Vừa kết thúc được ít ngày, cuộc trưng bày Mò mẫm Hà Nội(din ra tại Quán Cầm, số 6 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) vẫn để lại nhiều cảm xúc ở những người yêu mến Thủ đô. Bởi, đó là thành quả từ những chuyến "đi săn" của 3 gương mặt vốn chuyên "mò mẫm" đi tìm những giá trị xưa cũ, những ký ức ẩn giấu của thành phố.

Nhóm Thợ săn nhà cổ có 3 người đi cùng nhau là Quốc Quân, Quốc Trung và cậu em "Quốc Minh" (dù tên thật anh không có chữ Quốc). Bộ "Tam Quốc" này có sở thích tìm kiếm, ngắm nghía những ngôi nhà cũ lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, trốn sau những biển quảng cáo sáng choang.

Nơi thời gian đọng lại

Minh (chủ Quán Cầm) vốn say mê những căn nhà kiểu Pháp xây trước năm 1954 ở Hà Nội. Quán Cầm của anh hiện nằm trên gác 3 của một căn biệt thự cũ kiểu Pháp ở phố Nguyễn Thượng Hiền. Nơi đây không chỉ có những bản tình ca, những ly cà phê mà còn có thêm một góc nhỏ trưng bày những "chiến lợi phẩm" từ những cuộc "đi săn nhà cổ", do chính chủ quán và những người bạn cất công mò mẫm bấy lâu.

Bức tranh tường đề "Tô Ngọc Vân, 1931" tại một căn biệt thự cổ. Ảnh: NVCC

Và khi góc nhỏ này được dành riêng cho trưng bày Mò mẫm Hà Nội, nó có đủ thứ để đọc, nhìn, nghe, chạm -  tất thảy đều xoay quanh nhà cổ, biệt thự cũ mang dấu ấn Pháp. Xem cách Minh viết tay từng dòng chú thích quanh những hiện vật được nhặt nhạnh trên con đường mò mẫm với Hà Nội, ta thấy bao tình cảm chân thành, ấm áp…

Đó là những viên gạch bông, tấm ngói mũi, bảng số nhà, cánh cửa gỗ, hoa sắt… từng là một phần của những ngôi nhà cổ. Ở đó, Minh viết: "Đây là những viên gạch bông từng nằm ở Cầm 60S Thổ Quan. Căn nhà được xây trong những năm 1930 của thế kỷ trước. Nhắc lại, tôi vẫn bồi hồi cảm xúc, thật vui khi được làm việc ở đây!". Hoặc, "Cánh cửa dẫn ra ban công của nhà số 8 phố Nguyễn Thượng Hiền. Tình cờ một chiều thấy chủ nhà vứt đi, tôi lại khệ nệ bê về"…

hienvat-1747694679952643645202.jpg

Một góc trưng bày hiện vật của “Mò mẫm Hà Nội”

Rồi, những ngôi nhà cổ, những biệt thự Pháp cũ mà nhóm chọn lọc để trưng bày được "khai báo lý lịch" rõ ràng với đủ hình ảnh tư liệu, hình ảnh hiện thực và hình ảnh mô phỏng 3D. Các lớp hình ảnh đủ cả từ quá khứ, hiện tại đến "hồi cố" ấy như một cách để người xem vừa đọc, vừa ngắm và dần hiểu rõ về vòng đời của một ngôi nhà đã từng và đang hiện hữu.

Đơn cử về biệt thự số 6 phố Nguyễn Thượng Hiền, Minh cho hay: "Được xây dựng vào khoảng năm 1937 - 1938, biệt thự sở hữu lối kiến trúc hiện đại đặc trưng thập niên 1930 với 3 tầng nối và 1 tầng tum… Đáng chú ý, hầu hết các phòng đều trang bị lò sưởi góc bằng granito - dấu ấn tiện nghi phương Tây thường thấy trong các biệt thự ở Hà Nội xưa kia".

"Danh tính chủ nhân đầu tiên của biệt thự đến nay vẫn là ẩn số. Theo lời của bác hàng xóm nhà số 4 cho biết, khoảng đầu thập niên 1940, quân Nhật từng trưng dụng nơi đây làm chỗ ở cho sĩ quan. Sau đó, tòa nhà thuộc về một thương nhân Hoa kiều buôn rượu vang" - Minh kể - "Sau năm 1954, biệt thự trở thành nơi ở của nhiều gia đình... Ngày nay, số 6 Nguyễn Thượng Hiền đã biến thành khu tập thể chật chột với hàng chục hộ"…

kyuc-17476946799852132512258.jpg

Ký ức của mỗi ngôi nhà cổ được kể bằng những dòng chữ viết tay đáng yêu

Tương tự, với những ngôi nhà khác như căn nhà phố số 114 Hàng Bạc, biệt thự số 12 Ngõ Trạm… cũng được Minh kỹ lưỡng kể từng chuyện như thế…

Còn nữa, ngay trung tâm phòng trưng bày là một vị trí đặc biệt, hướng về ô tròn kiến trúc nguyên bản của căn biệt thự, được khéo léo lồng ghép cùng visual hiện đại. Sự kết hợp này tạo nên trải nghiệm tương tác độc đáo, mở ra cho người xem thêm một góc nhìn đầy gợi cảm về những chi tiết vòm cửa, vốn là nét đặc trưng của các công trình kiến trúc xưa.

Tổng thể, căn phòng như một cuộc tái hiện sống động những lần đi săn, đi mò mẫm của chính nhóm Thợ săn nhà cổ. Từng hình ảnh, từng hiện vật đều góp phần phác họa nên một niên sử giản dị mà xúc động của những ngôi nhà cũ kỹ - những mảnh ghép không thể thiếu làm nên chân dung đô thị Hà Nội qua thời gian.

disan-17476946801272128086450.jpg

Anh em “Thợ săn nhà cổ” mò mẫm trong một ngôi nhà trên phố Phan Huy Chú

"Chạm" vào hồn xưa nhà cổ

Việc đến Mò mẫm Hà Nội để ngắm nghía cũng đủ để khơi gợi những cảm xúc thầm kín trong lòng những người yêu thành phố này. Nhưng nếu thử đặt mình vào tâm thế "đi săn" như nhóm Thợ săn nhà cổ, ta sẽ thấy những điều bất ngờ hơn thế.

Như lời Minh, đến giờ, anh không còn nhớ rõ 3 người trong nhóm gặp nhau lần đầu là lúc nào, cũng chẳng nhớ đã đi qua bao nhiêu ngôi nhà. Nhưng từng trải nghiệm, từng câu chuyện ở mỗi nơi thì chưa lần nào phai mờ trong trí nhớ anh.

"Chúng tôi đi đến đâu, người dân trong nhà thường hỏi có phải đi mua nhà không, vì trông giống mấy người đi gom nhà đất" - Minh cười - "Cũng có lúc bị mắng vì họ hiểu nhầm là đang làm việc gì đó mờ ám. Nhưng khi biết chúng tôi chỉ muốn ngắm nghía, chụp ảnh, lưu giữ lại vẻ đẹp xưa cũ, mọi người đổi thái độ rất nhanh, rất dễ thương".

quancam-17476946800421011642023.jpg

Minh (ngoài cùng trái) chia sẻ tại trưng bày “Mò mẫm Hà Nội"

Hành trình của nhóm rõ ràng là một cuộc "đi săn" đúng nghĩa -  kịch tính nhưng đầy cảm xúc, vừa ngẫu hứng lại đầy duyên may. Có lần, nhóm tìm được một căn biệt thự đẹp, nằm ở một góc phố kín đáo, cửa khóa im lìm. Cả nhóm không nghĩ sẽ vào được, chỉ đứng ngoài ngắm nghía.

Rồi, một đôi vợ chồng đi ngang qua, tò mò hỏi. Nghe nhóm kể  đang ngắm nhà, họ bất ngờ nói: "Anh chị vào thăm họ hàng ở đây, các em có muốn vào xem không?". Gặp cơ hội bất ngờ, nhóm theo cặp vợ chồng đi vào dù thấy hơi… ngại trong lòng.

"Đi sâu vào trong, chúng tôi thấy một căn phòng nhỏ có lò sưởi giữa nhà. Trên đó là một bức tranh tường lớn, ký tên "Tô Ngọc Vân, 1931" - Minh nhớ lại - "Điều đó cho thấy gia chủ chắc hẳn là người rất có điều kiện và gu thẩm mỹ - một kiểu tư duy nghệ thuật rất châu Âu. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này có lẽ là một người Pháp".

Như thế, với Thợ săn nhà cổ, mỗi ngôi nhà họ tìm thấy là một mảnh ghép riêng tư, mở ra những lát cắt ẩn khuất của ký ức đô thị. Ở đó, những chi tiết tưởng chừng nhỏ bé lại ẩn chứa những câu chuyện giá trị. Và khi được kể ra, chúng góp phần làm dày thêm ký ức về Hà Nội, một thành phố luôn ẩn giấu những tầng sâu ký ức và mời gọi khám phá.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022