Hiện nay, ở Việt Nam có xu hướng "dìm" đàn ông Việt quá nhiều, vẽ nên những bức tranh màu hồng về đàn ông nước ngoài, dễ dẫn đến những ảo tưởng không đáng có, thậm chí nguy hại.

Bản thân tôi là một người trung dung. Tôi đã có những trải nghiệm cả tốt lẫn xấu với cả đàn ông Việt Nam, đàn ông châu Á nói chung và Tây.

Trong 3 năm qua, tôi quen biết, kết bạn với khá nhiều đàn ông đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau do thường xuyên đi du lịch một mình (đồng nghĩa là đối tượng thường được/bị đàn ông chú ý) và làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

Tôi từng gặp khá nhiều đàn ông Tây vô phép, thô bỉ, và không ít đàn ông ta lịch thiệp, đáng mến (và ngược lại). Phụ nữ Việt muốn lấy chồng Tây, tôi thấy cũng dễ hiểu và tốt, nhưng họ không nên ảo tưởng hay ngưỡng mộ quá mức. Tây hay Việt thì cũng là người, mà con người thì phần đông là vị kỷ và đầy rẫy thói xấu.

Nếu bạn gặp phải người xấu, nên coi đó là chuyện thường, chớ nên bi kịch hóa. Nếu bạn gặp được người tốt, đừng vội vàng kết luận là ai cũng vậy mà nên trân trọng, bởi người tốt, người tử tế dịu dàng - nghĩa là những "quý ông" - thực sự rất hiếm có khó tìm trong thời đại này. Xin tạm đơn giản hóa sự so sánh của tôi như sau:

1. Tư tưởng bình đẳng

Đàn ông nước ngoài thường được ca ngợi là những người chăm chỉ, chịu khó chia sẻ việc nhà với vợ. So với đàn ông Việt ở điểm này, đương nhiên đàn ông Tây nhìn chung là tốt hơn, nhưng cần nhớ họ làm như vậy là do họ đã có tư tưởng bình đẳng ăn sâu trong máu: độc lập và không dựa dẫm.

Họ rời khỏi ngôi nhà của bố mẹ để tự lập từ sớm nên những chuyện như lau nhà, rửa bát, nấu ăn đối với họ cũng bình thường và chia sẻ việc nhà với bạn đời là chuyện đương nhiên. Nhưng chính cái tư tưởng bình đẳng đó cũng dẫn đến những hệ lụy nhất định dưới đây.

2. Đàn ông Tây đôi khi quá bình đẳng

Tư tưởng bình đẳng của nhiều đàn ông Tây không chỉ bộc lộ ở nhà bếp mà còn được thể hiện ở nhà hàng. Nếu như ở nhiều nước châu Á, việc đàn ông trả tiền cho phụ nữ là điều hiển nhiên (với điều kiện chỉ là hai cốc cà phê, hai người gặp riêng nhau lần đầu, người nam chủ động rủ còn chuyện ăn trưa, ăn tối thì tôi không xét vì tùy trường hợp).

Tôi đã gặp những anh Tây không hề có ý định mở hầu bao trong cuộc gặp gỡ do họ chủ động đề xuất với lý do nhờ vả hoặc tìm hiểu tôi. Câu cửa miệng của họ với người phục vụ là: "Liệu chúng tôi có thể trả tiền riêng hay không?". Khi nghe câu nói đó, xảy ra không chỉ một lần, tôi thực chỉ muốn xỉu, trong đầu tự hỏi một câu hỏi to đùng: "Thật vậy chứ".

Tôi không sống trong thời cổ đại. Tôi là một người có tư tưởng tương đối bình đẳng. Với những bạn trai hoàn toàn trong sáng, tôi không bao giờ trông đợi hay cho rằng việc họ trả tiền cho tôi là điều hiển nhiên. Khi nhờ vả đàn ông việc gì đó, tôi còn đề nghị mời họ một ly cà phê.

Nhưng dù sao, tôi vẫn là một cô gái. Bởi vậy, tôi cho rằng, nếu người đàn ông thực sự là một quý ông, khi họ muốn nhờ vả hay có ý muốn tìm hiểu tôi (một cách lãng mạn), họ sẽ đề nghị thanh toán, ít nhất là cho cốc cà phê trong lần gặp riêng đầu tiên. Hành động đó không thể hiện là họ ở vị thế cao hơn tôi, càng không thể hiện là họ nghĩ tôi không có khả năng trả tiền, mà chỉ giống như một thông điệp: "Cảm ơn em vì đã mất công, mất sức, mất tiền đi lại để đến đây và dành thời gian cho anh". Vậy thôi.

Tất nhiên, đó chỉ là quan điểm của riêng tôi, nếu ai đó có quan điểm quá bình đẳng mà mất lòng thì tôi cũng đành chịu. Thêm nữa, cũng cần lưu ý rằng: không phải đàn ông Tây nào cũng sòng phẳng đến vậy. Cũng có những người hào phóng. Nhưng nếu bạn có gặp một người như vậy, xin đừng vội cho rằng anh ta sẽ luôn muốn hào phóng như vậy trong tương lai.

Dẫu sao, nếu cả hai đều đi làm và có thu nhập, để cho một người lúc nào cũng trả tiền như thể đó là điều đương nhiên, cho dù đang hẹn hò, thì không phải là công bằng cho lắm. Họ có thể rất hào phóng mời bạn ăn tối, nhưng bạn nên tỏ ý trân trọng điều đó bằng lời cảm ơn. Tốt hơn nữa, bạn có thể đề nghị làm gì đó cho họ để đáp trả nếu bạn có cảm tình với họ như mời cà phê, trả tiền vé thăm quan một địa điểm nào đó...

Về mặt này, phải nói là đàn ông ta hào phóng hơn nhiều. Tôi đã gặp những người đàn ông đi chơi với tôi, mà dù chúng tôi không phải là tình nhân gì cả, luôn chủ động trả tiền trong mọi trường hợp. Có một anh chàng, dù sống ở phương Tây từ nhỏ, nhưng vì gốc gác châu Á, nên tỏ ra hào hiệp đến mức không để tôi trả tiền bất cứ một khoản nào, dù chỉ là một chai nước mà tôi vì quá khát nên tạt vào mua tạm. Trong trường hợp này, tôi lại muốn trả tiền vì cảm thấy quá có lỗi khi để anh thanh toán liên tục cho mình.

3. Đàn ông Tây có thể bình đẳng đến mức lạnh lùng

Khi một người đàn ông châu Á "dụ dỗ" bạn, do tư tưởng phương Đông đã thấm sâu vào trong máu anh ta, anh ta thường sẽ cảm thấy mình phải có trách nhiệm với bạn. Bởi vì trong mắt anh ta, bạn đã "hy sinh", "dâng hiến" cho anh ta nên anh ta cảm thấy cần phải đền bù cho bạn.

Đàn ông phương Tây không vậy. Cho dù anh ta có qua đêm cùng một cô gái (trong khi hai người chưa phải người yêu chính thức), thì nếu không có tình cảm, anh ta sẽ chẳng có trách nhiệm gì. Trong mắt anh ta, hai người đều tận hưởng, chẳng ai nợ nần gì nhau. Vui vẻ xong thì tạm biệt. Không còn có ngày mai.

Tất nhiên, nếu anh ta yêu bạn thì lại là chuyện khác, anh ta sẽ tiếp tục ở bên bạn và có thể còn cư xử ngọt ngào hơn bội phần. Nhưng đó không phải vì anh ta cảm thấy có trách nhiệm, mà là vì anh ta thực lòng muốn thế.

Sự bình đẳng này, tùy con mắt mỗi người, mà có thể là tốt hay là xấu. Tôi xin miễn bình luận.

4. Đàn ông Tây không ngừng tìm kiếm cơ hội gần gũi phụ nữ ở mức sát nhất có thể của từ này

Đàn ông ta… cũng thế (họ là đàn ông mà) nhưng thường kiên nhẫn hơn.

Đây chính là điểm khiến tôi thường trở nên đề phòng với đàn ông Tây hơn hẳn. Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của những câu nói như "Tối nay, em có muốn qua nhà anh không", "Anh qua chỗ em chơi nhé", thậm chí "Hôm nào để anh nấu cho em một bữa nhé". Hẳn nhiên, tôi không còn sống trong thời trung cổ và cũng chẳng hề dị ứng chuyện đàn ông hay phụ nữ gần gũi nhau. Nhưng người đàn ông nào chỉ mới quen tôi mà đã đưa ra những đề nghị nói trên, thì có nghĩa là sẽ không có lần gặp hai.

Đàn ông Tây nếu yêu bạn thì vẫn ở bên bạn không chỉ vì lý do "nhu cầu" và đàn ông Tây tinh tế, thực sự quan tâm đến bạn cũng sẽ tỏ ra cẩn trọng trong vấn đề này hơn.

5. Đàn ông Tây thẳng thắn, trung thực hơn đàn ông ta, nhiều khi trung thực đến phát sợ

Đàn ông Tây chỉ quen con gái cho vui, thường lộ bản chất khá sớm. Nhiều khi họ thậm chí còn cố tình bộc lộ bản chất. Họ mời bạn chung vui cùng họ, nhưng họ cũng thể hiện rõ ràng: "Chúng mình chỉ vui vẻ hôm nay thôi nhé". Nếu bạn đang tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc, xin đừng trông đợi gì ở họ.

Đàn ông ta không thế. Họ có thể không yêu bạn mà chỉ muốn dụ dỗ bạn thôi, họ vẫn tỏ ra ngọt ngào, chiều chuộng như thể họ có thể bay lên mặt trăng mang thỏ ngọc về tặng bạn. Hiển nhiên, một vài người trong số họ, chính vì cái tư tưởng "nạn nhân" mà tôi đã nói ở trên, sẽ cảm thấy cần phải chịu trách nhiệm với bạn. Nhưng sự thực vẫn không hề thay đổi: họ chỉ muốn lừa dối bạn, họ không hề yêu bạn. Bạn có thể là người chia tay, nhưng đó chỉ là vì họ không có can đảm làm điều đó (bởi họ không muốn bạn nhận ra mình đã bị lừa dối).

Kết luận cuối cùng là gì? Đàn ông Tây hay Việt đều có người tốt và có (nhiều) người rất xấu. Đừng dễ dàng tin họ, đừng dễ dàng yêu họ, càng không nên sùng bái họ, dù họ đến từ đâu.

khaosat-9489-1446265967.jpg

 trên hơn 1.400 bạn đọc VnExpress cho thấy, 36% cho rằng đàn ông Việt có nhiều điểm xấu hơn đàn ông Tây, trong khi chỉ có 3% cho ý kiến ngược lại. 

Minh Thi Nhà báo, đang du học truyền thông tại Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022