Các trào lưu trên TikTok thường được phát triển dựa trên việc cộng đồng mạng đồng loạt tạo phiên bản mới của clip gây sốt ban đầu. Bên cạnh những clip có nội dung thú vị, độc đáo hoặc mang tính truyền cảm hứng nên dễ dàng tạo hiệu ứng lan truyền, có không ít nội dung nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt vẫn trở thành trend. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bất bình, số khác cho rằng "có thể giải trí, vui vẻ một chút thì vẫn chấp nhận được".
Tuy nhiên, sự chấp nhận của cư dân mạng cũng có giới hạn. Những nội dung phản cảm, làm tổn thương tình cảm, cảm xúc của cộng đồng sẽ luôn bị lên án, loại trừ, chẳng hạn như trend kể chuyện "đi khám bệnh tổng quát bỗng phát hiện ung thư" trên TikTok những ngày gần đây.
Ban đầu, trên TiKTok xuất hiện những video của người nước ngoài kể về trường hợp nhận chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe định kỳ. Từ tháng 8/2024, các video tương tự được các TikToker Việt Nam đăng tải, được dàn dựng trên nền nhạc bài hát sôi động, dùng các tiêu đề sốc, hình ảnh gây cảm động và lời kể lể tính kịch để gây chú ý.
Bên cạnh một số video của bệnh nhân ung thư hoặc người nhà muốn chia sẻ câu chuyện thật để có tinh thần chiến thắng bệnh tật, rất nhiều clip hư cấu được tạo ra chỉ đua theo trào lưu, nhằm mục đích giải trí hoặc tăng lượt tương tác trên các nền tảng trực tuyến. Trên mạng xuất hiện nhan nhản những clip với nội dung "suy nghĩ, lo lắng, tưởng bị trầm cảm nhưng đi khám phát hiện ung thư tuyến giáp"; "thường xuyên nhức đầu, mệt mỏi, đi khám phát hiện ung thư máu"... Có những trường hợp chỉ dùng một video "phát hiện ung thư" để bắt đầu xây kênh TikTok, thu hút sự chú ý của người dùng mạng xã hội.
Ung thư là căn bệnh hiểm nghèo, làm giảm chất lượng cuộc sống và cướp đi sinh mệnh của nhiều người. Cuộc chiến chống lại ung thư của bệnh nhân và gia đình họ luôn đầy gian nan, đau khổ. Vì vậy, việc coi đây là nội dung câu view khiến nhiều cư dân mạng giận dữ.
Nhiều dùng xây kênh TikTok bằng trend "đi khám bệnh bỗng phát hiện ung thư". (Ảnh chụp màn hình)
"Câu tương tác bằng cách này là quá tàn nhẫn, quá vô cảm, thiếu tôn trọng đối với những người đang thực sự đối mặt với căn bệnh ung thư cũng như thân nhân của họ", anh Hoàng Vân (27 tuổi, Bắc Ninh) bức xúc. Từng có người nhà qua đời sau hơn một năm chiến đấu với căn bệnh này, anh cảm thấy đau nhói khi chủ đề ung thư bị một số người biến thành nội dung câu view hoặc "đu trend cho vui".
Chị Nguyễn Thùy Anh (34 tuổi, nhân viên truyền thông, sống tại Hà Nội) cũng bày tỏ sự bất bình: "Tôi không hiểu tại sao nỗi đau bệnh tật lại bị biến thành trào lưu như vậy". Lướt Tiktok một lúc, thấy liên tiếp mấy video có nội dung tương tự trên cùng một nền nhạc, chị thấy ngờ ngợ, nghi ngờ liệu nhân vật trong clip liệu có bị ung thư thật hay không khi tỏ ra quá lạc quan.
Khi click vào trang cá nhân những người này, chị Thùy Anh luôn thấy video "bị bệnh" hàng triệu view ghim lên đầu trang, và chủ trang thường kinh doanh online mặt hàng gì đó. Bằng cảm nhận và suy xét của mình, chị nhận định nhiều clip "đi khám bệnh tổng quát phát hiện ung thư" mà chị thấy trên TikTok chỉ là nội dung được sản xuất để câu tương tác theo trào lưu.
Có chồng mắc ung thư, từng chứng kiến sự đau đớn của nhiều người bệnh trong thời gian chăm sóc chồng ở viện, chị Nguyễn Thị Hòa (40 tuổi, TP.HCM) nói: "Cũng có một số người tinh thần lạc quan, chia sẻ trên mạng để được thông cảm, động viên; nhưng tôi thấy phần lớn những người bị bệnh ung thư thật sự đau đớn lắm, họ chả muốn khoe lên mạng hay muốn gây chú ý gì đâu. Chồng tôi khi bị bệnh còn không muốn nhiều người biết, sợ mọi người nhìn bằng ánh mắt thương cảm rồi kêu gọi quyên góp ủng hộ".
Trào lưu đăng clip hư cấu "đi khám bệnh phát hiện ung thư" khiến nhiều người hoang mang, lo sợ về tình trạng sức khỏe của mình. (Ảnh minh họa: iStock)
Không chỉ gây phản cảm vì câu view, giải trí dựa trên nỗi đau của người khác, trào lưu đăng clip "đi khám bệnh phát hiện ung thư" còn khiến nhiều người hoang mang, lo sợ quá mức về tình trạng sức khỏe của mình, bị ám ảnh với ý nghĩ "bệnh ung thư có ở mọi nơi".
"Xem những clip này, những người yếu bóng vía sẽ gặp bóng ma tâm lý, hễ có biểu hiện nào khác thường cũng sợ hãi nghĩ mình bị ung thư, cảnh giác với bệnh tật không có nghĩa là cứ phải căng thẳng không cần thiết"; "Những clip hư cấu kiểu này không chỉ gây tổn thương tình cảm của người bệnh thực sự mà còn làm giảm cơ hội được hỗ trợ của họ, vì công chúng mất lòng tin, nghi ngờ cả những trường hợp cần giúp đỡ"..., cư dân mạng bình luận.
Bác sỹ nội trú Nguyễn Thị Thao (Đại học Y Hà Nội) cho rằng việc chia sẻ thông tin không chính xác trên mạng xã hội có thể làm giảm sự tin tưởng vào lời khuyên và chẩn đoán của các chuyên gia y tế thực sự. Vì vậy, khi tiếp cận thông tin ung thư theo trào lưu này, mọi người không nên vội tin lời các TikToker mà cần tham khảo các thông tin chính thống hoặc trao đổi với bác sỹ chuyên khoa để có lời khuyên đúng đắn nhất.
Theo VTC News