Chương trình diễn ra tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, quận 1, đánh dấu sự trở lại của nghệ sĩ sau nhiều năm sang Mỹ định cư. Trước đêm diễn, Bảo Quốc áp lực vì show chuẩn bị gấp - chỉ gần một tháng trước khi diễn. Ông cũng lo về sức khỏe do từng phẫu thuật gan nhiều năm trước. Sau khi tập dượt, nghệ sĩ tự tin lấy lại phong độ. "Tôi nhận ra mình vẫn còn 'ngon' lắm quý vị ơi", ông nói vui và nhận được tràng vỗ tay tán thưởng từ khán giả.
Nghệ sĩ Bảo Quốc trong show kỷ niệm 60 năm làm nghề. Ảnh: Mai Nhật
Đêm diễn chia làm ba phần, tái hiện sự nghiệp Bảo Quốc qua các trích đoạn kinh điển. Mở đầu, nghệ sĩ hồi tưởng thời hoàng kim của đoàn Thanh Minh Thanh Nga - gánh hát của gia tộc - qua vở Con gái chị Hằng (soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng). Vở diễn từng gây tiếng vang thập niên 1960-1970 với diễn xuất của nghệ sĩ Út Bạch Lan và Thanh Nga - chị gái cùng mẹ khác cha của Bảo Quốc. Tác phẩm xoay quanh người phụ nữ tên Hằng và Trinh - con gái bà. Ông Phùng - chồng bà - vì vỡ nợ, gả bán con gái cho chủ nợ, đồng thời khiến Trinh hiểu nhầm về mẹ và oán hận bà.
Bảo Quốc, Thanh Hằng, Tú Sương trong trích đoạn "Con gái chị Hằng", tối 3/7. Video: Mai Nhật
Khi tái dựng, Bảo Quốc chọn đoạn cuối tác phẩm, xoay quanh tình tiết bà Hằng (Thanh Hằng đóng) đã lâm trọng bệnh, chờ con gái (Tú Sương) về nhìn mặt lần cuối. Bảo Quốc vào vai cậu Tư - em trai kề cận, chăm sóc bà Hằng trên giường bệnh. Nét diễn của Bảo Quốc gợi thương cảm từ khán giả trong cảnh người em động viên bà giữ sức, chờ ngày gặp lại con. Lúc đối diện ông Phùng (Thanh Điền) - người gây nên nghịch cảnh, cậu Tư mạnh mẽ đối chất, buộc ông phải thừa nhận sai lầm. Phân đoạn Trinh về thăm nhà, phát hiện mẹ không còn nữa, biểu cảm của Bảo Quốc thể hiện nỗi đau quặn thắt khi nhân vật chứng kiến bi kịch.
Ở phần hai, Bảo Quốc gợi nhớ thời đỉnh cao của ông qua tiểu phẩm Không bán tình em. Thập niên 1980, sau thời gian theo nghiệp cải lương, Bảo Quốc thử sức với mảng hài kịch và đạt thành công vang dội. Trong đêm diễn, ông mời Bảo Chung - đồng nghiệp ăn ý - tái hiện một thời tung hoành trên các sân khấu hài kịch. Đôi nghệ sĩ vào vai cặp bạn già dắt nhau đi tìm con sau sự cố cháy nhà. Họ lang bạt khắp nơi, phải ngủ ngoài công viên. Bảo Quốc phát huy sở trường hài thoại với lối diễn tưng tửng. Dù đóng vai phụ, ông giữ nhịp cho đàn em Bảo Chung, Vũ Luân, con gái - ca sĩ Hồng Loan thoải mái tung hứng. Có lúc, khi nghệ sĩ đã đi vào cánh gà, cách ông thoại để trêu bạn diễn vẫn gây được tiếng cười.
Nghệ sĩ Bảo Quốc, Bảo Chung trong tiểu phẩm "Không bán tình em". Ảnh: Mai Nhật
Phần cuối là điểm nhấn của đêm diễn, được dàn dựng với thông điệp tôn vinh cải lương. Bảo Quốc mời dàn nghệ sĩ cải lương thế hệ vàng, gồm Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thoại Miêu tái hiện trích đoạn Nửa đời hương phấn (soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng). Ông đóng vai cha của The (Thoại Miêu) - cô gái trót theo con đường buôn phấn bán hương và Diệu (Lệ Thủy) - em gái The.
Nghệ sĩ biến hóa giữa phong cách bi - hài xuyên suốt tiết mục. Diễn chung các tên tuổi gạo cội của làng ca cổ, Bảo Quốc vẫn không kém cạnh. Ông chọc cười khán giả bằng cách trêu bạn diễn Ngọc Giàu (vai mẹ của The) với lời thoại: "Tui chưa thấy ai mập còn khoe như bà". Nghệ sĩ tung hứng với Lệ Thủy ở cảnh người cha vỗ về, trách yêu con gái vì con hiểu nhầm cha không thương mình bằng chị. Khi phát hiện The phải làm gái để kiếm tiền cho gia đình trả nợ, người cha như chết đứng với vẻ mặt bẽ bàng lẫn xót xa. Dưới hàng ghế khán giả, nhiều người lau nước mắt trước cảnh người cha đuổi The ra khỏi nhà dù "ruột đứt từng khúc".
Bảo Quốc, Thoại Miêu, Kim Phương trong trích đoạn "Nửa đời hương phấn". Video: Mai Nhật
Bảo Quốc dành một phần trong đêm diễn để tự thuật cuộc đời. Trên nền nhạc Dạ cổ hoài lang (soạn giả Cao Văn Lầu), ông nhớ về tuổi thơ ấm áp bên cha - nghệ sĩ Năm Nghĩa - và mẹ - bầu Thơ. Từ nhỏ, ông được cha nỗ lực truyền đam mê nghệ thuật, song ông không mặn mà lắm. Một lần, đoàn Thanh Minh diễn vở Người vợ không bao giờ cưới, nghệ sĩ Hữu Nghĩa bỏ vai phút chót vì ngã bệnh. Ông Năm Nghĩa bèn nói khích để Bảo Quốc nhận lời. Vai đầu đời của Bảo Quốc tỏa sáng, giúp ông dần dà bước chân vào nghề diễn. Sau khi cha qua đời, Bảo Quốc càng quyết tâm theo nghiệp của dòng họ. Từ đó, ông xin mẹ đi hát chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Lệ Thủy, Bảo Quốc trong trích đoạn "Nửa đời hương phấn". Ảnh: Mai Nhật
Trên sân khấu, các diễn viên trẻ hóa trang, điểm lại các vai diễn nổi bật của ông, như Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh, Đinh Lăng trong Thái hậu Dương Vân Nga, Y "xì ke" trong Bóng tối và ánh sáng... "60 năm với vô vàn gian khó, nhìn lại, tôi tự hào vì sự nghiệp được in đậm dấu ấn bởi các vai diễn này", ông nói.
Bảo Quốc nói vui khán giả đến với ông trong show "U50 thì ít mà U80 thì nhiều". Chương trình bán hết vé từ vài ngày trước khi diễn ra, 450 ghế của nhà hát được lấp đầy. Đa số người xem thuộc tuổi trung và cao niên, nhiều cụ ông, cụ bà được con cháu dìu bước lên cầu thang để thưởng thức chương trình. Khán giả Trung Phạm, 25 tuổi, cho biết khi hay thông tin về show, anh quyết định lùng mua tặng cho mẹ và bà ngoại một cặp vé. "Tôi thuộc thế hệ 9x, không quá rành về cải lương, nhưng cái tên Bảo Quốc in đậm trong tôi từ thuở bé. Gia đình ông là tấm gương mẫu mực của giới nghệ sĩ nhiều năm qua. Tôi cũng muốn góp một phần nhỏ để các show cải lương được đón nhận trở lại", Trung nói.
Khán giả tặng hoa cho Bảo Quốc (giữa) và nghệ sĩ Hà Linh (con trai Thanh Nga). Ảnh: Mai Nhật
Ngoài Bảo Quốc, các nghệ sĩ khách mời cũng tạo được sức hút. Đảm nhận vai trò MC, Kim Tử Long gây cười với lối dẫn chương trình duyên dáng, gần gũi. Nghệ sĩ Trọng Phụng khoe giọng qua tiết mục Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang (Vũ Đức Sao Biển), Hạng Võ biệt Ngu Cơ (Chí Linh). Tái xuất ở tuổi 72, Minh Vương được tán thưởng với màn tân cổ Chí Phèo ngẫu hứng (Đăng Minh).
Mai Nhật