Qua 6 tập, "Sống chung với mẹ chồng" đang trở thành bộ phim hot nhất nhì hiện nay. Sau bà mẹ chồng đáo để, cô con dâu đành hanh thì anh chồng nhu nhược cũng trở thành đề tài vừa bàn tán, vừa ném đá của khán giả trên mạng xã hội.
Cùng trò chuyện với Anh Dũng - người vào vai Thanh trong "Sống chung với mẹ chồng" để hiểu thêm về nhân vật cũng như những chuyện hậu trường của bộ phim này.
Sau 6 tập phim được lên sóng, cảm giác của bạn lúc này thế nào?
Tôi đã rất bất ngờ, cũng không nghĩ được nhiều người ủng hộ như vậy. Thậm chí có những khán giả cuồng phim. Họ đóng góp ý kiến rất nhiều bức xúc hay thương nhân vật nọ, ghét nhân vật kia. Tôi và cả đoàn cũng bất ngờ vì sự lan tỏa của bộ phim. Tôi cảm thấy những ngày tháng quay vất vả cùng đoàn làm phim đã được bù đắp.
Đã lâu lắm rồi mới có 1 bộ phim Việt Nam "gây bão", bạn nghĩ tại sao bộ phim này lại có sức hút như vậy?
Tôi nghĩ, điều đầu tiên là do chủ đề mẹ chồng - nàng dâu cũng là vấn đề nhức nhối chưa bao giờ hết hot. Với những người có gia đình rồi họ sẽ thấy mình xuất hiện trong đó. Còn với những người chưa lập gia đình thì xem để cảm nhận rằng nếu sau này lập gia đình, mình sẽ gặp những khó khăn gì. Sau 6 tập phim vừa qua khá là chân thực nên tôi nghĩ khán giả cảm thấy gần gũi hơn.
Khi tham gia bộ phim này bạn có gặp khó khăn gì không?
Khi anh Vũ Trường Khoa gọi điện nói muốn hợp tác với tôi thì trong đầu tôi đã nghĩ mình sẽ lại nhận 1 vai công tử ăn chơi nào đó. Nhưng khi nhận kịch bản bộ phim này tôi rất bất ngờ bởi nhân vật Thanh không hề giống tôi. Mới đầu đọc kịch bản, có vẻ như nhân vật Thanh nhạt nhẽo, nhu nhược, chẳng có cá tính nên diễn cũng dễ thôi. Nhưng thực sự, khi bắt đầu những cảnh quay đầu tiên tôi mới thấy thực sự khó.
Khi vào vai 1 nhân vật mình chưa hóa thân bao giờ, từ cách giải quyết công việc, cách nói chuyện, biểu cảm, đối mặt với vấn đề trong cuộc sống đều khác xa mình. Phải làm sao để ra được tính cách hiền lành, nhu nhược và tạo cho khán giả cảm giác khó chịu, quả thực rất khó.
Vậy bạn đã làm gì để vượt qua được những khó khăn ban đầu đó?
Sau khi ngồi nghiên cứu, tôi đã viết ra lý lịch của anh chàng Thanh này. Anh ta khoảng 35 tuổi, là dân IT, quen được bố mẹ bao bọc từ nhỏ, hiền lành, nhu nhược. Tôi cũng để ý những người xung quanh tôi rất nhiều. Anh chàng Thanh trong phim luôn lấp lửng, không quyết liệt. Rất khó đưa ra quyết định vì 1 bên là vợ 1 bên là mẹ. Anh ta lại yêu thương cả 2 người phụ nữ này.
Và càng diễn, tôi càng thấy anh chàng Thanh này là 1 vai diễn rất hay, điển hình cho những người đàn ông nhu nhược: hay ghen, không có chính kiến, hay suy nghĩ nên nghĩ quẩn. Nếu khán giả xem phim sẽ thấy tôi thường lồng ghép tính cách ghen tuông của anh Thanh này trong những tình tiết nhỏ như hỏi ai nhắn tin cho vợ... Và tính cách này của Thanh sẽ ngày càng bộc lộ rõ ràng, đỉnh điểm là cú tát vợ ở đoạn trailer đã khiến bao khán giả phẫn nộ.
Thanh đã bị khán giả "ném đá" khá nhiều qua 6 tập phim. Có bao giờ trong khi diễn mà bản thân bạn cảm thấy phẫn nộ với chính nhân vật của mình không?
Rất nhiều chứ. Trong đoàn làm phim quay với cô Hương Bông, diễn viên Bảo Thanh và rất nhiều diễn viên lớn khác. Nhiều lúc trong quá trình quay phim, bản thân tôi cũng rất khó chịu với anh chàng Thanh, bởi trong phim nhân vật hơi bị thần tượng hóa lên một chút để rõ câu chuyện hơn. Chứ không nhất thiết ở ngoài đời có bà mẹ chồng quá đáng như vậy hay anh con trai nhu nhược đến mức như thế.
Bản thân Thanh là một anh chàng thiếu chính kiến, không có tiếng nói, không thể đưa ra quyết định cho bản thân nên mới để người khác phải quyết định thay mình. Đó cũng chính là lý do khiến mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu càng căng thẳng bởi ai cũng quyết định thay Thanh. Nhưng tôi nghĩ, những mâu thuẫn trong mối quan hệ này do cả 3 người: mẹ chồng, chồng và nàng dâu.
Anh chồng và bà Phương là hai nhân vật bị ghét nhất qua 6 tập phim. Vậy với nhân vật còn lại là cô vợ, bạn đánh giá nhân vật này thế nào? Có phải là 1 nhân vật đáng thương?
Bà mẹ chồng quá đáng hay anh chồng nhu nhược đáng ghét là đúng. Nhưng cô con dâu cũng không phải dạng vừa. Thực ra, chắc cũng chẳng có cô con dâu nào mới cưới được hơn một tháng, về nhà chồng thoải mái bày tỏ con không thích cái này, vợ không hài lòng với cái kia, rồi đòi ra ở riêng.
Về làm dâu mà cũng không để ý những việc trong nhà. Cái hộp để đâu cũng không biết, đồ ăn thừa cũng chẳng hiểu phải cất thế nào... Thậm chí buổi sáng mẹ bảo con rửa đống bát này đi - một chuyện rất bình thường, thì cô vợ cũng thái độ luôn, mắt trợn ngược lên.
Chỉ trong 6 tập đầu, Thanh đã khiến khán giả ghét với nhiều tính cách khó ưa. Vậy càng về sau, độ khó chịu của Thanh có tăng lên không hay có chút nào để khán giả cảm thông được?
Đạo diễn và biên kịch không xây dựng tính cách một chiều cho nhân vật nào ở trong "Sống chung với mẹ chồng". Tôi không muốn tiết lộ quá nhiều về kịch bản phim sau này, nhưng có thể nói rằng vai Thanh này còn bề dày tâm lý rất là dài mà khán giả sẽ rất bất ngờ. Tuy nhiên, trước mắt thì anh Thanh này sẽ còn khiến mọi người phẫn nộ hơn rất nhiều.
Chỉ với những chi tiết nhỏ ví dụ như mua chiếc cốc cũng chẳng thể tự quyết định. Hay cái quần đùi mẹ cũng phải mua cho. Với nhiều tình tiết nhỏ như vậy cứ khiến sự ấm ức của khán giả tăng dần. Và đến giữa phim, cao trào trong tính cách đáng ghét của Thanh sẽ khiến khán giả cực kì ghét. Tôi còn lo rằng nếu gặp tôi ngoài đời, khán giả cũng sẽ chửi tôi vì ghét Thanh.
Bạn có lo lắng mình sẽ không được yêu mến vì vai diễn này không?
Thực ra khi nhận kịch bản, tôi cũng tự "ném đá" cho nhân vật của mình rồi. Nên khi đọc những comment tức giận, chửi bới tôi cũng cảm thấy quen rồi. Thực ra, khán giả càng ghét Thanh tôi nghĩ tôi lại càng thành công. Thành công trong việc thể hiện sự đáng ghét của nhân vật để khán giả phẫn nộ. Vai diễn này cũng là một sự thay đổi hoàn toàn của tôi so với những vai diễn trước. Tôi cũng phải cảm ơn anh Khoa đã tin tưởng giao vai diễn này cho tôi.
Vậy anh chàng Thanh này có tính cách nào của bạn ở ngoài đời không?
Ngoài đời tôi là người vui vẻ, hòa đồng, luôn dứt khoát với những quyết định trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có 1 phần nào đó tính cách của Dũng ngoài đời ở nhân vật Thanh trong phim. Thực ra, ở kịch bản ban đầu nhân vật Thanh này đã thiếu chính kiến, nhạt nhẽo lại hơi khô cứng. Tôi đã thêm 1 chút gia vị vào cho Thanh như những lúc anh ta dẻo miệng nịnh mẹ, nịnh vợ. Hay thi thoảng vui tính trêu đùa, có những việc làm tình cảm với mẹ, hành động lãng mạn với vợ.
Bạn và Bảo Thanh là bạn bè ở ngoài đời, vậy có khó khăn khi các bạn cũng diễn là 1 cặp vợ chồng với nhiều cảnh thân mật ở trong phim không?
Thực ra tôi và Bảo Thanh là bạn học. Chúng tôi cũng tham gia rất nhiều dự án phim với nhau. Bản thân gia đình tôi hay gia đình Bảo Thanh cũng đều biết rõ 2 đứa. Nên khi tham gia bộ phim này, tôi cũng nghĩ là 1 thử thách. Những cảnh thân mật, cả 2 đứa đều có chút cố làm để thoát khỏi cảnh bạn bè ngoài đời.
Và anh đạo diễn đã bắt 2 đứa làm một việc là ở hiện trường không được xưng mày-tao mà phải xưng anh-em. Lúc đầu thì có vẻ ngượng ngùng, hai đứa nói trống không với nhau. Nhưng sau đó, dần quen hơn thì ở hiện trường chúng tôi đều "nhập vai" mà xưng anh em. Tuy nhiên, ngay khi phim off đoàn thì cả 2 đứa lại trở ngay về danh xưng mày-tao.
Khi xem "Sống chung với mẹ chồng", nhiều khán giả đã thốt lên "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu", bạn nghĩ sao?
Tôi cũng đã nghe nhiều ý kiến rằng sợ hôn nhân sau khi xem bộ phim. Nhưng tôi nghĩ nếu nghĩ như vậy các bạn đã nhầm. Thực ra bây giờ, nhiều cặp mẹ chồng - nàng dâu sống rất vui vẻ. Ngay như cô Hương Bông từng chia sẻ con dâu của cô có thể ngủ đến 12h trưa. Đâu phải gia đình nào hôn nhân cũng nặng nề như vậy.
Tôi nghĩ, các bạn xem phim, theo dõi từng nhân vật, rút kinh nghiệm cho bản thân mình ở nhiều góc nhìn khác nhau. Mình nghĩ 1000 gia đình mới có 1 gia đình như gia đình Thanh. Nên thay vì thời gian suy nghĩ, sợ hãi về hôn nhân, các bạn nên tinh tế đối xử với những người xung quanh mình hơn. Hôn nhân của bạn hạnh phúc hay không là do vợ và chồng chứ không do mẹ chồng hay do anh em, hàng xóm xung quanh. Bản thân bạn phải làm cho chính mình hạnh phúc.
Cảm ơn Dũng về cuộc trò chuyện.