Liên hoan năm nay có sự tranh tài của gần 50 tác phẩm thuộc 4 đơn vị công lập, 2 cơ sở đào tạo, 6 công ty, 7 vũ đoàn và 14 cơ quan, cá nhân từ nhiều tỉnh, thành, cho thấy tiềm năng nghệ thuật múa là rất lớn. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là vừa trải qua đại dịch COVID-19 nhưng Liên hoan Múa mở rộng TP HCM lần VII vẫn được tiến hành cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận từ ban tổ chức. Khán giả thật sự thích thú khi thưởng thức những tác phẩm múa được dàn dựng, trình diễn trên sân khấu lớn với âm thanh, ánh sáng hiện đại.
“Mắt bão” - 1 trong 5 tác phẩm múa đoạt giải A
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo nghệ thuật Liên hoan Múa mở rộng TP HCM năm 2022, các tác phẩm tham dự đã đem đến một diện mạo mới cho nghệ thuật múa. Mỗi tác phẩm dự thi đều có chủ đề thiết thực, màu sắc vùng miền khá rõ nét; bố cục, thiết kế sân khấu, trang phục phù hợp…, tạo nhiều cảm xúc cho người xem.
Chất lượng chuyên môn cũng được nâng cao đáng kể. Phương pháp sáng tác, năng lực diễn xuất ở nhiều tác phẩm có tính sáng tạo, đột phá, tạo nên không gian múa hấp dẫn kéo khán giả đến rạp. Đáng chú ý, nhiều biên đạo múa dàn dựng kết hợp các loại hình như hội họa, nghệ thuật đường phố, xiếc… Các đề tài xã hội, đời thường cũng được thể hiện tại liên hoan kỳ này.
Kết quả, hạng mục tác phẩm có 5 giải A (của Đoàn Văn công Quân khu 7; Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP HCM; Công ty Mania Family; Vũ đoàn Việt Hải; Công ty Múa SCBC Việt Nam), 7 giải B và 9 giải C. Hạng mục diễn viên có 3 giải A (Phạm Thế Phương, Thạch Hiểu Lăng của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP HCM; Nguyễn Huỳnh Như của nhóm Tổ Yến), 4 giải B và 5 giải C. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao giải cho 6 diễn viên triển vọng.
TS-NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM, cho rằng các tác phẩm sau khi đoạt giải cần được số hóa để lưu trữ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch triển khai một không gian biểu diễn cho nghệ thuật múa. Không gian này sẽ là điểm đến giao lưu - biểu diễn - học hỏi kinh nghiệm và thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của nghệ sĩ múa. Không gian này còn là nơi tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác, tập huấn để biên đạo múa, nhạc sĩ có thể tìm được sự đồng cảm qua việc đặt hàng những sáng tác âm nhạc phù hợp với tác phẩm múa từ đương đại đến dân gian.