Cô nàng Holly Nhẹ Dạ trong tiểu thuyết của Truman Capote thực chất mắt lác (người ta thường không biết cô đang nhìn đi đâu), tóc tém nhuộm nhiều màu phá phách, sở hữu giọng hát được mô tả là “giọng khàn của cậu con trai đang vỡ tiếng”. Vẻ ngoài kiểu này dường như không quyến rũ cho lắm.

Từ trong tiểu thuyết, Holly Nhẹ Dạ khi bước lên phim của đạo diễn Blake Edwards đã trở thành con người bằng xương bằng thịt (nhưng phần lớn khán giả chỉ được chiêm ngưỡng qua màn ảnh), có gương mặt của Audrey Hepburn. Và Audrey Hepburn thì lại không thể xấu, dù cô vào vai này khi đã 32 tuổi, gương mặt có chút nếp nhăn nhưng nhìn tổng thể vẫn nhỏ nhắn và xinh đẹp một cách thiếu công bằng với mọi phụ nữ khác trên thế giới. Và đàn ông khi xem phim cho rằng cô (Holly) “đáng yêu từ mọi góc cạnh và không thể tìm ra một điểm nào đáng ghét” (lời nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn). Bên cạnh giọng nói, tính cách, điệu bộ hút thuốc, phục trang lộng lẫy, bản thân vẻ đẹp sẵn có của nữ diễn viên cũng đóng góp phần lớn công sức vào sự đáng yêu đó. Nhân vật văn học xù xì và chân thực của Capote được "Hollywood hóa rất nhiều", trở nên lung linh và ít tính châm biếm hơn. Gia vị lãng mạn được nêm hào phóng, nhất là ở cảnh cuối.

2.JPG

Bìa cuốn "Bữa sáng ở Tiffany’s" bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Thông thường một bộ phim phải độc lập so với tác phẩm văn học gốc (nếu có) nhưng so sánh truyện và phim cũng là một việc làm muôn thuở, đặc biệt là với trường hợp cả truyện lẫn phim đều quá nổi tiếng và giúp nhau nổi tiếng như Bữa sáng ở Tiffany’s.

Nhân tiện so sánh, ta thấy một sự khác nhau cơ bản giữa truyện và phim, nằm ở nhân vật nhà văn và mối quan hệ với Holly. Trong truyện anh không có tên (được Holly gọi là “Fred” theo tên anh trai cô) và là người kể chuyện; trong phim anh tên Paul Varjak (George Peppard đóng) và là nam chính, đồng thời lại cao và đẹp trai. Một mối tình lãng mạn xảy ra là điều tất nhiên.

Trong tiểu thuyết, tình cảm giữa Holly và anh nhà văn không hẳn là tình yêu nam nữ. Theo nhận định của dịch giả Phạm Hải Anh, người dịch Bữa sáng ở Tiffany’s ra tiếng Việt, “Fred” dành cho Holly tình yêu của một nhà văn đối với nhân vật nữ chính yêu quý trong cuốn sách của mình. Đồng thời, anh cũng bị thu hút bởi cách sống kỳ quặc của cô gái này. Nhiều độc giả còn đoán rằng người dẫn truyện là người đồng tính. Có thông tin về sau Truman Capote cũng xác nhận “Fred” đồng tính, khiến độc giả hâm mộ càng sôi nổi thảo luận về sự tương đồng giữa “Fred” và Capote, khi chính Capote cũng là người đồng tính công khai.

Người ta nói thay đổi cái kết chính là thay đổi Holly. Holly văn học đã trở thành một biểu tượng văn hóa không chỉ bởi vẻ đẹp hay phong cách thời trang mà còn ở tính thời đại. “Không khí mơ hồ về sự bất ổn của cả một thời đại mà tôi cảm nhận được trong tiểu thuyết không còn được giữ lại nhiều trong phim”, dịch giả Phạm Hải Anh nhận xét. “Tiểu thuyết vừa chứa đựng sự lãng mạn của thế kỷ 19, vừa thể hiện sự thực dụng của chủ nghĩa tư bản vừa mới bắt đầu ở nước Mỹ”.

Thời Holly sống cũng là lúc Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, nước Mỹ trên đà trở thành siêu cường nhưng trong xã hội có sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ, khiến giới trẻ, với tâm lý dễ tổn thương, có xu hướng nổi loạn. Suy nghĩ “không thuộc về ai” của Holly là một kiểu thể hiện. Cô không đặt tên cho con mèo vì nó không thuộc về cô, cũng như cô không thuộc về những người đàn ông đó.

Holly là nhân vật Capote ưng ý nhất, và ông đã nhắm vai diễn này cho Marilyn Monroe. Nữ diễn viên đã từ chối sau khi được khuyên rằng vai diễn một cô gái gọi không tốt cho hình tượng của cô. Khi hãng phim chọn Hepburn, Capote đã rất bực, ông nói: “Paramount bằng mọi cách phản bội tôi và để Audrey đóng vai chính”.

Nhiều fan của cuốn tiểu thuyết cũng không thích những thay đổi trong phiên bản điện ảnh. “Holly là một nhân vật phức tạp và mạnh mẽ nhưng bộ phim đã thuần hóa cô một cách gượng ép, kể một câu chuyện cổ tích điển hình trong đó mọi phụ nữ đều sẽ được tình yêu giải cứu, và mọi phụ nữ bình thường, độc thân ở thành thị cũng có thể nói với bạn rằng: Chuyện đó không có thật”, cây bút Devin Mainville viết trên trang Popmatters.

Chi tiết “Holly được những người đàn ông cho 50 USD để vào nhà vệ sinh” thực chất là để mô tả nghề của cô, và 50 USD là số tiền cô nhận được vì những công đoạn trước đó chứ không phải để đi vệ sinh. Giải đáp thắc mắc “Liệu Holly có phải là gái điếm?”, Truman Capote đã trả lời tờ Playboy vào năm 1968 như sau: “Holly Golightly không hẳn là gái gọi. Cô ấy không có nghề nghiệp gì, nhưng thường đi cùng những người đàn ông giàu có đến các nhà hàng hạng nhất và các câu lạc bộ đêm, và cô hiểu rằng người đàn ông kia sẽ phải tặng cô một số món quà mới có được vinh hạnh đó, ví như đồ trang sức hay một tấm séc… Nếu cô thích món quà, cô sẽ mời người đó về nhà. Những cô gái như thế có thể coi là geisha kiểu Mỹ, và họ trở nên phổ biến hơn vào thời điểm này (1968), hơn là vào những năm 1943 hay 1944, thời của Holly”.

Bữa sáng ở Tiffany’s được chiếu ở trung tâm TPD, Hai Bà Trưng, Hà Nội hôm 11/3. Buổi trò chuyện về phim và tiểu thuyết được tổ chức ngay sau đó, với sự tham gia của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn và dịch giả Phạm Hải Anh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022