Ngày 10/12, Triển lãm “Dấu xưa văn hiến” với chủ đề “Soi bóng Thăng Long” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, diễn ra tại nhà Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm sắp đặt của 9 họa sỹ về các hình thái của nước gắn với Kinh thành Thăng Long xưa.
Bằng các tác phẩm đa dạng về phong cách thể hiện, triển lãm đưa người xem đến với những câu chuyện bình dị, mộc mạc về trị thủy, về những con người đầu tiên khai phá mở cõi, những trận đánh trong lịch sử dựng nước và giữ nước gắn với các anh hùng dân tộc, đến các hoạt động lễ hội trên sông nước mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Các tác phẩm diễn tả những địa danh, di tích lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Thăng Long - Hà Nội như: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các, Hoàng thành Thăng Long, Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Chợ Đồng Xuân, Cầu Long Biên… cho thấy sự phát triển về văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Kinh kỳ xưa.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Triển lãm được chia thành 8 chủ đề nhỏ kết nối với nhau nhịp nhàng, phù hợp và hiện đại gồm: Sông Hồng; trị thủy; khai hoang, trồng trọt, cấy hái; sự hình thành các bến thuyền, bến sông; xây dựng, bảo vệ Kinh thành; Kinh thành qua các thời đại; Kinh thành với các lễ hội và hình tượng cây - nước; hình tượng của nước (thủy). Ở đó, công chúng được chiêm ngưỡng tác phẩm “Vũ điệu Thăng Long” sáng tạo bằng chất liệu tổng hợp của nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang, là những cảm xúc về nhịp điệu của dòng chảy từ đầu nguồn đến cuối sông Hồng. Tác phẩm “Hoa sóng - Sóng nước nở hoa” của họa sỹ Phan Minh Bạch gồm 3 bức tranh lụa khổ lớn thể hiện hình ảnh của sông Tô Lịch, biểu tượng Rồng thời Lý và hình ảnh Hồ Tây với công nghệ đèn chiếu. Tác phẩm sắp đặt “Thuyền đôi” sáng tạo bằng hộp gò đồng, hộp vẽ sơn mài…của họa sỹ Vũ Xuân Đông kể lại câu chuyện về khai phá, khơi dòng, đắp đê, sử dụng sức nước, đặc tính của nước để ổn định cuộc sống khi xưa của cha ông. Tác phẩm sắp đặt “Ngàn năm soi bóng” với chất liệu tổng hợp gốm, composite, led, acrylic của họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng thể hiện những dấu tích còn sót lại của các triều đại qua các thời kỳ văn hóa lịch sử Việt Nam.
Các tác phẩm tại triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu bày tỏ: Triển lãm là những câu chuyện của các họa sỹ kể về chiều dài lịch sử của Việt Nam và những di sản của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Với phong cách hiện đại, triển lãm tạo nên nét độc đáo, thú vị. Ông Lê Xuân Kiêu mong muốn thông qua triển lãm này, du khách sẽ thấy được những giá trị của văn hiến Thăng Long - Hà Nội trong cuộc sống đương đại. Từ đó góp phần đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo - một không gian tạo ra những cảm hứng cho những nhà sáng tạo, những họa sỹ đóng góp nhiều tác phẩm cho công chúng và cộng đồng.
Cùng chia sẻ cảm nghĩ tại triển lãm, họa sỹ Vũ Xuân Đông cho rằng, khi thực hiện đề tài này các họa sỹ trăn trở để tìm ra cách thể hiện tác phẩm và thống nhất mỗi người đảm trách một nội dung của triển lãm, đồng thời làm mềm đi ngôn ngữ chuyển tải. Mỗi người đều có một tình yêu về văn hóa truyền thống và tình yêu với Thăng Long - Hà Nội, do vậy cách thể hiện phải vừa tự nhiên, vừa mang ý nghĩa về tình yêu văn hóa.
Để thực hiện được triển lãm này, các họa sỹ phải chuẩn bị nhiều tháng qua để tạo nên những tác phẩm sắp đặt đặc sắc với nhiều chất liệu. Được thực hiện trong không gian cổ kính, các họa sỹ đã thể hiện được cảm xúc trong các tác phẩm và đều nỗ lực để tạo nên sự trọn vẹn cho triển lãm.
Triển lãm diễn ra đến ngày 2/1/2024.