

Nhà thơ Đào Quốc Minh (thứ tư từ phải sang) nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2024
Nhìn lại, sự xuất hiện của Đào Quốc Minh trên thi đàn từng gây được nhiều sự chú ý. Bởi, anh làm thơ sau những biến cố sức khỏe, cả về thể xác lẫn tinh thần.
"Tôi chạm ngõ thơ ca vào năm 2006, đến nay đã trải qua 19 năm. Đó là những ngày tháng tôi nằm trong bệnh viện để điều trị bệnh hiểm nghèo, tưởng rằng có thể mất đi sự sống mãi mãi" - anh kể - "Tôi đã vực dậy bằng cách làm thơ. Từ việc làm thơ, tôi trở thành một con người sống tươi vui hơn, có ý thức hơn về cuộc sống này mà không còn chỉ là một cái xác không hồn. Qua thơ ca, tôi vực dậy chính mình".
Ngẫm lại hành trình ngót 20 năm đi với thơ ca, Đào Quốc Minh còn thành thực: "Thơ ca với tôi không chỉ là điểm tựa nâng đỡ, mà còn là đích đến cuối cùng. Thơ là mục đích cuối cùng của cuộc đời tôi. Đời tôi đi theo con đường thơ ca, và thơ cũng như một đôi cánh để nâng tôi lên, bay qua những gian khổ, dằn vặt của cuộc sống".
"Vịn câu thơ mà đứng dậy", hơn ai hết Đào Quốc Minh coi thơ như một phép màu có thể nâng đỡ con người trong cuộc đời. Vì lẽ đó, thơ anh không chìm đắm trong những nỗi buồn, những tâm sự riêng tư mà mở rộng biên độ, hướng nhiều đến những vấn đề nhân sinh mang giá trị phổ quát của con người.
Đọc Đào Quốc Minh, không quá khó để nhận ra một giọng thơ đầy suy nghiệm trước những vấn đề lớn của nhân loại. Bằng thơ ca, anh tự vấn về tôn giáo, chiến tranh, hòa bình, như một hành trình nhận thức không ngừng rộng mở.
"Điều quan trọng nhất đối với người sáng tác, dù là thơ hay văn xuôi, chính là ý thức triết học. Chỉ khi có ý thức triết học, tác phẩm mới được nâng tầm, vươn tới những giá trị phổ quát. Đằng sau một nền văn học lớn luôn là một nền triết học, một hệ tư tưởng vĩ đại. Và nhờ đó, người viết không bị cuốn vào những vụn vặt tầm thường của đời sống".
Dành nhiều năm nghiên cứu về tôn giáo, nhân sinh và gắn bó với công việc dịch thuật triết học, Đào Quốc Minh có nền tảng vững chắc để hình thành ý thức triết học trong sáng tạo thi ca. Tưởng rằng với bệ đỡ ấy, thơ anh sẽ mang dáng dấp những học thuyết kinh viện, trĩu nặng tư duy hàn lâm. Nhưng không, từng câu chữ của Minh lại chạm đến người đọc bằng một cảm giác gần gũi, thân thương đến lạ. Dường như, triết lý trong thơ anh được kết đọng từ chính từng nhịp thở của đời sống…
"Tôi sáng tác thông qua một hệ thống hình tượng, ngôn ngữ và cả thi liệu rất quen thuộc với đời sống người Việt Nam. Có nhiều bài, tôi vẫn dùng thể thơ lục bát, song thất lục bát, Đường luật…" - Minh tiết lộ - "Đặc biệt, thi liệu tôi dùng đều là "Mây gió trăng hoa tuyết núi sông" rất gần với đời sống của người Việt Nam nên người đọc rất dễ dàng tiếp cận cho dù bài thơ có mang ý tứ sâu xa".
Đơn cử, trong tập Phục sinh, có không ít những câu thơ gần gũi như một thời thủ thỉ đầy gợi hình, gợi cảm: "ta - lạc - quê - hương/ như con nghé vàng lạc - mẹ/ nghe tù và bên trời đằng đẵng/ cũng tưởng cuối rừng tùng/ khói bếp lam chiều là bụi chiến tranh"…
Với Minh, "đây hầu hết là những thi liệu rất quen thuộc với người Việt Nam, thậm chí không có gì mới. Nhưng, tôi đã kết hợp chúng theo cách lạ hóa, tái cấu tứ để làm mới, nhằm truyền tải những triết lý, tư tưởng ẩn sâu. Thi ca luôn bắt rễ từ những biến động thường nhật của đời sống, nhưng một khi đã trở thành thơ, chất liệu ấy phải mang nội hàm phổ quát".
Mới mẻ và khác lạ
Trước Phục sinh, Đào Quốc Minh từng ghi dấu ấn với một giọng thơ mới mẻ và khác lạ. Anh từng có quãng thời gian in một loạt thơ gần như nối tiếp nhau theo năm. Có thể kể tới như: Hoa Xuân và nắng hồng 1 (2008); Hoa Xuân và nắng hồng 2 (2009); Mưa tháng Ba (2010); Dấu vân tay màu xanh lục (2012); Những người vũ công Memphis (2012); Nguyệt nương (2016)…