Chào mừng đến với SERIES 8 (P1) – 8 Phong cách nội thất điển hình trong thiết kế
Những năm trở lại đây, ngành kiến trúc – nội thất gần như trở nên đa sắc màu, đáp ứng hầu hết thị yếu của khách hàng kể cả những người khó tính nhất. Mỗi người có một gu thẩm mỹ riêng, và theo đánh giá của cá nhân tôi – sau đây là 8 phong cách nội thất phổ biến và ấn tượng nhất.
#1 – NEO CLASSICAL style | Phong cách Tân Cổ Điển
Ra đời và định hình kiến trúc Châu Âu trong hai thế kỉ 18 – 19, đến nay phong cách Tân Cổ Điển vẫn được ưa chuộng hàng đầu và giữ được chỗ đứng giữa những lối thiết kế hiện đại khác. Neo Classic nổi bật bằng vẻ đẹp sang trọng, quyền quý, đặc biệt mê đắm đối với những người yêu thích kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ đại bởi nó vẫn giữ được những nét đặc trưng cổ điển trong một khung nền hiện đại.
Tân Cổ Điển nhấn mạnh vào các phào chỉ trên tường, trần, các hoa văn trang trí tinh xảo, thức cột cổ điển Hy Lạp, các chi tiết như tay vịn cầu thang, đèn chùm, thiết kế ánh sáng, vật liệu sàn, đồ nội thất đặc thù của giới thượng lưu phương Tây. Màu sắc được sử dụng thường là màu trung tính (đen, trắng, ghi) pha với các màu trầm và kim loại (vàng, bạc).
Đây là vẻ đẹp thường được hướng đến trong các công trình cao cấp như biệt thự, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…
#2 – ART DECO | Trào lưu nghệ thuật tân tiến
Bắt nguồn từ trào lưu nghệ thuật tại Pháp vào đầu thế kỉ 20, phong cách này lan rộng và gây ảnh hưởng mạnh đến kiến trúc – nội thất. Đó là sự hòa hợp và pha trộn của các trường phái Tân Cổ Điển, Kết Cấu, Lập Thể, Art Nouveau và Hiện Đại.
Những gì mà Art Deco thể hiện là sự hướng tới những tuyến hình đơn giản, những khối hình học kinh điển trong bố cục không gian, các đường thẳng trong trang trí rất dứt khoát, mạnh mẽ. Vật liệu sử dụng là kim loại, thép, kính, gỗ.
Chi tiết trang trí được thực hiện cầu kì : khảm gỗ, uốn cong thép, đính đá – ngọc, mạ kim loại quý. Đồ nội thất khá đơn giản, hiện đại, màu sắc nhẹ nhàng với tone sáng và không giới hạn màu nhấn.
#3 – VINTAGE | Bụi bặm, cũ kĩ
Vintage là một phong cách thiết kế đã và đang được yêu thích trên toàn thế giới. Từ những nét đẹp trong quá khứ, nó đã đem đến một hơi thở mới cho cuộc sống hiện đại bằng sự gần gũi, giản dị.
Đặc điểm giúp Vintage ghi điểm là một không gian cổ kính sử dụng những đồ đạc cổ kính, những ô cửa sổ ngả màu thời gian, những chiếc ghế cũ kĩ đầy mộc mạc, chiếc đồng hồ bằng đồng gỉ sét đặt trên một cái tủ gỗ đã quá tuổi … Tất cả pha trộn tạo nên vẻ đẹp theo dòng thời gian.
Màu sắc sử dụng là các tone màu trầm (như gỗ) kết hợp màu pastel hiện đại. Vẻ đẹp mộc mạc, bình dị, không xa hoa, hào nhoáng này là cảm hứng cho thiết kế của rất nhiều quán cafe hiện nay.
#4 – INDUSTRIAL style | Phong cách Công nghiệp
Lấy cảm hứng từ những nhà xưởng trong Thời đại Công Nghiệp, Industrial Style mang tới vẻ đẹp thô mộc, gợi nên một không gian làm việc phóng khoáng mang tính sản xuất công nghiệp.
Phong cách này nhấn mạnh bằng những bức tường gạch, sàn bê tông mài, trần thô cùng hệ thống dầm cột được phô bày và những đường ống đèn, điều hòa để lộ giúp không gian thoáng đãng, “ăn gian” về chiều cao.
Thiết kế với phong cách công nghiệp có thể kết hợp với ánh sáng và đồ nội thất từ các phong cách khác, trau chuốt tỉ mỉ hòa vào không gian thô mộc, đơn giản. Ngoài các căn hộ, phong cách này khá phổ biến trong không gian quán ăn, nhà hàng.
#5 – SCANDINAVIAN style | Vùng Bắc Âu lạnh giá
Vẻ đẹp của vùng Bắc Âu được phô bày trong phong cách Scandinavi. Từ xưa, những ngôi nhà ở khu vực lạnh giá này luôn được đánh giá cao bởi chúng đơn giản mà đẹp, nhã nhặn mà ấm áp.
Các KTS và nhà thiết kế đã biến hóa phong cách Scandinavi trở nên hiện đại và gần gũi hơn, nhưng vẫn giữ được nét trong trẻo, gọn gàng của những ngôi nhà cổ. Đó là sự kết hợp của đồ trang trí, decor cổ điển với các trang thiết bị như đồ gỗ, cửa kính, lò sưởi, máy lạnh. Màu sắc chủ đạo là các tone sáng làm nền như các màu pastel, trắng, ghi nhạt kết hợp với màu trầm của gỗ, xanh lam đậm, xanh rêu, ghi tối làm điểm nhấn.
Hình tượng truyền thống của vùng Scandinavi là “đầu hươu”, ngày nay được biến thể thành tranh vẽ, tranh treo hoặc các sản phẩm tạo hình trang trí
Sàn gỗ và đồ gỗ đóng vai trò quan trọng định hình phong cách này, bởi từ xưa những người Scandinavi đã có thói quen sử dụng vật liệu gỗ trong ngôi nhà của mình như một cách đối mặt với thời tiết lạnh giá.
#6 – ECO style | Xu hướng Sinh thái
Phong cách ECO ra đời vào đầu thế kỉ 20 với thông điệp kêu gọi nhân loại hãy quan tâm và cứu lấy môi trường. Đúng như những gì nó truyền tải, ECO mang lại trong các thiết kế một xu hướng XANH, mang cây xanh vào nhà, sử dụng các vật liệu từ tự nhiên (gỗ, tre, mây…) hoặc tái chế (gạch đỏ, đá, đất sét) nhằm giảm ô nhiễm môi trường.
Là phong cách thư giãn, mềm mại nên tổng thể một không gian ECO sẽ mang những tone màu nhẹ nhàng (trắng, pastel, ghi sáng) kết hợp với xanh lá của cây và màu tự nhiên của gỗ.
ECO đóng góp một phần không nhỏ vào xu hướng KIẾN TRÚC XANH của toàn cầu. Nếu đang tìm kiếm một vẻ đẹp thiên nhiên, tinh tế và nhẹ nhàng, ECO chính là sự lựa chọn đáng quan tâm nhất.
#7 – MID CENTURY | Hoài cổ những năm 1950
Là một phong cách thiết kế nội thất mới, lấy cảm hứng từ những thập niên 40 – 60 của thế kỉ trước. Với tuyên ngôn đơn giản – thẳng thắn – sang trọng và hòa hợp với thiên nhiên, MID CENTURY đưa vẻ đẹp hoài cổ đến với hiện đại.
Đây là style quan tâm nhiều đến đồ nội thất, các món đồ phải được chọn lựa kỹ lưỡng và mang những nét đẹp của thế kỉ trước. Đồ gỗ là đặc trưng cơ bản nhất của phong cách này, bằng những đường cong cổ điển và hình thái trang nhã. Hans Wegner là một nhà thiết kế nổi bật ở thời kì này với những chiếc ghế ấn tượng như Kennady, Bull, Ghế chữ Y. Xem thêm các thiết kế của ông tại đây
Ngoài ra, việc lựa chọn màu sắc cũng phải được cân nhắc, không nên quá dữ dội: các gam màu trầm, màu trung tính hoặc màu sáng nhẹ nhàng. Chi tiết trang trí không nên cầu kì, đơn giản nhưng phải mang một hình tượng có ảnh hưởng mạnh đến thị giác. Một vài chậu cây được đặt tinh tế cũng giúp tạo nên điểm nhấn trong không gian.
#8 – COUNTRY | Những vùng quê Phương Tây
Cuối cùng, ít được nhắc đến hơn là COUNTRY – phong cách đồng quê. Đúng như tên gọi, đây là cảm hứng thiết kế từ những ngôi nhà ở vùng ngoại ô các nước Châu Âu. Phong cách này không bị giới hạn quá nhiều, là sự yên bình, giản dị và nét hài hòa trong đời sống và không gian.
Country có thể là một căn nhà gỗ phóng khoáng kiểu Mỹ với những phụ kiện trang trí hoài cổ, một không gian kiểu Pháp lãng mạn trong hoa văn – đường nét, hay một ngôi nhà đậm chất Anh trang nhã, quý phái.
Thiết kế theo xu hướng này đòi hỏi một gu thẩm mỹ tốt trong việc lựa chọn các đồ đạc mang tính biểu tượng như rèm cửa, khung tranh treo, bàn ghế kiểu cổ, đèn ngủ, hay thậm chí là hoa văn trang trí tường. Màu sắc cũng khá phong phú trong hầu hết các lựa chọn, có thể là màu cổ điển Vintage, Retro phối với một chút Mid Century, Scandinavi.
Duc Anh – Kienviet.net