Tác phẩm Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ đang là bức tranh có giá bán cao nhất trong lịch sử VN trên sàn đấu giá công khai. Tranh đề tài khỏa thân của VN được thế giới chào đón, nhưng tại VN việc triển lãm về đề tài này vẫn còn nhiều hạn chế.
Những thành tựu về thương mại
Theo giới chuyên môn, tranh khỏa thân (tranh nude) từng xuất hiện tại VN từ rất sớm. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi cho biết bức tranh khỏa thân đầu tiên của nền mỹ thuật VN là bức Cám dỗ Phật của cố họa sĩ Nam Sơn, vẽ năm 1929. “Đề tài bức tranh vẽ Đức Phật đang thiền định dưới gốc bồ đề, trước mặt ngài là ba con ma nữ khỏa thân uốn mình nhảy múa, nhưng điều kỳ diệu ở đây là Nam Sơn đã dùng những điệu múa hay tóc dài quấn bay để che giấu những gì cần che giấu trên những cơ thể khỏa thân kia”, ông Ngô Kim-Khôi chia sẻ.
Xuất hiện từ thuở sơ khai và thể loại tranh này cũng đạt được một số thành tựu về thương mại. Bức tranh Khỏa thân của cố họa sĩ Lê Phổ trở thành tác phẩm hội họa VN đạt giá cao nhất từ trước tới nay trên sàn đấu giá quốc tế tại phiên đấu giá “Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại” tại Christie’s Hồng Kông ngày 26.5 vừa qua với mức giá 1,4 triệu USD. Một tác phẩm khỏa thân khác của danh họa
Lê Phổ cũng được bán trong phiên đấu giá này với số tiền 500.000 USD (tương đương 11,6 tỉ đồng) là bức Tắm biển. Năm 2018, tranh về đề tài khỏa thân của họa sĩ VN cũng đã được giới chuyên môn đánh giá cao khi tác phẩm Nghỉ ngơi sau tắm của cố họa sĩ Vũ Cao Đàm đã được bán với giá 629.219 USD (tương đương 14,6 tỉ đồng) tại phiên đấu giá của nhà Sotheby’s Hồng Kông…
Tác phẩm Nghỉ ngơi sau tắm của cố họa sĩ Vũ Cao Đàm được bán với giá tương đương 14,6 tỉ đồng Ảnh: Tư liệu |
Đặt tranh khỏa thân về đúng vị trí
Tranh khỏa thân của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương đã và đang khẳng định giá trị trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên ở VN, đề tài này vẫn chỉ được khai thác, trưng bày nhỏ giọt, hạn chế.
Theo chia sẻ của họa sĩ Trần Thanh Cảnh, nhiều họa sĩ sáng tác về đề tài này nhưng không muốn trưng bày hoặc phô trương vì nhiều lý do. “Phần lớn triển lãm tranh về đề tài khỏa thân tại VN chỉ diễn ra trong giới. Nghĩa là các họa sĩ vẽ, trưng bày cho những người trong giới cùng thưởng thức là chủ yếu. Vì thành phần gói gọn như vậy nên chúng ta không thể thấy nhiều các hoạt động thưởng lãm về khỏa thân nói riêng và mỹ thuật nói chung”, Trần Thanh Cảnh cho biết.
Giải thích về điều này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi nói: “Theo quyết định của Chính phủ và cơ quan liên quan đến mỹ thuật hội họa, những gì vi phạm thuần phong mỹ tục không được triển lãm, trưng bày. Tranh đề tài khỏa thân mặc dù được dạy từ thuở chập chững bước vào ngưỡng cửa trường mỹ thuật và là một đề tài bắt buộc trong các kỳ thi, ngay cả từ thuở “hồng hoang” Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng đối với “mỹ quan” của người Việt nói riêng và cơ quan chức quyền nói chung đã không được trọng dụng và yêu thích”.
Mặt khác, theo họa sĩ Trần Thanh Cảnh, chính vì nhu cầu thưởng thức không nhiều nên không thể thúc đẩy nghệ sĩ sáng tạo mảng đề tài này. “Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề nhỏ. Vấn đề quan trọng nhất là khi mang ra trưng bày, người duyệt tác phẩm lại là một đơn vị khác mà ở đây cụ thể là phòng hoặc sở văn hóa. Mặc dù không có văn bản quy định cấm hay bắt chẹt thế này thế kia, nhưng cũng vì không có văn bản cụ thể, nên người duyệt khi duyệt theo cảm tính lại là làm khó cho giới họa sĩ”, Trần Thanh Cảnh chia sẻ. Sự e ngại là một trong những lý do chính khiến họa sĩ không mạnh dạn mang tác phẩm của mình đi trưng bày hoặc triển lãm rầm rộ.