1. Không đáp ứng nhu cầu của nhiều người cùng lúc
Nếu WC của phòng ngủ chính rộng, bạn nên bố trí hai chậu rửa.
Nếu phải dùng chung WC với các thành viên khác trong nhà, bạn phải tính tới giải pháp để 2 người có thể sử dụng cùng lúc. Nếu phòng tắm rộng, bạn nên làm hai bồn rửa để có thể cùng đánh răng, rửa mặt vào buổi sáng vội vã. Nếu WC nhỏ, bạn nên tính tới giải pháp phân chia khu khô và khu ướt để trong khi vợ tắm thì chồng có thể vệ sinh cá nhân.
2. Thiếu thông gió và ánh sáng tự nhiên
Chỉ cần một ô cửa sổ sẽ khiến nhà tắm sạch sẽ, vệ sinh hơn.
Nếu có nhiều ánh sáng, căn phòng sẽ trở nên rộng và thoáng hơn. Phòng tắm có ô cửa sổ mở ra bên ngoài sẽ không bị mùi và khô ráo. Nếu không thể mở rộng cửa, bạn có thể sử dụng máy hút mùi để đảm bảo vệ sinh cho WC.
3. Lắp đặt bồn tắm mà không sử dụng nhiều
Các gia đình cần cân nhắc kỹ khi lắp đặt WC.
Không chỉ tốn kém chi phí ban đầu, bồn tắm còn cần lượng nước tiêu thụ lớn hơn kèm theo chi phí tiền điện (nước nóng)... Phí bảo hành và sửa chữa khi WC có vấn đề cũng sẽ cao hơn. Bởi vậy, nếu không thực sự cần thiết, bạn hãy lắp đặt vòi hoa sen, giúp tiết kiệm diện tích và nhà tắm cũng rộng rãi hơn.
4. Vị trí của đồ dùng trong WC bị lộn xộn
Các loại dầu gội, sữa tắm, khăn mặt... nên để ở nơi thuận tiện cho việc sử dụng.
Bạn cần để đồ dùng ở nơi tiện lợi nhất như dầu gội, sữa tắm cần đặt ở gần vòi hoa sen. Khăn mặt và giấy vệ sinh dự trữ nên để ở trong tủ để đảm bảo khô ráo, không bị mùi.
5. Vị trí của vòi và bồn rửa không phù hợp
Bạn nên mua thiết bị đồng bộ của một hãng, đề nghị thợ lắp đặt đúng chỉ dẫn.
Không chỉ quan tâm tới vẻ thẩm mỹ, giá tiền, bạn còn cần phải đảm bảo khoảng cách giữa các thiết bị hợp lý để việc sử dụng được thoải mái. Đó là độ cao của chậu rửa so với mặt đất, khoảng cách từ điểm xa nhất của chậu với gương... Khi mở vòi, tay không bị vướng víu khi rửa, nước không bắn ra ngoài.
Lam Huyền (Theo Home & Decor)
Chia sẻ căn nhà hoặc vườn đẹp của bạn bằng cách gửi mail về giadinh@vnexpress.net.