Trong dòng biến thiên của thời gian, nơi đây đã không còn dáng vóc của một phố thị "trên bến dưới thuyền", nhưng những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm vẫn như đang kể lại câu chuyện về phố Đầm xưa.
Với lợi thế gần đường quốc lộ và bến sông, Xuân Thiên trước từng là một điểm buôn bán sầm uất, là vùng trù phú lái buôn bốn phương và các hộ dân khắp nơi về họp chợ. Chợ Đầm nổi tiếng trong vùng với những mặt hàng thủ công tinh xảo, những lâm, thủy sản ở miền ngược và miền xuôi.
Trước những năm 70, xã Xuân Thiên có khoảng 100 ngôi nhà cổ, tập trung chủ yếu ở phố Đầm, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 ngôi nhà giữ được dáng cũ (ảnh: báo Xây dựng) |
Ở đây, các nghề thủ công rất phát triển như: nề, nhuộm, đan lát, may mặc, kim hoàn, sành gốm, nồi đất, gạch ngói. Cảnh người mua, kẻ bán tấp nập, từ bến sông lên đến phố Đầm, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền rất sôi động thời bấy giờ. Chính vì điều kiện thuận lợi, làm ăn phát đạt nên nhiều người dân ở khắp mọi nơi đều tìm đến phố Đầm để an cư lập nghiệp.
Cũng chính lẽ đó mà nhiều ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp đã được chủ nhân tạo dựng nên. Ngôi nhà 2 tầng của gia đình bà Cao Thị Đức là một trong những ngôi nhà như vậy, với tuổi đời trên 120 năm. Trải qua 4 đời, toàn bộ kiến trúc bên ngoài và bên trong ngôi nhà hầu như vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn.
Bà Cao Thị Đức chia sẻ: “Con nhà tôi làm ăn xa mỗi khi về trông thấy nếp nhà như này thì cũng vui mừng, đoàng hoàng cả, thì chả có cái chi là thay đổi cả nên tôi cố gắng phải giữ cho được nếp nhà này lại”.
Những năm 1970 trở về trước, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân có trên dưới 100 ngôi nhà cổ, hầu hết tập trung tại khu vực phố Đầm. Đến nay, nhiều nhà đã bị phá dỡ, sửa chữa hoặc thay tên, đổi chủ. Hiện phố Đầm chỉ còn lại khoảng 30 nhà vẫn giữ được kiến trúc ban đầu; trong đó có 10 nhà được gìn giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nét đặc trưng của những ngôi nhà cổ này là kiến trúc theo phong cách châu Âu, tường nhà xây gạch khá dày để giữ ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè; sàn và trần nhà đều được làm bằng gỗ lim, giữa các tầng của căn nhà được nối với nhau bằng một cầu thang nhỏ bằng gỗ.
Ông Nguyễn Quốc Việt, người dân phố đầm chia sẻ, qua nhiều thế hệ, người dân phố Đầm luôn tự hào và có ý thức về giá trị cũng như trách nhiệm gìn giữ nếp nhà xưa.
“Nhà thì các cụ tôi ngày xưa để lại, chúng tôi chỉ trùng tu, sửa sang chứ không muốn phá đi mà phải giữ lại để mỗi khi con cháu đi xa, trở về quê hương còn trông thấy những ngôi nhà cổ cha ông đã để lại”.
Nhà cổ phố Đầm được xây dựng bằng tường gạch nung với cát và vôi, mái ngói đất sét nung (ảnh: báo Xây dựng) |
Những ngôi nhà cổ ở phố Đầm, xã Xuân Thiên có nhiều giá trị về mặt văn hóa lịch sử, kiến trúc; và có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Duy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, do qua nhiều năm sử dụng và chưa được khảo sát để công nhận là di tích, nên việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Nhà cổ Phố Đầm là vốn phải là di tích lịch sử từ lâu rồi nhưng chưa được sự quan tâm và chưa được công nhận di tích lịch sử nên việc phát động bà con nhân dân tổ chức tôn tạo, cải tạo lại cho đẹp hơn là chưa có điều kiện”.
Trải qua nhiều biến thiên dâu bể, ngôi nhà của dòng họ bà Đức, cũng như một số ngôi nhà đang được người dân gìn giữ vẫn là một chứng tích cho một thời kỳ mà nói đến phố Đầm, là người ta nhớ đến một nơi sầm uất bậc nhất của xứ Thanh./.