Những ngày qua, dư luận cả nước hướng về tỉnh Đồng Tháp, nơi có cháu bé 10 tuổi không may sa chân xuống một ống bê tông công trình và đã tử vong.
Cùng với sự tiếc thương lan tỏa khắp cộng đồng, cũng có những ý kiến bàn luận liệu cháu bé có thể trụ được bao lâu dưới độ sâu có thể là 35 mét và đường kính trong ống chỉ là 25cm.
Để chia sẻ về câu chuyện sinh tồn trước những sự cố bất ngờ, người viết bài (tôi) xin kể lại chuyện chính mình đã từng cận kề cái chết một cách "vô nghĩa" và được cứu sống cũng bởi cộng đồng là như thế nào.
Mỗi lần nhìn lại bức ảnh đời thường này này, tôi đều thấy bồi hồi khôn tả. Bởi nếu không có những ân nhân ở thành phố Vĩnh Yên 10 năm trước, có lẽ đây là bức ảnh cuối cùng mà tôi chụp trong đời mình. Ảnh chụp ngày 27/5/2012 tại Tam Đảo
Chuyện xảy ra vào tháng 7/2012, khi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức một trại tập huấn chuyên đề về lý luận phê bình nhiếp ảnh tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc và tôi có trong thành phần tham dự. Ban tổ chức có ô tô, nhưng tôi thích đi xe máy để có thể dừng bất cứ chỗ nào cần chụp ảnh và nhất là để "tác nghiệp" cơ động trong thị trấn Tam Đảo, dù nơi đây tôi đã chụp khá nhiều lần.
Sau 3 hôm tập huấn, ngày 27/5/2012, tôi lên đường trở về. Bức ảnh này, tôi đã chụp lúc 2 giờ chiều cùng ngày ở chợ Tam Đảo, nơi ngày ngày người dân địa phương dựng xe để bán ngọn su su, chuối và các loại nông sản. Ngay sau cú bấm máy, trời cũng đổ mưa. Ba lô máy ảnh và máy tính đeo trên vai, quàng ra ngoài một chiếc áo mưa cực kỳ chắc chắn và rộng rãi, trên đầu đội một chiếc mũ bảo hiểm Protec khá xịn, tôi rong ruổi xuống núi trên chiếc xe máy Yamaha Exciter.
Khi đó hình như chưa có các con đường tránh mới mở và tôi theo đường cũ để xuống trung tâm thành phố Vĩnh Yên để về Hà Nội. Càng đến gần thành phố, mưa cànglớn. Gió ào ạt, nước đọng trước áo mưa nặng trĩu. Bỗng nhiên xe của tôi như bị ghì lại, người tôi bị giằng sang ngang, rồi tôi cùng chiếc xe máy đổ xuống đường.
Chiếc xe Yamaha Exciter ở Tam Đảo vào tháng 7/2015. Nó đã đưa tôi đi khắp nơi, nhưng có thể đã là kẻ "phản chủ" nếu tôi không được cứu ở Vĩnh Yên năm 2012
Hóa ra gió lớn đã khiến vạt áo mưa quấn vào xích trần của chiếc Yamaha Exciter và trói chặt tôi vào nó, lúc này đè lên một nửa người. Chiếc áo mưa "xịn" với quaibằng dây dù, ba lô và chiếc mũ bảo hiểm thì trở thành một mớ thòng lọng siết chặt vào cổ, khiến tôi không thở được.
Càng vùng vẫy, tôi càng mất sức nhưng không thể nào thoát được. Rất nhanh và rất nhanh, mắt tôi mờ đi, thị giác từ màu trắng đục nhanh chóng là một vùng đen tối. Tôi đã hoàn toàn mất tri giác và có lẽ đã chết lâm sàng trong một đôi phút.
Tuy nhiên, tôi bỗng nghe nhiều tiếng người lao xao và thấy mình như vừa tỉnh lại từ một cơn ác mộng. Hóa ra những người đi đường thấy tai nạn đã dừng lại và nâng chiếc xe lên và gỡ bớt áo mưa cho tôi có thể thở được. Trời vẫn mưa lớn, những ân nhân của tôi cũng nhanh chóng dời đi khi thấy tôi đã đứng dậy được và nói lời cảm ơn mà không kịp hỏi tên.
Cắt bớt đuôi áo mưa, tôi lại lên đường về Hà Nội. Rất may, ngoài một xương sườn bị gãy ngậm phía sau lưng, tôi chỉ bị trầy xước không đáng kể và bình phục sau hai tuần tĩnh dưỡng.
***
Kể lại câu chuyện này, tôi muốn chia sẻ rằng mọi sự bất cẩn đều có thể dẫn đến tai họa khó lường. Tôi cũng muốn tỏ lòng cảm ơn với những người đã cứu mình cách đây 10 năm. Nếu không, bức ảnh chụp những người bán chuối ở Tam Đảo đăng cùng với bài viết này mà tôi chụp lúc 2 giờ chiều ngày 27/5/2012 trước lúc rời Tam Đảo có thể là bức ảnh cuối cùng của đời mình.