Năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 256 - QĐCT về việc thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng (KTST) ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian hoạt động, Văn phòng KTST Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và có được Bản Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.
Góp ý với Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI, GS.TSKT Nguyễn Lân - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho biết: Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sau đổi mới kinh tế (bắt đầu từ Đại hội Đảng VI năm 1986), quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội đang phải căng mình đón một làn sóng đổi mới sôi sục, Thủ đô đang đứng trước một vấn đề cơ bản, cấp bách: Phải phát triển nhưng sẽ phát triển thế nào?
Vào thời điểm ấy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và UBND TP Hà Nội giao cho Văn phòng KTST phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng một quy hoạch mang tính bản lề cho Hà Nội nhằm phát triển đô thị lâu dài, bền vững, có định hướng cụ thể - Chính thức quản lý xây dựng theo quy hoạch. Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn có phương án triển khai các nhiệm vụ nhanh, gọn, linh hoạt và tập trung. Ông thường lập ra các tổ công tác đặc biệt, gồm một số ít những người thực sự có khả năng nổi trội để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách của đất nước và các vùng, miền. Những tổ công tác đặc biệt được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lập ra và trực tiếp chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế cho Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên hay Đồng bằng sông Cửu Long đều hoạt động rất hiệu quả.
Văn phòng KTST TP Hà Nội cũng được Thủ tướng chỉ đạo rất chặt chẽ. Vì thế, sau 10 năm làm việc, những vấn đề cơ bản của quy hoạch, kiến trúc Hà Nội tới năm 2020 đã có một lộ trình rõ nét. Những vấn đề nhạy cảm được xử lý ngay lập tức: Khách sạn Deawoo từ vị trí gần Lăng Bác được chuyển ra khu vực Thủ Lệ như bây giờ; Vấn đề bảo tồn phố cổ, giữ gìn nét đẹp những mặt hồ, các di tích lịch sử văn hóa… đã có được thành quả tốt trong thời điểm cực kỳ khó khăn lúc ấy.
Vì thế, quy hoạch kiến trúc Hà Nội cần hết sức chú trọng tầm nhìn của người làm quy hoạch. Do đó, Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần này cần bổ sung nội dung: “Đặc biệt chú trọng năng lực, tầm nhìn của cán bộ làm quy hoạch”.
Như vậy, đâu là những khó khăn cơ bản nhất của quy hoạch, kiến trúc mà Hà Nội sẽ luôn phải đối mặt trong thời gian tới?
- Bất cứ lúc nào khi đô thị Hà Nội chuyển mình, quy hoạch, kiến trúc Hà Nội luôn vấp phải một khó khăn khó giải quyết nổi, đó là sự thiếu đồng bộ. Có quá nhiều nền văn hóa và quá nhiều hình thái quản lý chi phối quy hoạch và kiến trúc vùng đất này trong 100 năm trở lại đây.
Ngoài yếu tố lịch sử, Hà Nội luôn là vùng nhạy cảm, hay bị tác động của những cái mới, chuyện mở rộng Thủ đô năm 2008 là một ví dụ. Vì thế, công tác quy hoạch và quản lý đô thị phải được đặc biệt coi trọng, như trong bài phát biểu của Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua đã nêu rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu phát triển Thủ đô giai đoạn 2015 - 2020, trong đó nhiệm vụ thứ hai là: “Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch”.
Trước đây, Văn phòng KTST đã xây dựng định hướng cơ bản cho Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội: Cái gì mang giá trị của lịch sử thì phải giữ bằng mọi giá, cái gì xây dựng mới thì đưa ra xa trung tâm. Định hướng này đã được Chính phủ chấp thuận và thành quả của nó hiện nay là các khu phố cổ, phố cũ được giữ gìn tương đối nguyên vẹn, các khu công nghiệp đưa ra các vùng ven. Những quy hoạch sau này cũng phải luôn bám sát định hướng ấy.
Chính vì thế, tôi cho rằng, Đại hội lần này cần tiếp tục nhấn mạnh định hướng cơ bản của quy hoạch thành phố để góp phần cho Hà Nội phát triển bền vững theo 4 tiêu chí: “Cạnh tranh tốt – Cuộc sống tốt - Tài chính lành mạnh – Quản lý tốt”.
Hà Nội có một thực tế, đó là còn quá nhiều tồn tại cản trở sự phát triển đô thị do lịch sử để lại, vì thế người ta mặc nhiên chấp nhận nó. Điều này liệu có thể thay đổi được không, thưa ông?
- Trong việc quản lý đô thị cũng chỉ có hai tình trạng: Đúng và sai. Còn tất nhiên trước một cái sai đã được mặc nhiên chấp nhận phải cần những quyết tâm cao độ, lòng dũng cảm ở lãnh đạo các cấp cùng những người trực tiếp thực thi công việc và một chương trình hành động rõ ràng, nghiêm túc để giải quyết triệt để cái sai ấy.
Chỉ hơn 20 năm trước, khi Văn phòng KTST Hà Nội có đề xuất xây dựng kè và đường quanh Hồ Tây, nhiều người coi đó là chuyện không tưởng. Liên quan đến sai phạm lấn chiếm Hồ Tây lúc đó, nhiều hộ gia đình, thậm chí còn cả những cơ quan, tổ chức. Vì thế, đã từng có ý kiến: “Lấp một phần Hồ Tây để bán lấy tiền phát triển kinh tế”, bây giờ thì ý kiến đó nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng lúc đó, nó khá nghiêm túc. Tuy nhiên, khi có quyết tâm thì dù khó khăn mấy vẫn có thể làm được. Bây giờ “đề xuất không tưởng” về Hồ Tây đã cơ bản hoàn tất, không chỉ Hồ Tây mà hầu hết những hồ lớn tại Hà Nội đã được kè bờ, có cảnh quan sạch, đẹp.
Thực ra, muốn giải quyết những tồn tại lớn thì đầu tiên phải chọn một đội ngũ cán bộ có tâm huyết, “có Tâm, có Tầm” và có kỹ năng thực thi nhiệm vụ, tuyệt đối không tiêu cực thì mới tránh được những sai lầm, đủ khả năng giải quyết những tồn tại đang có. Chính vì vậy, Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội cũng nên coi việc lựa chọn cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng để tránh những sai lầm và giải quyết triệt để những sai lầm. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, tránh chồng chéo và nâng cao trách nhiệm cá nhân hơn nữa.
Xây dựng một đô thị mang đặc thù Thủ đô như Hà Nội không chỉ cần những chính sách, quy hoạch ở tầm vĩ mô mà còn rất cần sự đóng góp của Nhân dân. Trong vấn đề quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội, điều quan trọng nhất mà Đảng bộ TP cần truyền tải đến Nhân dân Thủ đô là gì, thưa ông?
- Tại Hà Nội, trong những năm gần đây, tình trạng “quy hoạch, kiến trúc tự phát” ngày càng diễn ra nhiều hơn, vấn đề này là rắc rối mang đặc thù của các đô thị nước ta. Giá đất đô thị quá cao, vì thế Nhân dân, chính quyền địa phương những nơi mới đô thị hóa có nguồn lực kinh tế rất lớn (nhờ tiền bán đất), vì thế họ dễ dàng xây dựng không quan tâm đến quy định quản lý xây dựng đô thị.
Việc phá vỡ quy hoạch, kiến trúc làm thiệt hại cho phát triển đô thị thì đã đành, tuy nhiên những thiệt hại của Nhân dân khi các công trình bị xử lý là vô cùng lớn. Chính vì thế, tôi mong muốn trong Đại hội lần này đặt ra nhiệm vụ: Tăng cường công tác quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, ATGT, kỷ cương và văn minh đô thị cần bổ sung thêm nhiệm vụ: Tuyên truyền thường xuyên, nâng cao ý thức tuân thủ quy hoạch, kiến trúc chung trong xây dựng của mọi tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt nhấn mạnh, việc công khai các quy hoạch, thủ tục cấp phép xây dựng để Nhân dân tránh được những sai phạm, thiệt hại không đáng có.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Kinh tế & Đô thị)