Hòm thư ở Bưu điện Bờ Hồ nay chỉ còn mở ngày một lần. Ở Bưu điện TP.HCM, thùng thư còn ghi rõ Chủ nhật, ngày lễ, tết thì không mở…
Tôi biết đến những lá thư đầu tiên là vào năm 1970, do anh chị học đại học ở Hà Nội gửi về. Tôi mới học vỡ lòng, vừa biết mặt chữ nên rất tò mò với các phong thư dán con tem 12 xu, đóng dấu tròn có chữ "Tu Liem Ha Noi" và "Bo Ho Ha Noi". Khi họ nghỉ hè, tôi hỏi chị gái bảo học ở Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, thường gửi thư ở Bưu điện Từ Liêm. Ông anh trai học Trường ĐH Bách khoa thì gửi ở Bưu điện Bờ Hồ. Năm 1986, một trong những việc đầu tiên khi tôi về thủ đô học đại học là mượn xe đạp đi xem "Tu Liem" nó như thế nào.
Chia thư tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, năm 2004
Hóa ra đó chỉ là một căn nhà khiêm tốn bên con đường Cầu Giấy vắng vẻ và lầy lội, nhưng giờ đây thì tôi không tìm thấy dấu xưa nữa vì đường phố đã khác hẳn. Còn Bưu điện Bờ Hồ thì mỗi lần tôi hay ai đó "lên phố" thế nào cũng được các bạn giúi cho một xấp thư nhờ bỏ vào thùng thư Bờ Hồ "ngày mở 4 lần" để nhanh tới tay người nhận.
***
Nhưng trước khi trở thành sinh viên như kể trên, tôi có hơn 3 năm quân ngũ, làm nhân viên tài vụ cấp trung đoàn, đóng quân ở một xã miền núi thuộc tỉnh Hà Bắc cũ. Ở đó, tôi là người có nhiều thư nhất. Một trong những lý do là ông thủ trưởng đáng yêu của tôi lệnh cho nhân viên tập viết suốt ngày cho chữ đỡ xấu, còn làm sổ sách. Hàng tháng ông sát hạch, ai không tiến bộ sẽ phải đi chăn lợn, trồng rau và bị mắng nghiêm khắc.

Thư của bạn đọc gửi đến một nhân vật của tôi, cô giáo Vũ Hồng Duyên ở Trường tiểu học xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang, năm 2006
Mọi người hì hục tập viết, riêng tôi chọn cách viết thư. Của đáng tội, bộ phận của tôi được phát rất nhiều giấy bút, có đèn cây để thắp sáng vào ban đêm, và quản lý hàng nghìn chiếc tem thư mà anh em trong đơn vị được phát nhưng ít sử dụng.

Thùng thư trước cửa Bưu điện TP.HCM giờ chỉ mở một lần/ngày, Chủ nhật, ngày lễ còn không mở
Tôi viết thư về nhà, cho các bạn cùng lớp. Những người nhận thư của tôi (thường được tôi gửi tặng mươi con tem) hồi ấy có vẻ cũng vui nên đa số đều hồi âm theo tỷ lệ 1/1 hoặc 1/0,95. Thư toàn chuyện giời ơi đất hỡi, nhưng cũng có cô bạn kể vừa bị ốm và đã lấy 26 lá thư tôi gửi trong hai năm rưỡi để đọc thay cho uống thuốc, đồng thời bày tỏ nỗi buồn man mác sao dạo này "bạn có vẻ quý cô ấy cô nọ hơn mình", khiến tôi ngỡ ngàng, tưởng đâu đã được yêu!

Bưu điện Hà Nội, nơi có con dấu “Buu dien Bo Ho” đóng trên các phong thư đã đi sâu vào tâm khảm bao thế hệ người Việt Nam. Ảnh chụp năm 2009
Rời quân ngũ, tôi mang về rất nhiều tem thư của đơn vị để làm hành trang sinh viên. Không chỉ nhờ bỏ thùng thư Bờ Hồ, chúng tôi còn nhờ những người sắp đi Liên Xô cầm theo những bì thư liền tem của nước bạn. Xuống sân bay, họ sẽ bỏ vào thùng để tới tay các bạn sinh viên ngoại ngữ hồi ấy sang học một năm tiếng Nga. Các bạn cũng gửi về cho chúng tôi những bức ảnh cho thấy sự phát triển của nước bạn, kèm theo quà là những tờ lịch tiếng Nga nhỏ như quân bài.

Tòa nhà Bưu điện Hà Nội nay đã mang tên VNPT Hà Nội
Năm 1996, khi lần đầu đến quần đảo Trường Sa, tôi cũng chứng kiến cảnh những người lính đảo vô cùng hớn hở khi nhận thư nhà. Khi trở về TP Nha Trang, tôi cũng gửi ra đảo những bao thư đầy ảnh đã chụp cho họ.
Nhưng không lâu sau đó, điện thoại, internet, email, các ứng dụng chat Yahoo, Skype… đã đảo lộn tất cả. Những thùng thư bưu điện dần vắng người lai vãng. Năm 2004, tôi đã mừng húm khi được vào Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để chụp các nhân viên đang phân loại thư (bấy giờ đã không còn nhiều người dùng thư nữa). Năm 2010, sinh viên thực tập được tôi gợi ý viết bài về "hiện trạng" thư bưu điện thì kêu khó quá, vì "chẳng còn ai viết thư nữa rồi chú ơi".

Hòm thư trước tòa nhà VNPT Hà Nội vẫn là một địa chỉ đong đầy ký ức. Ảnh chụp 4/2025
Hòm thư ở Bưu điện Bờ Hồ nay đã trở thành một địa chỉ mang đậm tính văn hóa cho những người ghé thăm, check-in để nhớ về và để bày tỏ niềm ước mơ "sống chậm".