Bà Bùi Thị Tâm, quận Bình Thạnh (TP HCM) trang bị bình chữa cháy 4 kg trong bếp vì nhà ở trong hẻm sâu, trường hợp có cháy khó ứng cứu kịp. Tuy nhiên, 2 năm nay bà vẫn không biết cách sử dụng và không biết cách kiểm tra bình chữa cháy liệu còn dùng được không.
Theo ông Lý Nhơn Thành, đội phòng cháy chữa cháy phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, nếu bình chữa cháy đã 2 năm không sử dụng và kiểm tra thì có thể hiệu quả chữa cháy đã giảm. Các gia đình có thể tự kiểm tra theo 2 cách đơn giản. Bạn nhìn trên bình chữa cháy nếu kim đồng hồ chỉ vạch đỏ thì phải mang bình đi kiểm tra áp lực, nạp thêm khí hay bột, nếu ở vạch xanh thì bình vẫn đang hoạt động tốt. Với bình chữa cháy CO2, người sử dụng có thể tự kiểm tra bằng cách cân bình. Nếu nhận thấy bình chữa cháy giảm đi 20% trọng lượng trở lên thì nên đi nạp thêm khí.
Ngoài ra, các hộ dân phải tự trang bị bình chữa cháy bột, một bình loại khí cho mỗi tầng và mặt nạ. Gia đình có 10 nhân khẩu thì phải có đủ 10 mặt nạ phòng chống khí độc để bảo vệ. Bình chữa cháy loại bột thì độc, có thể dập tắt đám cháy nhưng gây ảnh hưởng sức khỏe, nếu không dùng mặt nạ phòng độc có thể gây nghẹt thở, ngạt và ngất xỉu.
Mặt nạ phòng độc đặc biệt quan trọng với người già và trẻ nhỏ, những người dễ bị tổn thương bởi khí độc khi có cháy, dẫn đến ngất xỉu, đột quỵ khó di tản khỏi vùng cháy. Giá mỗi chiếc mặt nạ phòng độc trên thị trường dao động khoảng 40.000-100.000 đồng.
Trung bình 6 tháng phải kiểm tra bình chữa cháy một lần để xử lý kịp thời. Ảnh: Khánh Ly.
Trên thị trường phổ biến là bình chữa cháy loại bột và bình khí CO2. Tùy theo môi trường, địa hình và vật liệu cháy mà sử dụng loại bình cho phù hợp. Ông Thành cho biết, xử lý cháy trong nhà cần hết sức cẩn trọng vì nhiều vật dụng trong nhà rất dễ bắt lửa gây cháy lan. Cháy do điện thì tuyệt đối không dùng bình khí vì sẽ khiến tình trạng cháy thêm trầm trọng. Cháy xe tùy trường hợp cháy ở đuôi xe hay đầu xe mà cách xử trí cũng khác nhau. Đầu xe có phần máy xe nên tuyệt đối không sử dụng bình chữa cháy CO2, vì khí CO2 khi gặp amiăng trong máy xe tạo phản ứng hóa học gây cháy dữ dội hơn. Khi cháy thân xe thì nên dùng bình khí CO2 và tiếp cận thật gần để đạt hiệu quả mong muốn.
Hộ gia đình nên chọn bình chữa cháy CO2 loại 3 kg hoặc 5 kg, bình bột chữa cháy loại 4 kg vì những trọng lượng này phù hợp với sức nâng đỡ của các thành viên gia đình khi có sự cố. Trên thực tế, những bình chữa cháy quá to thì cồng kềnh, hiệu quả chữa cháy không như mong muốn.
Với cùng trọng lượng hóa chất nhau thì bình chữa cháy CO2 có giá thành cao hơn bình bột chữa cháy. Giá bình chữa cháy chênh lệch đáng kể, bình chữa cháy Trung Quốc có giá rẻ nên được ưa chuộng. Những bình chữa cháy một kg bỏ trong ôtô giá khoảng 150.000. Bình chữa cháy CO2 từ 3 tới 5 kg có giá 300.000-500.000 đồng. Giá các loại bình từ Nhật Bản, Singapore hay xuất xứ châu Âu có giá cao gấp 2-5 lần. Theo ông Trương Đức, chủ cơ sở kinh doanh bình chữa cháy quận Gò Vấp, muốn có bình chữa cháy tốt cần đến mua và kiểm tra ở các cơ sở có uy tín, cụ thể là xem xét vỏ bình còn mới, không bị rò rỉ hay kim loại bị ăn mòn.
Các gia đình cần tránh tâm lý mua bình chữa cháy để đối phó, cần thực tập nhiều có kỹ năng để ứng phó. Trên thực tế, nhiều người không biết mở van khóa bình, gặp cháy thì càng bối rối mở không hết chốt khóa. Điều quan trong nhất khi chữa cháy là phải bình tĩnh để có thể xử lý tốt, tự cứu mình trước thì mới cứu được người thân.
Các vị trí đặt bình quen thuộc trong nhà là ở góc hành lang, góc bếp và giữ nơi để bình luôn khô ráo, thoáng mát, tránh nhiệt độ cao, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Khi di chuyển bình phải nhẹ nhàng, tránh để rung lắc mạnh. Tuyệt đối không đặt bình chữa cháy trong phòng ngủ vì khí CO2 có thể bị xì gây hại cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.
Video hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy:
Bài và video: Khánh Ly